Trung Quốc: Khó khăn phục hồi kinh tế giai đoạn hậu COVID-19

06:30' - 27/04/2020
BNEWS Các chuyên gia cho rằng tăng trưởng âm quý I của Trung Quốc chỉ là "khúc dạo đầu" trong số những ảnh hưởng mà dịch COVID-19 gây ra đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Xếp dỡ hàng hóa tại cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đẩy tăng trưởng của Trung Quốc trong ba tháng đầu năm 2020 xuống mức âm. Chuyên gia Pháp Jean-François Dufour, Giám đốc cơ quan tư vấn DCA Chine Analyse, cho rằng không một cơ quan dự báo nào có thể nghĩ rằng chỉ trong vỏn vẹn ba tháng, một cú sốc bất ngờ có thể cuốn trôi gần 7 điểm tăng trưởng của Trung Quốc.

Ngày 20/1/2020, Bắc Kinh chính thức nhìn nhận phải đương đầu với một loại virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2), các nhà máy tại công xưởng sản xuất lớn nhất thế giới này lần lượt phải đóng cửa. Thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc và cả những tỉnh xung quanh, thậm chí là cả thủ đô Bắc Kinh hay lá phổi tài chính Thượng Hải ngừng hoạt động.

Dân chúng ở yên trong nhà, lặng lẽ nhìn mùa Tết Nguyên Đán trôi qua. Các kế hoạch mua sắm, du lịch, sinh hoạt văn hóa sôi động đón Xuân đều bị hủy bỏ. Cả lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ bị đóng băng. Các chuyến bay quốc tế đến hay xuất phát từ Trung Quốc thưa dần để rồi giảm xuống mức tối thiểu.

Tất cả chỉ mới bắt đầu từng bước được khởi động lại trong những ngày đầu tháng 3/2020. Vũ Hán, ổ dịch COVID-19, vừa dỡ bỏ lệnh phong tỏa ngày 8/4/2020 sau hai tháng rưỡi bị "bế quan tỏa cảng". Tuần trước khi Bắc Kinh chính thức thông báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong ba tháng đầu năm sụt giảm 6,8%, kinh tế gia Julian Evans Pritchard thuộc cơ quan tư vấn Capital Economics tại London tin rằng "giai đoạn đen tối nhất đã qua".

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành cơ quan tư vấn DCA Chine Analyse, Jean-François Dufour bi quan hơn nhiều. Ông lo ngại toàn cảnh dù rất ảm đạm trong ba quý đầu năm nay mới chỉ là "đợt sóng đầu tiên" và kinh tế Trung Quốc còn phải trải qua nhiều thử thách khác bên cạnh nguy cơ dịch bệnh tái phát. 

Nhu cầu tiêu thụ ảm đạm

Trung Quốc là nền kinh tế đầu tiên trên thế giới chịu tác động của COVID-19, và cũng là quốc gia đầu tiên đã áp dụng biện pháp triệt để, cách ly toàn bộ cả một tỉnh với trên 60 triệu dân. Tuy nhiên, quan trọng hơn nữa là trong giai đoạn phong tỏa đó, khu vực sản xuất không chỉ của Vũ Hán mà của cả Trung Quốc đã bị đóng băng.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là giai đoạn một, tức là khi guồng máy sản xuất của Trung Quốc bị tê liệt trong nhiều tuần lễ. Vấn đề đặt ra cho Trung Quốc giờ đây là giai đoạn hai, khi kinh tế Trung Quốc được khởi động lại, các nhà máy hoạt động trở lại, nhưng hàng sản xuất không có người mua, trong lúc COVID-19 đang tấn công phần còn lại của thế giới và đến lượt quốc tế bị dịch bệnh làm tê liệt.

Theo nhận định của cơ quan tư vấn Trivium tại Bắc Kinh, tính đến giữa tháng 4/2020, cỗ máy công nghiệp của Trung Quốc mới chỉ hoạt động 80% công suất. Về phía tiêu thụ giới phân tích không mấy lạc quan. Trong hai tháng Trung Quốc bị chìm vào "giấc ngủ Đông" hàng nghìn người lao động mất nguồn thu nhập, qua đó tiêu thụ nội địa bị giảm theo. Chỉ số bán lẻ trong tháng 3/2020 được Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố giảm 16%, mức sụt giảm mạnh ngoài dự báo.

Thăm dò của cơ quan tài chính UBS trụ sở tại Thụy Sỹ cho biết, thu nhập của 54% những người được hỏi sụt giảm và 60% tuyên bố "cắt giảm chi tiêu so với thời kỳ trước khi bùng phát COVID-19". Đó là chưa kể, ngay cả khi các sinh hoạt đã trở lại gần như bình thường, phần lớn người dân vẫn tránh né các khu đông người, ít lui tới các quán ăn, hay la cà tại các trung tâm thương mại, và lại càng tránh né từ các rạp chiếu phim đến các công viên giải trí.

Trung Quốc mở cửa lại các nhà máy vào lúc đến lượt châu Âu và châu Mỹ rồi cả châu Phi chìm vào vòng xoáy của khủng hoảng y tế. Cả nước Italy, rồi Pháp, Anh và Mỹ rơi vào tình trạng phong tỏa trong nhiều tuần lễ. 

Theo chuyên gia Dufour, đây mới là điều khiến giới lãnh đạo Bắc Kinh đau đầu: "Cú sốc tấn công mạnh vào nhu cầu tiêu thụ này đối với Trung Quốc thể hiện dưới hai góc độ: Một là tác động trực tiếp vào ngành xuất khẩu. Cho dù nhân công có trở lại nhà máy như những gì chúng ta đang trông thấy hiện nay và hãy tạm gác sang một bên hiểm họa Trung Quốc lại bị một đợt lây nhiễm thứ nhì, nhưng hàng của Trung Quốc sản xuất ra không ai mua. Đó là điều khiến Bắc Kinh rất lo ngại. Vấn đề thứ hai là làm thế nào khắc phục được đợt sóng thứ nhì này".

Những rủi ro gây bất ổn xã hội 

Làn sóng thứ hai, theo ông Dufour, đó là mối nguy hiểm đe dọa đến lời hứa hẹn của chính phủ đưa hàng triệu người dân Trung Quốc thoát khỏi cảnh bần cùng. Với tỷ lệ tăng trưởng cho cả năm được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán là ở mức 1,2% Bắc Kinh khó đạt được mục tiêu "đến cuối 2020 tăng gấp đôi GDP của Trung Quốc so với thời điểm 2010".

Thống kê chính thức của Bắc Kinh cho thấy trong hai tháng đầu năm nay COVID-19 đã làm mất đi 3 triệu việc làm tại nước đông dân nhất thế giới này. Các cơ quan quốc tế như UBS của Thụy Sỹ hay ngân hàng Nomura Nhật Bản thì cho rằng, dịch COVID-19 lần này cướp đi công ăn việc làm của từ 10 đến 18 triệu dân trong những quý sắp tới.

Tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc trong 2019 đạt trên 6% và là một thành tích không đáng kể so với những gì mà nước này đạt được trong suốt 25 năm. Và với hơn 6% tăng trưởng đó, Trung Quốc mới tạo thêm được 19 triệu việc làm tại một quốc gia với hơn 1,3 tỷ dân. Giới nghiên cứu về Trung Quốc thường ví von, "thống kê về thất nghiệp tại Trung Quốc là một chiếc hộp đen khổng lồ, không ai biết có những gì trong đó".

Vậy thì tại sao khác với khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008/2009 lần này Trung Quốc không ồ ạt huy động ngân sách cứu nền kinh tế? Vào lúc Tokyo tung gói kích cầu tương đương với 1/5 GDP để khắc phục hậu quả kinh tế do dịch COVID-19 gây ra, Mỹ huy động ít nhất 2.000 tỷ USD, Pháp là 15% GDP, thì "người khổng lồ" Trung Quốc mới chỉ đặt lên bàn cân một số tiền tương đương với 3% GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Jean-François Dufour, Giám đốc DCA Chine-Analyse phân tích rằng mâu thuẫn ở đây là cho dù với kết quả quý I vừa qua, Trung Quốc vẫn là một trong những nền kinh tế được trang bị những công cụ ít yếu kém nhất, nếu không muốn nói là hiệu quả nhất để đối phó với khủng hoảng.

Bắc Kinh có thể vẫn khai thác những lá bài cổ điển vốn vẫn được sử dụng từ xưa tới nay, chẳng hạn tăng đầu tư công vào các cơ sở hạ tầng, tăng các khoản chi tiêu. Lần này Trung Quốc không tung ra những gói kích cầu đồ sộ như hồi 2008-2009 có thể là để tránh khiêu khích thiên hạ, nhưng cũng có lẽ là Bắc Kinh không còn có nhiều phương tiện tài chính như hơn một chục năm trước đây.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn còn nhiều lá chủ bài trong tay và vẫn có thể dễ dàng tạo cú hích cho kinh tế qua hàng loạt dự án xây dựng các công trường, mở rộng sân bay, xây thêm sân vận động và trang bị thêm các đường dây điện cao thế. Đó là điều mà Trung Quốc đã làm từ một vài tuần lễ nay để khởi động lại con tàu kinh tế nước này. 

Ẩn số duy nhất là mức tiêu thụ trong và ngoài nước. Ngoài ra, điều mà Trung Quốc lo ngại hơn cả là khả năng các công ty bị vỡ nợ, đẩy hàng triệu người vào cảnh thất nghiệp, đe dọa ổn định xã hội. Tránh để kịch bản này nổ ra, Trung Quốc tăng cường khả năng của các ngân hàng để cấp tín dụng. Nói cách khác, ngân hàng trung ương sẽ mở van tín dụng để bảo đảm hệ thống ngân hàng vận hành tốt.

Xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc

Ngoài những ẩn số là tiêu thụ nội địa, xuất khẩu, thất nghiệp dẫn đến bất ổn trong xã hội, Bắc Kinh còn chuẩn bị trước khả năng đầu tư nước ngoài lần lượt rút lui khỏi nước này. Ba năm trước dịch COVID-19, khi đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã nhiều lần kêu gọi giảm mức độ phụ thuộc vào bạn hàng Trung Quốc. 

Liên minh châu Âu cũng muốn cân bằng lại quan hệ song phương với Trung Quốc và một số thành viên châu Âu đã bắt đầu gắn chiến lược với thương mại trong quan hệ phức tạp với đối tác châu Á này. 

Đại dịch COVID-19 lại càng củng cố thêm lập trường đó. Gần đây nhất là Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe từ tháng 3/2020 đã liên tục "khuyến khích các doanh nhân Nhật suy nghĩ về kế hoạch bố trí lại các khoản đầu tư ra nước ngoài, mà điểm đến có thể là các nước trong vùng Đông Nam Á". Tập đoàn sản xuất ô tô Hyundai của Hàn Quốc đã có kế hoạch "chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang Ấn Độ".

Phải chăng đây mới là thách thức mà dịch bệnh đặt ra cho Bắc Kinh? Theo ông Jean-François Dufour, rõ ràng tiến trình toàn cầu hóa đang đứng trước một khúc quanh quan trọng. Dù vậy, cần thận trọng giữa những tuyên bố mang màu sắc chính trị với thực tế. Trước mắt nhiều nước trên thế giới quyết tâm “hồi hương” các công ty quốc gia, đây là điều dễ hiểu, đặc biệt là đối với một số lĩnh vực như y tế và dược phẩm. 

Nhiều tập đoàn đã sẵn sàng rời khỏi Trung Quốc đi tìm những bãi đáp mới, nhưng một số khác thì mới chỉ lên kế hoạch. Với những điểm đến tương lai, ví dụ như Đông Nam Á, câu hỏi đặt ra là các quốc gia được chọn có sẵn sàng hay không đón nhận một lúc quá nhiều các dự án đầu tư nước ngoài? Đó là chưa kể, một khi cỗ máy kinh tế của thế giới được khởi động lại, thì dù muốn hay không mọi người vẫn cần vào nguyên và nhiên liệu của Trung Quốc.

Trong một thời gian nhất định, Trung Quốc vẫn là một cửa ngõ quan trọng của kinh tế toàn cầu. Nhưng đúng là trong dài hạn và cũng có thể là rất dài hạn, tính toán dời cơ sở khỏi Trung Quốc là có thực, nhưng đó là cả một tiến trình dài hơi, cần nhiều thời gian để thực hiện".

Theo nhà Trung Quốc học, Giáo sư Stéphane Corcuff trường Khoa học Chính trị Lyon, đại dịch COVID-19 là cơ hội để phương Tây xét lại chuỗi cung ứng và dây chuyền sản xuất toàn cầu, tái tạo lại một trật tự thương mại thế giới, mà trong đó Trung Quốc không còn là trung tâm của mạng lưới thương mại của thế giới. Khi đó, một trong những câu hỏi đặt ra là, liệu người tiêu dùng phương Tây có sẵn sàng "cai nghiện" hàng hóa giá rẻ sản xuất tại Trung Quốc?./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục