Trung Quốc và Ai Cập tăng cường hợp tác viễn thông và công nghệ thông tin

09:02' - 07/09/2024
BNEWS Các công ty Trung Quốc dự kiến thành lập 3 nhà máy sản xuất cáp quang và thiết bị truyền thông cũng như 3 trung tâm xuất khẩu dịch vụ gia công phần mềm tại Ai Cập.

Ngày 6/9, bên lề Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC) diễn ra tại Bắc Kinh, các đối tác Ai Cập và Trung Quốc đã ký kết 5 biên bản ghi nhớ (MoU) nhằm tăng cường hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin.

 
Theo các MoU nói trên, các công ty Trung Quốc dự kiến thành lập 3 nhà máy sản xuất cáp quang và thiết bị truyền thông cũng như 3 trung tâm xuất khẩu dịch vụ gia công phần mềm tại Ai Cập, tạo ra 800 cơ hội việc làm. Các lĩnh vực hợp tác thuộc khuôn khổ các MoU bao gồm thiết kế mạch điện tử, phát triển phần mềm, cũng như nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực mạng quang, công nghệ chuyển đổi xanh và chất bán dẫn. Các MoU cũng bao gồm việc thành lập một quỹ đầu tư công nghệ trị giá 300 triệu USD, 1 trung tâm dữ liệu, 4 trung tâm đào tạo và phòng thí nghiệm, bên cạnh việc nâng cao năng lực cho hơn 3.250 chuyên gia.

MoU đầu tiên được ký kết giữa Cơ quan Phát triển Công nghệ Thông tin (ITIDA) của Ai Cập và công ty Wuhan FiberHome International Technologies, nhà cung cấp hàng đầu về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông cũng như các dịch vụ tích hợp của Trung Quốc. Theo đó, Wuhan FiberHome có kế hoạch thành lập một nhà máy tại Ai Cập để sản xuất một triệu km lõi sợi quang mỗi năm. Wuhan FiberHome sẽ lắp ráp 500.000 đơn vị thiết bị đầu cuối truyền thông và 3.000 đơn vị ăng-ten trạm gốc mỗi năm để phục vụ thị trường Ai Cập và xuất khẩu sang các thị trường Trung Đông và Bắc Phi.

MoU thứ hai được ký kết giữa ITIDA, tập đoàn công nghệ bán dẫn Tsinghua Unigroup hàng đầu của Trung Quốc, công ty viễn thông Telecom Egypt và Trung tâm Đổi mới Ứng dụng của Ai Cập để thành lập một trung tâm dữ liệu và vận hành dịch vụ đám mây tại Ai Cập. MoU cũng bao gồm việc thành lập một quỹ đầu tư công nghệ ban đầu trị giá 300 triệu USD và hướng tới việc việc nghiên cứu thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Ai Cập chuyên về thiết kế chip và hệ thống điện tử, cũng như hợp tác trong lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) bằng tiếng Arab.

MoU thứ ba là thỏa thuận hợp tác giữa ITIDA và công ty Huawei Egypt, theo đó Huawei Egypt sẽ mở rộng hoạt động tại Ai Cập và ra mắt trung tâm phát triển của Huawei Egypt trong năm nay. MoU thứ tư được ký giữa ITIDA, Viện Viễn thông Quốc gia (NTI) của Ai Cập và nhà cung cấp giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông tích hợp ZTE hàng đầu toàn cầu của Trung Quốc, với mục tiêu thiết lập một cơ sở của ZTE tại Ai Cập để sản xuất các trạm mạng cố định cũng như thiết bị mạng cáp quang. MoU thứ năm là văn kiện hợp tác giữa ITIDA, Telecom Egypt, NTI và công ty Hengtong Group của Trung Quốc nhằm thành lập một công ty mới và khánh thành nhà máy thứ hai của Hengtong Group tại Ai Cập với vốn đầu tư 15 triệu USD. Công ty mới sẽ sản xuất cáp quang, phụ kiện mạng cáp quang FTTX, cũng như vận hành và bảo trì cáp quang ngầm. Trong khi đó, nhà máy mới sẽ sản xuất tới 3 triệu km cáp quang mỗi năm, trong đó 40% được xuất khẩu sang châu Âu, Trung Đông và châu Phi.

Trong một diễn biến khác cùng ngày, Cơ quan Quản lý Khu Kinh tế Kênh đào Suez của Ai Cập (SCZones) và Tập đoàn Hóa chất Shandong Tianyi của Trung Quốc đã ký một thỏa thuận đầu tư trị giá 110 triệu USD, theo đó Shandong Tianyi sẽ thành lập một khu phức hợp công nghiệp chuyên chiết xuất nguyên tố Brom từ quá trình khử muối tại SCZONE. Thỏa thuận được ký kết bên lề Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC) tại Bắc Kinh trước sự chứng kiến của Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục