Trung Quốc trước nỗi lo tiền không chảy vào các thực thể kinh doanh

06:30' - 23/10/2019
BNEWS Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ các thực thể kinh doanh như cắt giảm thuế phí, cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nhưng doanh nghiệp vẫn rất khó khăn.
Vận chuyển hàng hóa tại cảng ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, dự báo mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2019 có thể thấp nhất trong 29 năm và tiếp tục đi xuống trong năm 2020.

Ngày 14/10 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã triệu tập lãnh đạo chủ chốt các bộ ngành, tỉnh, thành phố tới Tây An để bàn thảo về tình hình kinh tế. Khi đề cập tới môi trường kinh tế của Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường nhấn mạnh hiện nay, áp lực tăng trưởng giảm tốc tiếp tục gia tăng, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang đối mặt với những khó khăn nổi cộm, nhu cầu trong nước đi xuống, giá cả một số mặt hàng thực phẩm leo thang do thay đổi trong quan hệ cung-cầu, một số địa phương thiếu động lực phát triển.

Người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc còn chỉ rõ cần phải quan tâm hơn tới vấn đề ổn định tăng trưởng, bảo đảm kinh tế vận hành trong vùng hợp lý, tăng cường khả năng dẻo dai trong sự phát triển của nền kinh tế, ngăn chặn đà suy giảm tăng trưởng, làm tốt công tác xúc tiến việc làm, ổn định vật giá, bảo đảm dân sinh và hoàn thành các nhiệm vụ mục tiêu chủ yếu trong năm.

Theo tờ Thiểm Tây nhật báo, tại cuộc tọa đàm, cả Bí thư tỉnh ủy và Chủ tịch tỉnh Thiểm Tây đều đăng đàn phát biểu còn các địa phương khác như Giang Tô, Hà Nam, Hồ Bắc và Quảng Đông, người phát biểu là Chủ tịch tỉnh.

Trong khi đó, ở cấp chính phủ, một loạt quan chức đầu ngành đã tham dự tọa đàm, gồm: Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và công nghệ thông tin, Bộ trưởng Tài nguyên nhân lực và bảo đảm xã hội, Bộ trưởng Nhà ở và phát triển thành thị, nông thôn, Bộ trưởng Giao thông vận tải, Bộ trưởng Thương mại, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và nông thôn, Tổng cục trưởng Tổng cục Giám sát quản lý thị trường quốc gia, Cục trưởng Cục Thống kê quốc gia, Chủ tịch Ủy ban Giám sát bảo hiểm ngân hàng. Điều này cho thấy rõ tầm quan trọng của cuộc tọa đàm cũng như tính chất nghiêm trọng của tình hình kinh tế Trung Quốc hiện nay.

Quả thực, hàng loạt số liệu công bố mới đây đều cho thấy trong bối cảnh chịu sự tác động lớn từ cuộc chiến thương mại với Mỹ, tình hình kinh tế Trung Quốc tiếp tục xấu đi. Theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc ngày 15/10, Chỉ số Giá sản xuất (PPI) tháng 9/2019 giảm 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái. So với tháng 8/2019, mức độ suy giảm đã gia tăng. Đây là tháng thứ ba liên tiếp, PPI của Trung Quốc tăng trưởng âm và cũng là mức thấp nhất trong 3 năm qua.

PPI đo lường sự thay đổi trong giá hàng hóa được bán bởi các nhà sản xuất và là chỉ báo hàng đầu về lạm phát giá tiêu dùng, chiếm phần lớn trong lạm phát tổng thể. Chính vì vậy, PPI giảm gây áp lực đối với lợi nhuận của doanh nghiệp.

Cục Thống kê tỉnh Chiết Giang mới đây cho biết trong 8 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp ở tỉnh này đạt 2,8%, cao hơn 4,5% so với mức bình quân của cả nước (-1,7%).

Theo Cục Thống kê tỉnh Chiết Giang, trong số 10 tỉnh, thành ở khu vực Đông Bắc Trung Quốc, chỉ có Hải Nam và Phúc Kiến là tình hình tốt hơn Chiết Giang còn các tỉnh, thành lớn về kinh tế như Quảng Đông đều tăng trưởng âm. Thậm chí, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp ở Thượng Hải lên tới -19,6%, Bắc Kinh là -14,4%.

Những con số nêu trên phản ánh rõ mức độ khó khăn của kinh tế Trung Quốc hiện nay. Các tổ chức tài chính quốc tế cũng nhận thấy điều đó. Ngày 15/10, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 và 2020 của Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong 29 năm.

Cụ thể, IMF hạ dự báo tăng trưởng năm 2019 của Trung Quốc từ mức 6,2% xuống 6,1% và năm 2020 là từ mức 6% xuống 5,9%. Nguyên nhân là do hàng rào thương mại gia tăng, căng thẳng địa chính trị leo thang đã tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế.

Đối với quý III/2019, hãng tin Reuters đăng dự báo của 60 cơ quan và tổ chức nhận định tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chỉ đạt 6,1% so với mức 6,4% của quý I và 6,2% trong quý II/2019. Theo Reuters, do tiêu dùng và công nghiệp hai tháng Bảy và Tám đều giảm mạnh hơn dự đoán, cho nên, dù tình hình có được cải thiện trong tháng Chín cũng không đủ để xoay chuyển xu thế đi xuống của nền kinh tế.

Thực tế này quả là đáng lo ngại bởi nhằm hỗ trợ kinh tế, Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt biện pháp kích thích, bao gồm cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,5 điểm phần trăm đối với tất cả các ngân hàng. Riêng với các ngân hàng thương mại đô thị đáp ứng các quy định đề ra sẽ được cắt giảm 100 điểm cơ bản. Tổng cộng, khoảng 900 tỷ Nhân dân tệ được bơm vào thị trường. Vấn đề là số tiền đó có chảy vào các thực thể kinh doanh hay không?

Tờ Economic Journal mới đây dẫn lời một chuyên gia ngân hàng cho biết đại bộ phận tiền vẫn chảy vào kênh bất động sản và kênh chính phủ, mà không đến được với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, ngay cả khi doanh nghiệp vừa và nhỏ nhận có thể nhận được vốn từ ngân hàng, thì do nhu cầu trong nước èo uột và tình trạng dư thừa sản phẩm công nghiệp nghiêm trọng, họ cũng không muốn tăng đầu tư. Rốt cuộc, số tiền đó rất có thể lại được sử dụng để đầu cơ bất động sản.

Cho nên, dù Trung Quốc có tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ thì vẫn thiếu kênh dẫn dòng tiền chảy vào kinh tế thực thể và dòng tiền cơ bản vẫn tuần hoàn trong hệ thống tài chính, bao gồm thị trường bất động sản. Đây chính là vấn đề nghiêm trọng mà kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt, khiến lãnh đạo nước này phải đau đầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục