Truy tìm nguyên nhân gây “bão” lạm phát tại Canada

11:52' - 20/07/2022
BNEWS Nhiều chuyên gia cho rằng lãi suất quá thấp trong một thời gian quá dài, cùng với giá hàng hóa tăng vọt là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm phát leo thang ở Canada.

Nhưng một nghiên cứu mới đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phanh phui một "thủ phạm" khác, đó là nước Mỹ, đồng minh thân cận và cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Canada.

Ba nhà nghiên cứu của Fed trong một báo cáo mới công bố đã mổ xẻ vai trò của kích thích tài khóa trong cú sốc lạm phát ngày nay, nhấn mạnh rằng phản ứng "hào phóng" đối với đại dịch COVID-19, đặc biệt là từ Chính phủ Mỹ, đã dẫn đến sự gia tăng nhu cầu đối với hàng hóa không tương xứng với nguồn cung,  và cuối cùng tràn sang các quốc gia khác.

Đối với Canada, một quốc gia có mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Mỹ, thì tác động trực tiếp là khá lớn và mạnh hơn nhiều so với những nơi khác. Xu hướng bùng nổ của giá tiêu dùng ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Tỷ lệ lạm phát của Canada đã vọt lên 7,7% vào tháng 5/2022, mức cao nhất trong gần 40 năm. Trong khi đó, lạm phát của Mỹ đạt 9,1% trong tháng 6/2022.

Các ngân hàng trung ương hiện đang cố gắng kiềm chế lạm phát với tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh nhất trong nhiều thập niên, thông qua một loạt đợt tăng lãi suất.

Ngân hàng trung ương Canada (BoC) đã tăng lãi suất chủ chốt từ mức 0,25% lên 2,5% trong vòng chưa đầy 5 tháng, đồng thời đánh tiếng về các đợt tăng lãi suất sắp tới. Royce Mendes, người đứng đầu bộ phận chiến lược vĩ mô tại Desjardins Securities, nhận định rõ ràng một phần lớn cấu thành lạm phát của Canada đang được thúc đẩy bởi bản chất quá nóng của nền kinh tế Mỹ.

Giống như các quốc gia khác, Mỹ đã nhanh chóng khởi động các chương trình hỗ trợ trong đại dịch và giảm thiểu tác động tài chính đối với các hộ gia đình. Phản ứng của Mỹ đặc biệt lớn, khi chi hơn 5.000 tỷ USD, tương đương 25% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nhiều hơn so với hầu hết các quốc gia khác. Các khoản hỗ trợ của Mỹ thường được trả trực tiếp cho các hộ gia đình. Một cá nhân có thu nhập hàng năm dưới 75.000 USD có thể nhận được 3.200 USD.

Rủng rỉnh tiền mặt, người Mỹ bắt đầu mua sắm hàng hóa, một phần vì họ có ít lựa chọn hơn để chi số tiền đó cho các dịch vụ. Một cơn sốt đầu cơ tràn qua nhiều loại tài sản khác nhau. Trong khi đó, các doanh nghiệp không thể theo kịp nhu cầu, khi các nhà máy và cảng bị đóng cửa bởi các biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng, dẫn đến các vấn đề trong chuỗi cung ứng, đẩy giá cả tăng cao.

BoC luôn đánh giá thấp mối đe dọa lạm phát và cho biết một phần lỗi dự báo của ngân hàng có liên quan đến áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm mức độ mua hàng hóa của người dân. Thay vì suy yếu như trong các đợt suy thoái trước đây, nhu cầu  hàng hóa của người tiêu dùng Mỹ bất ngờ tăng vượt mức trước đại dịch.

Các nhà nghiên cứu của Fed đã chỉ ra ba cách mà kích thích tài khóa ảnh hưởng đến giá cả. Người Canada đang trả nhiều tiền hơn cho hàng hóa của Mỹ khi các công ty Mỹ phải vật lộn để theo kịp với nhu cầu cao. Tương tự như vậy, người Canada đang trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm từ các quốc gia (ngoài Mỹ) đã chứng kiến sự gia tăng nhu cầu của người Mỹ. Và cuối cùng, người Mỹ đang đặt hàng Canada nhiều hàng hóa hơn bình thường, góp phần vào sự mất cân bằng cung - cầu ở Canada.

Tất nhiên, còn nhiều lời giải thích cho sự gia tăng lạm phát. Lãi suất thế chấp chạm đáy đã thúc đẩy sự bùng nổ trên thị trường bất động sản của Canada. Giá cả hàng hóa cũng tăng mạnh, đặc biệt là sau khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bùng phát. Và các vấn đề về nguồn cung có mối liên hệ chặt chẽ với các biện pháp y tế công cộng ở các quốc gia khác, chẳng hạn như việc các thành phố lớn ở Trung Quốc đóng cửa gần đây để kiểm soát dịch COVID-19.

Các nhà nghiên cứu của Fed cho biết các biện pháp kích thích tại Canada trong đại dịch cũng là một yếu tố "tiếp lửa" cho lạm phát, khi có giá trị lên tới khoảng 20% GDP, theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Hỗ trợ của Chính phủ Canada dành cho các hộ gia đình tăng đột biến vào năm 2020, đã thúc đẩy thu nhập khả dụng và tiêu dùng.

Theo ông Mendes, BoC sẽ phải ứng phó với nhiều nhân tố nằm ngoài tầm kiểm soát của mình để đưa lạm phát trở lại mục tiêu mà không gây ra suy thoái kinh tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục