Trung Quốc siết chặt gọng kìm quanh các tập đoàn tư nhân nợ nần

05:30' - 08/03/2018
BNEWS Giới phân tích dự báo Trung Quốc sẽ tăng cường kiểm soát các tập đoàn tư nhân sau khi Bắc Kinh nắm lấy An Bang - tập đoàn bảo hiểm lớn thứ ba nước này để giảm thiếu các rủi ro tài chính.
Đồng tiền giấy mệnh giá 100 NDT tại Bắc Kinh. Ảnh: AFP/TTXVN

Tập đoàn An Bang nổi tiếng với thương vụ mua lại khách sạn sang trọng Waldorf Astoria ở New York năm 2014. Trong những năm gần đây, An Bang liên tục mua lại các công ty nước ngoài, chủ yếu bằng vốn vay.

Việc đặt tập đoàn này dưới quyền kiểm soát của Nhà nước - một biện pháp chưa từng có tại Trung Quốc đối với một công ty tư nhân, là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh không khoan nhượng trước núi nợ khổng lồ của các công ty lớn.

Nhà kinh tế Trung Quốc Hồ Tinh Đẩu ở Bắc Kinh nhấn mạnh: “Nếu An Bang bị mất khả năng thanh toán, sẽ có cả một trận lở đất tín dụng xấu trút xuống hệ thống tài chính”.

An Bang là tập đoàn tư nhân đầu tiên trở thành đối tượng của biện pháp triệt để này từ khi Bắc Kinh tung ra đợt tấn công nhắm vào khu vực tư nhân nhằm làm giảm bớt các món đầu tư ra nước ngoài cũng như nợ nần.

Trong số đó có thể kể đến tập đoàn Hải Hàng (tức HNA, chuyên về hàng không không gian, du lịch, khách sạn); Vạn Đạt (tức Wanda, chuyên về địa ốc, điện ảnh, khu vui chơi); Phục Tinh (tức Fosun, sở hữu công ty du lịch Club Med và tập đoàn hàng hiệu Lanvin ở Pháp).

Được thành lập năm 2004, An Bang lúc đầu chỉ là một công ty bảo hiểm nhỏ, rồi trở nên phát đạt nhờ bán các sản phẩm bảo hiểm với hứa hẹn lãi cao. Kết quả là chỉ trong vài năm, An Bang trở thành một người khổng lồ tài chính.

Ngoài Waldorf Astoria, được mua lại với giá 1,95 tỷ USD, An Bang còn “nuốt gọn” nhiều công ty bảo hiểm ngoại quốc. Tập đoàn này còn dòm ngó cả tập đoàn khách sạn Mỹ Starwood, hồi đầu năm 2016 đã đề nghị mua lại với giá 14 tỷ USD.

Tuy nhiên, chiến dịch của chính quyền Bắc Kinh nhằm ngưng lại các hoạt động tài chính nhiều rủi ro đã chấm dứt việc huy động vốn hàng loạt của An Bang. Christopher Balding - Giáo sư kinh tế ở trường đại học Bắc Kinh nhận định “đây là vấn đề trầm trọng” đối với tập đoàn bảo hiểm vì An Bang phải tiếp tục bảo đảm các cam kết tài chính đối với khách hàng.

Chuyên gia này nhấn mạnh: “Nếu một doanh nghiệp trị giá 315 tỷ USD như An Bang bị buộc phải giảm lượng tài sản dù chỉ 20% thì cũng là rất lớn, kể cả đối với tiêu chuẩn Trung Quốc”.

Sắp tới, An Bang có thể sẽ phải bán đi nhiều tài sản. Các tập đoàn khác cũng lao vào cơn sốt mua các công ty ngoại quốc và gánh nhiều nợ nần. Một số đã bắt đầu chiến lược thu gọn lại quy mô, như Vạn Đạt, đã bán ra hàng tỷ đô la tài sản để duy trì khả năng thanh toán.

Sự kiện nhà nước nắm lấy An Bang đã tạo ra tiền lệ trong việc can thiệp vào khu vực tư nhân. Với sức mạnh tài chính của mình, chính quyền Trung Quốc cần phải chặn đứng các rủi ro. Nhưng theo Christopher Balding, trường đại học Bắc Kinh, Trung Quốc cũng chịu một phần trách nhiệm về cuộc khủng hoảng hiện nay.

Ông Balding nhấn mạnh, lâu nay Bắc Kinh luôn khuyến khích các công ty lớn “xông ra thị trường thế giới”. Và cơ quan quản lý Trung Quốc, vốn có quyền ngăn trở tất cả hoạt động mua bán quan trọng ở nước ngoài, chưa bao giờ hành động.

Ông nói: “Các doanh nghiệp như An Bang, rõ ràng là đã say rượu khi cầm lái. Nhưng chính Bắc Kinh đã cung cấp bia và đưa chìa khoá xe cho họ”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục