Trung Quốc: Hoạt động sản xuất bất ngờ giảm trong tháng Năm

09:21' - 01/06/2024
BNEWS Trong tháng Năm, hoạt động sản xuất của Trung Quốc bất ngờ giảm khi những rắc rối trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục đè nặng lên niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Trong tháng Năm, hoạt động sản xuất của Trung Quốc bất ngờ giảm khi những rắc rối trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục đè nặng lên niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

 

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 31/5 cho biết chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất đã giảm từ mức 50,4 trong tháng Tư xuống 49,5 trong tháng Năm (50 là mốc phân định giữa tăng trưởng và suy giảm).

Con số trên là một trong một loạt chỉ số gần đây cho thấy nền kinh tế trị giá 18.600 tỷ USD đang vật lộn để đứng vững trở lại và ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý lạc quan trước đó sau khi số liệu thương mại và sản lượng cao hơn dự kiến.

Nhà kinh tế Xu Tianchen của tổ chức Economist Intelligence Unit, nhận định số liệu trên phản ánh nhu cầu trong nước yếu, lĩnh vực nhà đất tiếp tục xấu đi và doanh số bán lẻ không tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo ông Xu Tianchen, số liệu tháng Năm có thể cho thấy tình trạng sụt giảm tạm thời và tình hình sẽ cải thiện trong tháng Sáu khi chính sách mới của chính phủ bắt đầu phát huy hiệu quả, chẳng hạn như kế hoạch giải cứu thị trường bất động sản và phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt.

Các chỉ số phụ của PMI về lượng đơn hàng mới và số đơn hàng xuất khẩu mới đều giảm sau hai tháng tăng trưởng, trong khi việc làm cũng giảm.

Các vấn đề trong lĩnh vực bất động sản đã có tác động tiêu cực trên nhiều lĩnh vực rộng lớn của nền kinh tế Trung Quốc và làm chậm nỗ lực của chính phủ nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng dựa nhiều hơn vào tiêu dùng nội địa.

Doanh số bán lẻ tháng trước tăng ở mức thấp nhất kể từ tháng 12/2022 trong khi giá nhà mới giảm với tốc độ nhanh nhất trong 9 năm.

Ngày 29/5, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh nâng dự báo tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc thêm 0,4 điểm phần trăm lên 5% trong năm 2024 và 4,5% trong năm 2025, nhưng cảnh báo bất động sản vẫn là lĩnh vực gây rủi ro cho tốc độ tăng trưởng.

Trong tháng này, Trung Quốc đã công bố các biện pháp lịch sử nhằm ổn định thị trường bất động sản, nhưng những nhà phân tích cho rằng các biện pháp này chưa thể tạo được đà phục hồi bền vững.

Theo IMF, cần một gói chính sách toàn diện hơn để giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực bất động sản. Nhà kinh tế Nie Wen tại công ty đầu tư Shanghai Hwabao Trust, nhận định Trung Quốc vẫn cần tăng cường kích thích nhu cầu, đồng thời sắp xếp các kênh tín dụng càng sớm càng tốt để tránh bảng cân đối kế toán của các tổ chức tài chính bị thu hẹp và tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục