Trung Quốc hy vọng đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ trước hạn 1/3
Bức thư này được công bố trong cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại nhà Trắng. Ông Lưu Hạc đang có chuyến thăm Washington để tìm cách đạt được một thỏa thuận nhằm xoa dịu căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong bức thư, nhà lãnh đạo Trung Quốc bày tỏ quan hệ Trung- Mỹ đang trong giai đoạn "then chốt" và ông hy vọng "hai bên sẽ tiếp tục làm việc trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau."
Đáp lại, Tổng thống Trump cho hay ông sẽ sớm gặp Chủ tịch Tập Cận Bình để tìm cách ký kết một thỏa thuận thương mại toàn diện Mỹ - Trung. Phát biểu tại buổi tiếp quan chức Trung Quốc, Tổng thống Trump bày tỏ lạc quan rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đạt được thỏa thuận lớn nhất từ trước đến nay.
Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump thông báo: "Các cuộc họp đang diễn ra tốt đẹp với thiện chí và tinh thần tốt từ cả hai bên. Trung Quốc không muốn tăng thuế và cảm thấy họ sẽ làm tốt hơn nhiều nếu họ đạt được một thỏa thuận. Họ đã đúng".
Theo ông, sẽ không có thỏa thuận nào đạt được cho đến khi ông gặp Chủ tịch Tập Cận Bình để thảo luận và nhất trí về một số vấn đề lâu dài và khó khăn. Ông nhấn mạnh hai đoàn đàm phán đang nỗ lực để hoàn tất thỏa thuận trước khi Mỹ tăng thêm 25% thuế đối với hàng hóa Trung Quốc vào đầu tháng 3 tới.
Trước đó cùng ngày, tờ Wall Street Journal đưa tin Trung Quốc đã đề xuất tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung tại Hải Nam Trung Quốc, nhiều khả năng vào cuối tháng 2 tới, nhằm hỗ trợ giải quyết cuộc chiến thuế quan giữa hai nước này.
Ngày 30/1 vừa qua, các quan chức thương mại hàng đầu của hai nước Mỹ và Trung Quốc đã trở lại bàn đàm phán tại Washington để thảo luận về phương hướng hợp tác nhằm tránh đẩy tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục leo thang.
Trưởng đoàn đàm phán Mỹ là Đại diện thương mại Robert Lighthizer, còn Trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc là Phó Thủ tướng nước này Lưu Hạc.
Nhà Trắng cho biết mục đích của cuộc đàm phán thương mại này là "đạt được sự thay đổi về cấu trúc cần thiết tại Trung Quốc" - yếu tố mà Washington cho rằng ảnh hưởng đến thương mại song phương.
Cũng trong cuộc đàm phán này, hai bên tập trung thảo luận về cam kết trước đó của Bắc Kinh liên quan việc mua một khối lượng đáng kể hàng hóa và dịch vụ của Mỹ như một giải pháp nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với nền kinh tế số 2 thế giới.
Cuộc chiến thương mại đã bùng phát từ giữa năm 2018, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã liên tiếp trả đũa nhau bằng các mức thuế mới. Đến nay, tổng lượng hàng hóa bị đánh thuế cao hơn của hai bên đã lên tới hơn 360 tỷ USD.
Lãnh đạo hai nước đã nhất trí "đình chiến thương mại" trong 90 ngày kể từ 1/12/2018, để hai bên thương lượng một thỏa thuận nhằm chấm dứt nhiều tháng leo thang căng thẳng. Nếu giới chức hai nước không đạt được giải pháp cho cuộc chiến thương mại, Mỹ sẽ tăng mức thuế từ 10% hiện nay lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD từ ngày 2/3 tới.
Kinh tế Trung Quốc suy giảm nhanh hơn dự đoán dù trong thời gian gần đây giới chức Trung Quốc đã tìm cách giảm bớt tác động của cuộc chiến tranh thương mại Trung-Mỹ đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này. Một số nguồn tin cho biết ban lãnh đạo Trung Quốc đang đi tới một kết luận ảm đạm rằng tranh chấp thương mại Trung-Mỹ gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, các biện pháp gia tăng áp lực của chính quyền Mỹ lên chính sách thương mại của Trung Quốc đang gây thiệt hại đặc biệt lớn đối với khu vực sản xuất hướng đến mục tiêu xuất khẩu, lượng đơn đặt hàng mới cho các doanh nghiệp ở Trung Quốc suy giảm, buộc các nhà máy phải cắt giảm sản xuất và đóng băng các quyết định về đầu tư và thuê nhân công.
Trung Quốc trong nhiều năm trở lại đây đã cố gắng đưa nền kinh tế giảm phụ thuộc vào ngành chế tạo, hướng đến mục tiêu tiêu dùng nội địa, tuy nhiên khu vực sản xuất vẫn chiếm 1/3 tổng sản lượng kinh tế.
Một số cố vấn chính phủ, chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chính thức của Trung Quốc trong quý IV/2018 rơi xuống dưới mức 6,5% - một con số gây khiến nhiều chuyên gia và giới đầu tư tranh cãi. Dù vẫn ở ngưỡng cao theo tiêu chuẩn toàn cầu, nhưng tốc độ tăng trưởng như vậy là thấp nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Các cố vấn về chính sách kinh tế cho Trung Quốc dự báo tăng trưởng còn suy giảm trong những tháng tới đây. Nền kinh tế chắc chắn sẽ đối diện với sức ép suy thoái lớn hơn. Mức độ tồi tệ như thế nào, gói kích thích kinh tế có tác động đến đâu sẽ phụ thuộc vào việc căng thẳng thương mại với Mỹ có sớm kết thúc hay không./.
>>> Tổng thống Mỹ khẳng định đàm phán thương mại với Trung Quốc diễn ra tốt đẹp
Tin liên quan
-
Kinh tế Thế giới
Kinh tế Trung Quốc bước vào năm 2019 với những dấu hiệu ổn định
18:55' - 31/01/2019
Là số liệu đầu tiên về hoạt động của kinh tế Trung Quốc trong năm 2019, chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) được công bố ngày 31/1 cho thấy nền kinh tế nước này đang dần ổn định.
-
Kinh tế Thế giới
Mỹ, Trung Quốc tiến hành vòng đàm phán thương mại mới
21:36' - 30/01/2019
Mỹ và Trung Quốc đã tiến hành vòng đàm phán cấp cao mới nhằm giải quyết những bất đồng và khác biệt.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Thế giới
Giới doanh nghiệp Mỹ bớt lo âu sau đề cử Bộ trưởng Tài chính
09:59'
Theo CNN ngày 25/11, giới doanh nghiệp Mỹ thở phào sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump đưa ra đề cử Bộ trưởng Tài chính.
-
Kinh tế Thế giới
Kênh đào Suez thất thu do bất ổn tại Trung Đông kéo dài
08:20'
Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty cho biết quốc gia Bắc Phi này đã thiệt hại tới 8 tỷ USD do doanh thu từ Kênh đào Suez giảm mạnh, trong bối cảnh các cuộc xung đột ở Trung Đông.
-
Kinh tế Thế giới
Ngành ô tô Thái Lan tiếp tục giảm mạnh sản lượng
18:05' - 25/11/2024
Thái Lan dự kiến sẽ sản xuất 1,5 triệu ô tô chở khách và xe tải trong năm nay, mức thấp nhất kể từ năm 2021 khi cả doanh số bán trong nước và xuất khẩu đều giảm.
-
Kinh tế Thế giới
Malaysia tìm kiếm đối tác cho chuỗi cung ứng bán dẫn
17:39' - 25/11/2024
Malaysia đang nỗ lực đa dạng hóa quan hệ hợp tác nhằm đảm bảo ổn định chuỗi cung ứng bán dẫn, qua đó giảm thiểu nguy cơ phải đối mặt với các rủi ro khi Mỹ triển khai chính sách thuế quan mới.
-
Kinh tế Thế giới
Nga là nhà cung cấp hàng đầu nhiều mặt hàng nông sản
17:24' - 25/11/2024
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với tạp chí Expert mới đây, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Patrushev cho biết nước này hiện là nhà cung cấp hàng đầu nhiều mặt hàng nông sản ra thế giới.
-
Kinh tế Thế giới
Ấn Độ coi Italy là đối tác, đồng minh quan trọng ở châu Âu
12:07' - 25/11/2024
Phóng viên TTXVN tại New Delhi dẫn lời Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar cho biết nước này coi Italy là đối tác, đồng minh quan trọng ở châu Âu và là một quốc gia có ảnh hưởng rất lớn ở Địa Trung Hải.
-
Kinh tế Thế giới
Thổ Nhĩ Kỳ, Nga nhất trí tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực
12:05' - 25/11/2024
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin để thảo luận về quan hệ song phương, các vấn đề khu vực và quốc tế.
-
Kinh tế Thế giới
Hàn Quốc tổ chức hội nghị bàn tròn với các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam
12:05' - 25/11/2024
Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc hôm 25/11 đã tổ chức hội nghị bàn tròn với các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam.
-
Kinh tế Thế giới
ASEAN, Ấn Độ thông báo vòng đàm phán tiếp theo về hiệp định thương mại song phương
09:49' - 25/11/2024
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Bộ Công thương Ấn Độ mới đây thông báo vòng đàm phán tiếp theo về rà soát Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN-Ấn Độ (AITIGA) dự kiến được tổ chức vào tháng 2/2025.