Trước thềm Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: Bài 3: Tiếng nói từ doanh nghiệp

17:26' - 08/05/2020
BNEWS Theo kết quả khảo sát do Tổng cục Thống kê thực hiện cuối tháng 4, khoảng 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19.

Doanh thu quý I/2020 của các doanh nghiệp giảm mạnh, còn 74,1% so với cùng kỳ năm trước và dự kiến tiếp tục lao dốc.

Cùng những giải pháp hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, các doanh nghiệp đã và đang phát huy tinh thần vượt khó, tự lực tự cường, tự giải cứu, đoàn kết, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ và cùng nhau vượt qua thách thức. 

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp được các doanh nghiệp đón nhận với mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành hoàn thiện, xây dựng cơ chế chính sách mới, tạo sự đồng hành hơn nữa với cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn tới. Đó chính là "điểm tựa" để tiếp thêm niềm tin và sức mạnh cho doanh nghiệp vượt khó.

* "Chống đỡ” bằng tiềm lực của chính mình chưa đủ

Ông Đặng Anh Tuấn - Trưởng ban Truyền thông Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines cho biết, Vietnam Airlines kinh doanh trên cả mạng đường bay nội địa và quốc tế. Khi COVID-19 trở thành đại dịch, Vietnam Airlines bị ảnh hưởng rất nặng nề, phải dừng hết tất cả đường bay quốc tế.

Vietnam Airlines đã xây dựng kịch bản xấu nhất sẽ bị giảm doanh thu khoảng 50.000 tỷ đồng, mức lỗ có thể lên tới gần 20.000 tỷ đồng, dòng tiền bị thâm hụt từ 15.000-17.000 tỷ đồng. Bản thân doanh nghiệp không thể nào chống đỡ được với tiềm lực của chính mình.

Trước khi đề xuất với Chính phủ và đề nghị các đối tác bạn hàng hỗ trợ tiến độ thanh toán, trong nội bộ Vietnam Airlines đã thực hiện các giải pháp cắt giảm chi phí; trong đó, cắt giảm tối đa các chi phí nội tại, đặc biệt là chi phí cố định.

Cùng đó, Vietnam Airlines đã tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại lực lượng lao động, giảm tiền lương. Toàn bộ người lao động đều hưởng ứng và chia sẻ trong bối cảnh suy giảm hoạt động kinh doanh. Người lao động sẵn sàng tạm ngừng việc hoặc đi làm việc mà không hưởng lương.

Đây là giải pháp đặc biệt lớn, liên quan trực tiếp đến người lao động. Vietnam Airlines kết hợp vừa làm công tác tư tưởng, vừa giải quyết những yêu cầu cụ thể để đảm bảo lực lượng lao động phù hợp với diễn biến dịch bệnh, nhưng cũng đảm bảo cắt giảm tối đa chi phí.

Ngoài ra, để bù đắp một phần doanh thu bị mất, Vietnam Airlines đã đẩy mạnh mảng vận chuyển hàng hóa. Giải pháp này có ý nghĩa góp phần đảm bảo thông thương; duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế…

Bên cạnh các giải pháp này, Vietnam Airlines kêu gọi sự hỗ trợ từ bạn hàng, đối tác lớn để giảm giá, giãn tiến độ thanh toán, duy trì dòng tiền cho doanh nghiệp. Rất nhiều bạn hàng lớn đã chung tay cùng Vietnam Airlines giảm giá và giãn tiến độ thanh toán trong giai đoạn hiện nay.

Theo ông Đặng Anh Tuấn, Vietnam Airlines rất cần sự hỗ trợ từ phía Chính phủ. Những giải pháp của bản thân doanh nghiệp và hỗ trợ của đối tác, bạn hàng trước tình trạng ảnh hưởng nặng nề như hiện nay là chưa đủ. Hiện nay Chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang thực hiện những biện pháp "giải cứu" đối với các hãng hàng không.

Với tình trạng khủng hoảng lớn như vậy, các quốc gia đã thực hiện rất đa dạng giải pháp "giải cứu" đối với ngành hàng không, bao gồm cả trực tiếp hỗ trợ bằng tiền. Cùng đó, các Chính phủ cũng thực hiện nhiều chính sách miễn giảm thuế, phí, giá hỗ trợ doanh nghiệp…

* Sớm mở cửa du lịch quốc tế một cách an toàn

Đây là đề xuất của ông Nguyễn Hồng Đài - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại đầu tư du lịch quốc tế APT (APT Travel). Theo đó, để doanh nghiệp du lịch, lữ hành cũng như nền kinh tế sớm phục hồi trở lại, bên cạnh việc truyền thông cho du khách trong và ngoài nước thấy được những điểm đến tại Việt Nam đã an toàn thì việc sớm "mở cửa bầu trời" với các tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch cũng là điều cần cân nhắc.

Theo ông Nguyễn Hồng Đài, doanh nghiệp sẵn sàng chia sẻ chi phí cùng Chính phủ và địa phương để đưa nguồn khách quốc tế của doanh nghiệp vào Việt Nam. Cụ thể như các chi phí về vật tư y tế phun khử trùng, chăm sóc y tế với các đoàn khách cách ly tập trung tại địa phương...

Dịch COVID-19 xuất hiện đã gây ảnh hưởng lớn đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong 3, 4 tháng qua, doanh thu của các doanh nghiệp du lịch; trong đó có cả APT Travel gần như về 0. Cắt giảm nhân lực, chi phí, luân chuyển cán bộ, tìm phương thức kinh doanh mới là điều hầu hết doanh nghiệp phải thực hiện để duy trì hoạt động.

Không chỉ tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, APT Travel còn triển khai giải pháp bán hàng mới thích ứng với điều kiện dịch bệnh. Nếu như trước kia gặp mặt đối tác trao đổi thì giờ mọi trao đổi đều thực hiện online. Các sản phẩm du lịch dài ngày dành cho khách đoàn giờ chuyển sang sản phẩm ngắn ngày.

Đặc biệt, để kích cầu du lịch, APT Travel còn đưa ra gói sản phẩm Free & Easy bao gồm vé máy bay và phòng nghỉ với giá rẻ hoặc kết hợp đối tác đưa ra các voucher dịch vụ thời hạn sử dụng dài để hấp dẫn du khách – ông Đài chia sẻ.

Hiện du lịch đã dần phục hồi khoảng 20-30%, chủ yếu đến từ nguồn khách nội địa, khách nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Đài, dịch bệnh có thể sớm chấm dứt nhưng ảnh hưởng đối với kinh tế toàn cầu vẫn tiếp diễn, nhất là niềm tin mua sắm tiêu dùng của khách hàng có thể còn chịu ảnh hưởng tới 2-3 năm.

Do đó, APT Travel đã định hướng tình hình hiện tại, tương lai, trao đổi cùng cán bộ nhân viên thay đổi tư duy để mọi thành viên của công ty đều là một chiến sĩ chống dịch; đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn chứ không chỉ đơn thuần là một người lao động đi làm công.

* Vẫn cần có một cái nhìn lạc quan

Dù đánh giá khó khăn phía trước còn rất nhiều, đặc biệt với doanh nghiệp xây dựng, nhưng ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho rằng, vẫn cần có một cái nhìn lạc quan. Mặc dù dịch vẫn còn nhưng các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng cần phải vận hành trở lại cùng sự kiểm soát phòng dịch tốt nhất. Bởi vậy, nếu không vận hành thì tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng cao, khó khăn chồng chất khó khăn. 

Từ đầu năm đến nay, việc bán hàng của các chủ đầu tư cũng bị chậm lại cùng với việc tạm ngưng thi công theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh. Do đó, nguồn việc và sản lượng của Hòa Bình bị giảm sút từ 30 – 40%, trong khi nhiều khoản chi phí để vận hành doanh nghiệp không thể cắt giảm được.

Ông Lê Viết Hải cho biết, Hòa Bình đang áp dụng một loạt giải pháp để duy trì bộ máy quản lý hoạt động kinh doanh, bảo đảm công ăn việc làm cho nguồn nhân lực rất lớn, đồng thời, giúp Tập đoàn nhanh chóng khôi phục sau cuộc khủng hoảng. Cụ thể là tái cấu trúc hệ thống quản lý, nhân lực và tài chính.

Đáng chú ý là giải pháp xây dựng một chuỗi cung ứng nhân sự có chất lượng cao, hình thành "Hệ Sinh thái Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình". Theo đó, nguồn nhân lực nội bộ sau khi được đào tạo sẽ được lựa chọn để làm việc bán thời gian hoặc toàn thời gian cho các công ty thành viên, công ty mua bán sáp nhập, đối tác chiến lược trong chuỗi cung ứng của Tập đoàn. Cùng đó, Tập đoàn đặt mục tiêu sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đảm bảo khả năng thanh toán, duy trì hoạt động kinh doanh ổn định.

Do các dự án xây dựng trên toàn thị trường bị giảm sút nên giá của nhiều mặt hàng sẽ giảm theo. Vì vậy, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị mua hàng, bán thanh lý vật tư phế liệu phải khai thác hệ thống mua sắm điện tử của Công ty và vận dụng tối đa cơ chế "đấu giá" để đảm bảo tính cạnh tranh và minh bạch.

Đồng thời, cập nhật thường xuyên giá mua hàng qua đấu giá điện tử cũng như căn cứ mức giảm các chi phí khác từ thành quả của việc tái cấu trúc để nâng cao tính cạnh tranh của giá dự thầu.

Bên cạnh việc phát huy nội lực để vượt khó, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình kiến nghị, trước mắt, Chính phủ cần giãn tiến độ đóng thuế, miễn giảm một số loại thuế cho doanh nghiệp nhằm hỗ trợ khó khăn; đồng thời, miễn giảm tạm thời đóng bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp.

Ngay sau khi dịch bệnh được khống chế, Chính phủ cần triển khai nhanh các dự án đầu tư công, tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý cho dự án bất động sản nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành bất động sản và giảm bớt lượng lao động thất nghiệp.

* Hỗ trợ nhà thầu trong nước tham gia các dự án

Là một trong những doanh nghiệp của ngành dầu khí chịu ảnh hưởng tiêu cực kép của đại dịch COVID-19 và giá dầu thế giới sụt giảm mạnh, Công ty Dịch vụ Cơ khí hàng hải (PTSC M&C) đã triển khai từ sớm các giải pháp để đảm bảo duy trì sản xuất và an toàn sức khỏe cho người lao động.

Giám đốc PTSC M&C Đồng Xuân Thắng cho biết, do hoạt động của đơn vị liên quan nhiều đến các chuyên gia nước ngoài và hoạt động dầu khí tại nước ngoài nên ngay từ sau tết Nguyên đán, công ty đã thành lập Ban phòng chống COVID-19 để triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Cụ thể, công ty không tổ chức bếp ăn tập thể mà tạo điều kiện cho cán bộ công nhân viên có thêm 1 tiếng về nhà ăn trưa. Với các vị trí công việc không nhất thiết phải có mặt tại công ty, PTSC M&C cho phép cán bộ được làm việc từ xa, nhất là với các chuyên gia nước ngoài. Công ty cũng chia thành các ca làm việc khác nhau để đảm bảo giãn cách tốt nhất.

Mặc dù việc thực hiện các giải pháp giãn cách này ảnh hưởng ít nhiều đến năng suất lao động nhưng với nỗ lực của toàn bộ người lao động, tiến độ triển khai các dự án lớn của PTSC M&C vẫn bám sát mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất với công ty hiện nay chính là giá dầu sụt giảm mạnh và dịch COVID-19 tác động khiến nhiều hoạt động dầu khí tại Việt Nam cũng như trong khu vực bị dừng, hoãn, giãn kéo dài. Những yếu tố này đã khiến thị trường cung cấp dịch vụ dầu khí; trong đó có cơ khí hàng hải vốn đã cạnh tranh rất cao thì nay thực sự khốc liệt.

Với tình hình này, chỉ đến tháng 8 tới đây công ty có thể hết việc làm và đây sẽ là thách thức cực lớn trong việc đảm bảo đời sống cho hơn 3.700 người lao động của PTSC M&C - ông Thắng chia sẻ.

Vì vậy, bên cạnh nỗ lực cao độ của mỗi doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường mới, việc tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà thầu trong nước tham gia tối đa vào những dự án sắp triển khai tại Việt Nam chính là giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam; trong đó có doanh nghiệp cơ khí hàng hải như PTSC M&C có được việc làm cho người lao động và đảm bảo giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao.

Về lâu dài, đây cũng chính là giải pháp quan trọng tạo động lực cho ngành cơ khí hàng hải có thể phát triển tốt ngay chính trên "sân nhà" thay vì phần lớn phải làm thầu phụ giá rẻ cho nhà thầu nước ngoài như hiện nay, ông Thắng đề xuất./.

>>> Bài 1: https://bnews.vn/truoc-them-hoi-nghi-thu-tuong-voi-doanh-nghiep-bai-1-bien-thach-thuc-thanh-co-hoi/156248.html

>>> Bài 2: https://bnews.vn/truoc-them-hoi-nghi-thu-tuong-voi-doanh-nghiep-bai-2-kho-tiep-can-cac-go-i-ho-tro/156250.html

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục