Trung Quốc sẵn sàng đưa ra các biện pháp nhằm ổn định nền kinh tế

22:25' - 04/02/2020
BNEWS Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc sẵn sàng đưa ra các biện pháp nhằm hỗ trợ nền kinh tế trước tác động tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (2019-nCoV).
Một nhà máy ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, ngày 6/7/2019. Ảnh: THX/ TTXVN

Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang sẵn sàng đưa ra các biện pháp nhằm hỗ trợ nền kinh tế trước tác động tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (2019-nCoV), giữa lúc dịch bệnh được dự đoán là sẽ ảnh hưởng xấu đến đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này trong quý I/2020.

Theo các nguồn thạo tin, Chính phủ Trung Quốc đang tranh luận về việc có nên hạ thấp mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6% cho năm 2020 hay không, khi đây là con số mà nhiều nhà kinh tế thuộc khu vực tư nhân cho là ngoài tầm với của Trung Quốc.

Ngoài ra, các nguồn tin cho biết để giảm thiểu thất nghiệp, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có khả năng gia tăng chi tiêu, giảm thuế và tăng trợ cấp cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bên cạnh đó, Bắc Kinh có thể nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa để thúc đẩy các ngân hang cho vay và giảm chi phí vay cho các doanh nghiệp.

Những biện pháp hỗ trợ sẽ tập trung vào các lĩnh vực như bán lẻ, dịch vụ giải trí, logistic, vận tải và du lịch - vốn đều có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh do nCoV và người lao động đặc biệt dễ bị mất việc làm.

Giữa lúc dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV tiếp tục diễn biến phức tạp, với số người nhiễm và số ca tử vong không ngừng gia tăng, đe dọa đà tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, các nguồn tin cho hay Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC - ngân hàng trung ương) có thể hạ lãi suất cho vay cơ bản (LPR) tại cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 20/2. Đồng thời, ngân hàng này có thể cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng (RRR) trong những tuần tới.

Chỉ trong hai ngày qua, PBoC đã “bơm” 1.700 tỷ NDT (242,74 tỷ USD) vào hệ thống tài chính thông qua các hoạt động thị trường mở. Đây được coi là nỗ lực của PBoC trong việc khôi phục niềm tin của nhà đầu tư, giữa lúc thị trường toàn cầu “chao đảo” trước tác động tiềm tàng của dịch bệnh đối với tăng trưởng thế giới.

Theo giới quan sát, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang có một giai đoạn khó khăn hơn so với những gì họ đã trải qua trong đợt bùng phát Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) hồi năm 2002-2003.

Điều này là do kinh tế Trung Quốc đã phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu dùng và dịch vụ, trong khi đà tăng trưởng đang có xu hướng suy giảm.

Ông Wang Jun, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Zhongyuan, nhận định tăng trưởng của Trung Quốc trong quý I/2020 có thể giảm xuống dưới 5% và tác động của dịch bệnh có thể kéo dài sang quý II/2020.

Nhiều nhà kinh tế tư nhân khác cũng đã hạ thấp triển vọng tăng trưởng đối với Trung Quốc. Chuyên gia Louis Kuijs tại công ty tư vấn Oxford Economics đã hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong năm 2020 xuống 5,4%, so với mức 6% đưa ra trước đó.

Ông Tao Wang, nhà kinh tế Trung Quốc tại ngân hàng UBS, cũng dự đoán tăng trưởng quý đầu năm nay của nước này có thể giảm xuống 3,8% và chỉ đạt 5,4% cho cả năm.

Để so sánh, trong đợt dịch SARS, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã chậm lại từ mức tăng 11,1% trong quý I/2003 xuống 9,1% trong quý II/2003, trước khi hồi phục lên 10% vào quý III và kết thúc năm với mức tăng trưởng trung bình là 10%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục