Trung Quốc: PBoC dè dặt trong việc ban hành thêm các biện pháp kích thích

16:14' - 13/07/2020
BNEWS Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc cho biết Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC-ngân hàng trung ương) không có ý định đưa ra thêm nhiều biện pháp kích thích hơn nữa.

Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc cho biết Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC-ngân hàng trung ương) không có ý định đưa ra thêm nhiều biện pháp kích thích hơn nữa, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phục hồi từ cú sốc do dịch COVID-19.

Trong một buổi họp báo mới đây, ông Guo Kai, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ của PBoC, cho biết trong nửa cuối năm 2020, kinh tế Trung Quốc sẽ quay trở về trạng thái bình thường, và vai trò của chính sách tiền tệ truyền thống sẽ trở nên rõ nét hơn.

Ông Ruan Jianhong, người đứng đầu Vụ Thống kê của PBoC, cho biết trong 10.000 doanh nghiệp được khảo sát trên cả nước, 90,7% doanh nghiệp trong ngành dịch vụ đã mở cửa trở lại tính đến ngày 15/6.

Với các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp, tỷ lệ tỷ lệ sử dụng trang thiết bị đạt ít nhất bằng mức trung bình trong quý II/2019.

Còn theo ông Guo, PBoC hiện nhấn mạnh nhiều hơn vào từ “vừa phải” khi xem xét những thay đổi trong tương lai đối với vấn đề lãi suất và nguồn cung tín dụng.

Số liệu của PBoC cho thấy vào thời kỳ cao điểm dịch COVID-19 trong nửa đầu năm nay, các ngân hàng Trung Quốc đã tung ra lượng tín dụng cao kỷ lục 12.090 tỷ NDT (1.727 tỷ USD). Theo Reuters, con số này xấp xỉ bằng GDP của Canada.

Ông Guo cho rằng hạ lãi suất một cách thích hợp không có nghĩa là lãi suất càng thấp càng tốt. Ông nhấn mạnh lãi suất quá thấp có thể gây ra các vấn đề trong dòng vốn.

Trong khi ngân hàng trung ương nhiều nước lớn khác đã hạ lãi suất xuống gần như bằng 0%, PBoC lại tỏ ra khá dè dặt. Ông Larry Hu, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc của Macquarie, cho biết vào đầu tháng Bảy, sự chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ kỳ hạn 10 năm và lợi suất trái phiếu cùng loại của Trung Quốc đã lên mức cao nhất kể từ năm 2012.

Trước cơ hội thu được lợi nhuận cao hơn như vậy, nhiều nguồn vốn nước ngoài đã đổ vào các loại tài sản đầu tư ở Trung Quốc.

Ông Wang Xin, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của PBoC, cho rằng cần phải cảnh giác cao độ trong ngắn hạn đối với các dòng vốn quy mô lớn.

Theo ông, ngân hàng trung ương các nước ở châu Âu và Mỹ đã ban hành chính sách tiền tệ mạnh mẽ và điều này có thể gây ra các dòng vốn dịch chuyển trên toàn thế giới ở quy mô lớn trong ngắn hạn.

Ông cho biết nhiều nền kinh tế mới đã bị ảnh hưởng bởi cú sốc từ các dòng vốn ngắn hạn, và tình trạng này thậm chí có thể gây ra nhiều rủi ro tài chính.

PboC tỏ rõ thái độ dè dặt về việc tiếp tục tung ra các biện pháp kích thích cho nền kinh tế Trung Quốc, trong bối cảnh nước này đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào khối nợ đang ở mức cao, đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế.

Ting Lu, Chuyên gia kinh tế trưởng phục trách Trung Quốc của Nomura, dự đoán PBoC sẽ duy trì lập trường nới lỏng chính sách đến hết năm nay, giữa lúc nền kinh tế vẫn chưa phục hồi hoàn toàn và đang phải đối mặt với nhiều bất ổn.

Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định PboC có thể hoãn một số biện pháp nới lỏng tiền tệ đã được lên kế hoạch trước đó, đặc biệt là các biện pháp lớn như hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) và giảm lãi suất của công cụ cho vay trung hạn (MLF), trước sự khởi sắc gần đây của thị trường chứng khoán. Ông tin rằng, khả năng PBoC hạ lãi suất giờ đây là gần như bằng 0./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục