Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Công cụ đối trọng với Trung Quốc của Mỹ?

06:30' - 25/01/2018
BNEWS Mới đây, trang tin The Cipher Brief đã đăng bài viết có tựa đề “Chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Vẽ lại bản đồ để đối phó với Trung Quốc” của tác giả Paul Becker - Giáo sư Đại học Virginia.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một bài phát biểu tại Nhà Trắng. Ảnh: AFP /TTXVN

Giáo sư Paul Becker là nguyên giám đốc cơ quan tình báo liên quân giữa Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ tại Hawaii và Bộ chỉ huy các lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế tại Afghanistan.

 Theo bài viết, trong những tháng gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster và Ngoại trưởng Rex Tillerson đã bắt đầu sử dụng khái niệm “Chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” để đề cập đến khu vực kéo dài từ bờ Tây nước Mỹ tới bờ biển phía Tây Ấn Độ. 

Các nhà lãnh đạo Mỹ trước đó thường đề cập đến khu vực này dưới cái tên “Châu Á-Thái Bình Dương” hoặc “Ấn Độ Dương- Châu Á-Thái Bình Dương”.

 Từ sau Chiến tranh Thế giới II, các nhà hoạch định chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia Mỹ đã sử dụng khái niệm “Châu Á-Thái Bình Dương”. 

Năm 2012, Mỹ đã ban hành tài liệu “Duy trì vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ: Những ưu tiên cho quốc phòng trong thế kỷ 21”, trong đó tuyên bố Mỹ sẽ “tái cân bằng hướng tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.

 Trong buổi điều trần trước ủy ban quân lực Hạ viện Mỹ, cựu Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương, Đô đốc Sam Locklear, đã đề cập đến khái niệm “Ấn Độ Dương-Châu Á- Thái Bình Dương”. Năm 2017, khái niệm "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” chính thức được sử dụng trong chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ. 

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Mỹ sử dụng khái niệm trên. Trước đó, trong các bài phát biểu chính thức, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Hillary Clinton cũng đã sử dụng cụm từ này.

 Việc chính quyền Trump chính thức công khai chính sách "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” cho thấy Mỹ sẽ coi Ấn Độ như là một cường quốc khu vực, không phải là một quốc gia nằm tách biệt tại tận cùng phía Nam của lục địa; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực có 2 trong số 3 đại dương lớn nhất trên thế giới, 4 trong số 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 5 quốc gia đông dân số nhất thế giới. 

Chính sách được cho là nhằm đối phó với các hành động của Trung Quốc tại châu Á, từ chủ nghĩa bành trướng ở Biển Đông cho tới việc xây dựng các cảng biển tại khu vực Ấn Độ Dương trong nỗ lực triển khai sang kiến “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh.

 Để đảm bảo các lợi ích tại khu vực ”Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, đòi hỏi Mỹ có quan điểm nhất quán, thống nhất và tập trung. 

Trong đó, sự nhất quán cần được thể hiện rõ để các cơ quan chính quyền dễ dàng trong việc thực hiện, còn sự thống nhất đặt ra yêu cầu chính quyền Mỹ gắn tuyên bố với hành động. Đồng thời, Mỹ cũng cần tập trung vào từng vấn đề liên quan, như việc phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các vùng biển quốc tế.

 Bên cạnh đó, Mỹ sẽ tăng cường đảm bảo thực thi các quy định của luật pháp quốc tế, bảo vệ tự do hàng hải, tuân thủ công ước Liên hợp quốc về luật biển. Với các hành động vi phạm của Trung Quốc hoặc các bên liên quan, Mỹ cần công khai phản đối và có giải pháp thích hợp.

 Việc ”Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” được xác định đầu tiên trong phần “chiến lược khu vực” của chiến lược an ninh quốc gia Mỹ cho thấy đây sẽ là khu vực được ưu tiên trong số 5 khu vực khác, trong đó có Trung Đông và châu Âu. Trung Quốc chắc chắn không muốn đón nhận sự ra đời của chính sách khu vực nói trên.

 Việc thay đổi tên gọi không đồng nghĩa với việc thay đổi chính sách khu vực. Điều quan trọng là cần gắn tuyên bố với hành động. Do đó, trong tương lai, Mỹ cần chấp nhận cọ sát với các nước có hành động thách thức hệ thống an ninh vốn đã giúp duy trì hòa bình, thịnh vượng cho toàn khu vực trong hơn 70 năm qua. 

Khi lãnh đạo Mỹ tái khẳng định cam kết đối với khu vực “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, Washington cần đảm bảo nhất quán, thống nhất và tập trung./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục