Trung Quốc lên án hành động của Mỹ đối với Huawei

19:16' - 16/05/2019
BNEWS Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã chỉ trích động thái của Mỹ là "lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu".
Gian hàng của Huawei tại Hội nghị di động thế giới 2019 ở Barcelona, Tây Ban Nha. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 16/5, Trung Quốc khẳng định sẽ "kiên quyết bảo vệ" các công ty của nước này, sau khi Washington coi các thiết bị viễn thông của Tập đoàn Huawei là rủi ro an ninh, đồng thời áp đặt hạt chế xuất khẩu liên quan các thương vụ bán công nhệ của Mỹ cho công ty này. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã chỉ trích động thái của Mỹ là "lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu", sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành sắc lệnh yêu cầu Huawei phải nhận được sự cho phép của chính phủ để thực hiện hoạt động mua sắm.

Ông Lục Khảng nói: "Chúng tôi hối thúc Mỹ ngừng cách tiếp cận sai lầm này. Trung Quốc sẽ thực hiện thêm các biện pháp cần thiết nhằm kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc".

Mặc dù ông Lục Khảng không nêu chi tiết các biện pháp này, song giới phân tích đã cảnh báo việc kiểm soát xuất khẩu có nguy cơ làm cho bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại và công nghệ trở nên nghiêm trọng hơn.

Trong một báo cáo, các chuyên gia phân tích Nhóm Á-Âu (Eurasia Group) nhận định hạn chế mới của Mỹ là sự leo thang nghiêm trọng với Trung Quốc, mà ít nhất cũng dẫn đến hoài nghi về triển vọng các cuộc đàm phán thương mại đang tiếp diễn. Báo cáo có đoạn: "Nếu không được giải quyết một cách thận trọng, tình hình này có khả năng đẩy các công ty của Mỹ và Trung Quốc vào những rủi ro mới".

Cũng trong ngày 16/5, Tập đoàn Huawei của Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc do thám trên mạng viễn thông của Hà Lan mà truyền thông nước này đưa tin, đồng thời khẳng định luôn tuân thủ luật pháp tại các quốc gia mà hãng này hoạt động. 

Trước đó, báo De Volkskrant dẫn các nguồn tin tình báo giấu tên cho biết tập đoàn Huawei đã giấu một "cửa hậu" trên mạng lưới của các hãng viễn thông lớn của Hà Lan, qua đó có thể tiếp cận dữ liệu của khách hàng. Tờ báo cũng cho biết cơ quan tình báo Hà Lan (AIVD) đang điều tra xem liệu hành vi này nhằm mục đích tạo điều kiện cho hoạt động do thám hay không.

Trước thông tin trên, một đại diện của Huawei đã khẳng định với báo De Volkskrant rằng công ty luôn tuân thủ luật pháp của mọi quốc gia nơi Huawei hoạt động, đồng thời không cho phép các chính phủ cũng như các cá nhân muốn lợi dụng mạng lưới của hãng cho các hoạt động có thể đe dọa an ninh mạng.

Trong khi đó, người phát ngôn của AIVD đã từ chối bình luận về những thông tin đăng tải trên tờ De Volkskrant.

Những thông tin trên được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bổ sung Huawei và 70 chi nhánh của tập đoàn này vào "Danh sách Thực thể", trong một động thái nhằm cấm tập đoàn khổng lồ này mua các bộ phận và công nghệ từ các công ty của Mỹ nếu chưa có sự đồng ý của Chính phủ Mỹ.

Quyết định mới nhất của Mỹ cùng với căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã khiến giá cổ phiếu châu Âu đồng loạt đi xuống trong phiên giao dịch ngày 16/5. Chỉ số STOXX 600 của toàn châu Âu giảm 0,1%, trong khi chỉ số DAX của Đức rớt 1%.

Sau khi Mỹ có động thái cứng rắn với Huawei, cùng ngày, người phát ngôn Thủ tướng Anh Theresa May cho biết Chính phủ nước này sẽ xem xét chính sách đối với mạng không dây thế hệ 5G và sẽ có thông báo chính thức.

Hồi tuần trước, người phát ngôn của Thủ tướng May khẳng định Chính phủ Anh sẽ đánh giá những rủi ro nếu phát sinh bất cứ quan ngại nào trước khi thông báo liệu có cho phép Huawei tham gia xây dựng mạng 5G tại Anh hay không. Quan chức này khẳng định London xác định rõ sẽ không “bật đèn xanh” cho những nhà cung cấp gây rủi ro cao cho những hạng mục của mạng 5G có vai trò an ninh trọng yếu.

Huawei, được thành lập vào năm 1987, là tập đoàn tư nhân cung cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông và các thiết bị thông minh. Huawei là nhà sản xuất thiết bị hàng đầu cho mạng 5G, nhưng "ông lớn" này đang bị nhiều thị trường phương Tây "quay lưng" trước những lo ngại rằng Bắc Kinh có thể tiếp cận các cơ sở hạ tầng quan trọng của nước mình.

Huawei đang trải qua thời kỳ khó khăn sau vụ nhà chức trách Canada bắt giữ Giám đốc Tài chính Mạnh Vãn Châu với cáo buộc bà và Huawei đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran./.

>> Washington đẩy căng thẳng thương mại với Bắc Kinh lên nấc thang mới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục