Trung Quốc có thể đạt tốc độ tăng trưởng 6,7% trong năm 2016

20:55' - 10/01/2017
BNEWS Tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc có khả năng tăng khoảng 6,7% trong năm 2016 trong bối cảnh nền kinh tế lớn thế hai thế giới đang phát đi những dấu hiệu ổn định.

Chủ tịch Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc Xu Shaoshi ngày 10/1 cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này có khả năng tăng khoảng 6,7% trong năm 2016 trong bối cảnh nền kinh tế lớn thế hai thế giới đang phát đi những dấu hiệu ổn định.

Theo ông Xu, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn nằm trong “biên độ hợp lý” và số liệu dự báo của năm 2016 cho thấy kinh tế nước này sẽ không "hạ cánh cứng” như dự đoán của nhiều chuyên gia. Ông Xu cũng nhận định rằng sức tiêu dùng trong nước đã đóng vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung.

Người đứng đầu cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc này cũng cho rằng nhờ các cải cách kinh tế hiện tại của chính phủ, kết cấu ngành công nghiệp của nước này đã được tối ưu hóa và Bắc Kinh có “khả năng, điều kiện và lòng tin” có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định.

Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc hồi tháng trước dự đoán tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ chậm lại trong năm 2017, do đầu tư tư nhân, doanh số bán lẻ và nhu cầu ở nước ngoài có thể sẽ giảm.

Hồi tháng 3/2016 Chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ nỗ lực đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm từ 6,5% trở lên trong giai đoạn 5 năm tiếp theo, để có thể thực hiện được mục tiêu xây dựng một “xã hội khá thịnh vượng” là đến năm 2020 tăng gấp đôi GDP và thu nhập bình quân đầu người của năm 2010. 

Giới lãnh đạo Trung Quốc gần đây đã quyết định ưu tiên hàng đầu cho năm 2017 là tránh sự bất ổn về kinh tế.

Cùng ngày, Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố số liệu chính thức cho thấy chỉ số lạm phát năm 2016 không đạt được mức mục tiêu khoảng 3% mà chính phủ đề ra. Cụ thể, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tăng 2% trong năm 2016, so với 1,4% của năm 2015.

Trong tháng 12/2016, chỉ số CPI tăng chậm lại ở mức 2,1%, một phần do giá thực phẩm tăng “ì ạch”, trong khi Chỉ số giá sản xuất (PPI) lại tăng nhanh nhất kể từ tháng 9/2011 đạt 5,5% do nhu cầu trong nước đối với than đá và các mặt hàng công nghiệp khác tiếp tục tăng mạnh.

Sau khi chỉ số PPI của Trung Quốc tăng lần đầu tiên trong gần 5 năm qua hồi tháng 9/2016, giới quan chức và chuyên gia đã bắt đầu củng cố nhận định rằng tăng trưởng kinh tế của nước này đang phát đi những tín hiệu ổn định. Tuy nhiên, chỉ số PPI của cả năm 2016 lại giảm 1,4% so với năm 2015.

Cuối tháng này Trung Quốc sẽ công bố số liệu GDP quý IV/2016 và cả năm 2016.

>>> Trung Quốc: Kinh tế kỹ thuật số sẽ tạo ra 400 triệu việc làm vào năm 2035

>>> Vì sao dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm mạnh?

>>> Trung Quốc gia tăng đầu tư vào năng lượng tái tạo

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục