Trung Quốc yêu cầu các “ông lớn” công nghệ Internet bỏ chặn liên kết của nhau

09:35' - 14/09/2021
BNEWS Trung Quốc đã ban hành một quy định mới yêu cầu các công ty công nghệ lớn của nước này ngừng việc chặn các liên kết của nhau trên các trang của mình, một hành vi vẫn được áp dụng lâu nay.

Các “ông lớn” công nghệ chiếm lĩnh mạng Internet của Trung Quốc lâu nay vẫn thường chặn các liên kết và dịch vụ của đối thủ trên các nền tảng của mình.

Người phát ngôn của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) Zhao Zhiguo cho biết việc hạn chế quyền truy cập bình thường vào các liên kết Internet mà không có lý do chính đáng "đang gây ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng, vi phạm các quyền lợi của người dùng và làm gián đoạt trật tự của thị trường".

Quan chức này cũng cho biết MIIT đã nhận được nhiều báo cáo và phàn nàn từ người dùng kể từ khi Bộ này tiến hành đánh giá các hành vi trong lĩnh vực công nghệ vào tháng Bảy.

Hành vi nói trên rất phổ biến tại Trung Quốc. Tencent đang hạn chế người dùng chia sẻ các nội dung từ ứng dụng video ngắn Douyin thuộc sở hữu của ByteDance trên ứng dụng nhắn tin WeChat và QQ của mình. Hồi tháng Hai, Douyin đã nộp đơn khiếu nại lên một tòa án ở Bắc Kinh, cho rằng hành động này cấu thành hành vi độc quyền. Đáp lại, Tencent cho biết những cáo buộc đó là không có cơ sở.

Bên cạnh đó, các nền tảng thương mại điện tử Taobao và Tmall của Alibaba cũng không cho phép dịch vụ thanh toán WeChat Pay của Tencent được sử dụng như một phương thức thanh toán.

Ông Zhao Zhiguo cho biết MIIT đang yêu cầu các công ty có liên quan tự kiểm điểm và sửa lỗi, trong đó các nền tảng nhắn tin tức thời là một trong những lĩnh vực đầu tiên mà bộ này nhắm đến. Tuy nhiên, ông không cho biết hình phạt đối với các công ty không tuân thủ quy định mới này.

MIIT không nêu cụ thể tên công ty nào trong thông báo của mình, như tờ 21st Century Business Herald mới đây đưa tin các “ông lớn” Alibaba Group Holding Ltd và Tencent Holdings Ltd là hai trong số những doanh nghiệp trong tuần trước đã bị yêu cầu chấm dứt hành vi nói trên.

Động thái trên của MIIT là biện pháp mới nhất được đưa ra trong làn sóng thắt chặt quản lý của Trung Quốc đối với một loạt các lĩnh vực, từ giáo dục đến công nghệ và bất động sản, vốn đã "thổi bay" hàng tỷ USD giá trị thị trường của nhiều công ty lớn nhất nước này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục