Trung Quốc sẽ tăng cường nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ kinh tế

16:36' - 08/04/2020
BNEWS Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC- ngân hàng trung ương) sẽ tăng cường nới lỏng chính sách để hỗ trợ nền kinh tế đang chịu tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo một số quan chức tham dự các cuộc thảo luận chính sách nội bộ của PboC, ngân hàng này sẽ tăng lượng tín dụng và hạ chi phí cho vay, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ vốn có vai trò lớn trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc làm, cũng như tăng chi tiêu tài khóa.

PboC cuối tuần trước cho biết sẽ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR), lượng tiền mặt dữ trữ bắt buộc của các ngân hàng, lần thứ ba trong năm nay và hạ lãi suất trên lượng dự trữ vượt quy định lần đầu tiên kể từ năm 2008.

PboC sẽ chủ yếu tập trung phối hợp các công cụ chính sách để bơm thanh khoản cho nền kinh tế như RRR và các công cụ cho vay, cùng với những công cụ dựa trên giá cả như lãi suất thị trường và lãi suất cho vay chuẩn (LPR).

Tuy nhiên, một nguồn tin cho rằng PboC sẽ không thể đi theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong việc cắt giảm mạnh lãi suất hay nới lỏng định lượng (QE) mà sẽ có cách tiếp cận từng bước, do những lo ngại về nợ và rủi ro đối với lĩnh vực bất động sản.

Fed đã hạ lãi suất nửa điểm phần trăm vào ngày 3/3 và một điểm phần trăm vào ngày 15/3, đưa lãi suất cho vay qua đêm đối với các ngân hàng xuống gần 0% và nối lại chương trình QE.

Các nguồn tin cho rằng, PboC có thể hạ LPR vào ngày 20/4, sau khi hạ 20 điểm lãi suất đối với hợp đồng mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày vào ngày 30/3, và giảm lãi suất tiền gửi trong những tháng tới, khi lạm phát giá tiêu dùng được cho là sẽ giảm.

PboC đã hạ LPR tổng cộng 26 điểm cơ bản kể từ tháng 8/2019 và lãi suất LPR kỳ hạn một năm hiện ở mức 4,05%.

Trong khi đó, PobC đã duy trì lãi suất tiền gửi ở mức 1,5% kể từ tháng 10/2015. Lạm phát giá tiêu dùng đã ở mức 5,2% vào tháng Hai.

Theo một nguồn tin, PboC cần tiếp tục hạ RRR và lãi suất nhưng lo ngại về những tác động không mong muốn khi nới lỏng chính sách tiền tệ quá mạnh, trong khi đang đánh giá hiệu quả của các biện pháp kích thích trước đó.

Nếu dòng tiền chảy nhiều hơn vào lĩnh vực bất động sản có thể gây hiện tượng đầu cơ, từ đó đưa đến các vấn đề về xã hội.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết ngăn chặn tác động của đại dịch COVID-19, khi nền kinh tế được cho là sẽ giảm lần đầu tiên trong ít nhất 30 năm.

Thừa nhận những hạn chế của chính sách tiền tệ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn thực hiện các biện pháp kích thích để thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng và chi tiêu.

Các nguồn tin cho rằng, việc hạ lãi suất sẽ hỗ trợ các kế hoạch chi tiêu của chính phủ và việc PboC bơm thêm tiền sẽ giúp các ngân hàng và doanh nghiệp mua nợ công./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục