Truy xuất nguồn gốc, xu thế tất yếu để phát triển chuỗi giá trị bền vững

13:01' - 07/06/2019
BNEWS Việc truy xuất nguồn gốc nông sản được xem là xu thế tất yếu để phát triển chuỗi giá trị bền vững.
Quanh cảnh hội thảo. Ảnh Công Trí -TTXVN
Chiều 6/6, trong khuôn khổ Hội chợ Nông nghiệp và sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Bến Tre, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre với tổ chức hội thảo “Nâng cao chất lượng tiêu chuẩn và truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP và kết nối cung cầu hàng hóa giữa Bến Tre và các tỉnh, thành phố năm 2019”.

Theo ông Ngô Tất Thắng, Phó Chánh văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, hội thảo nhằm mục đích nâng cao nhận thức của các tổ chức kinh tế doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP về tiêu chuẩn hóa sản phẩm, về truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm OCOP.  Đồng thời, thực hiện kết nối cung cầu giữa các nhà sản xuất OCOP với các nhà cung ứng chuỗi hỗ trợ sản xuất, các nhà tiêu thụ theo chuỗi và tiêu thụ qua thương mại điện tử, dần từng bước hình thành sàn thương mại điện tử OCOP quốc gia.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho rằng, việc biết rõ nguồn gốc và xuất xứ của sản phẩm là điều mà bất kỳ người tiêu dùng nào cũng mong muốn. Điều này sẽ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, cho phép người tiêu dùng có đầy đủ thông tin ngược dòng, từ sản phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối; tăng hiệu quả truyền thông và bán hàng; giúp kiểm soát chất lượng sản phẩm; đồng thời giúp xử lý khi có vấn đề phát sinh.

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh Công Trí -TTXVN
Ngoài ra, việc truy xuất nguồn gốc nông sản được xem là xu thế tất yếu để phát triển chuỗi giá trị bền vững. Đây là giải pháp giúp nông sản Việt khẳng định được tên tuổi, chất lượng sản phẩm trước sức ép hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay và ngày càng vươn xa ra thị trường quốc tế.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Tiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghệ và Truyền thông Smart Life chia sẻ, thông qua Chương trình OCOP, đơn vị có cơ hội được tiếp cận với các nhà sản xuất, nắm bắt được nhu cầu và hạn chế của họ khi tiếp cận với các công nghệ mới ứng dụng cho nông nghiệp.

Do vậy, đến nay, công ty đã nghiên cứu và phát triển thành công giải pháp “Ứng dụng nhật ký điện tử thông minh quản lý chuỗi cung cứng- số hóa cơ sở sản xuất, chế biến, phân phối, truy xuất nguồn gốc và thương mại điện tử”. Ứng dụng này có thể hỗ trợ đắc lực cho các nhà sản xuất để quản lý sản xuất, quảng bá thương hiệu, bảo hộ sản phẩm.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho hay, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung tuyên truyền, vận động thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, tạo điều kiện liên kết nông dân với doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, tỉnh có 840 tổ hợp tác và 95 hợp tác xã theo Nghị định 151/2007/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác; chuỗi giá trị sản phẩm dừa, bưởi da xanh, nhãn được hình thành và có chiều hướng phát triển tốt.

 Doanh nghiệp tham gia thảo luận. Ảnh Công Trí -TTXVN
Tại Bến Tre, đã có những doanh nghiệp chuỗi giá trị dừa bước đầu xây dựng cho mình bộ truy xuất hàng hóa, đặc biệt là các hàng hóa nông sản theo một số các tiêu chuẩn GlobalGAP, hữu cơ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Điển hình như Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới; Công ty cổ phần chế biến dừa Á Châu; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre; Công ty Xuất nhập khẩu Toàn cầu trái cây tươi; Công ty TNHH Nga Phú Thịnh và công ty TNHH Hào Quang. Riêng đối với cây ăn trái có Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu...

Các doanh nghiệp này hướng đến không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, mà còn nỗ lực để có thể chinh phục thị trường quốc tế vốn có đòi hỏi cao và nghiêm ngặt về các chuẩn mực chất lượng. Thêm vào đó, Tập đoàn Bưu chính viễn thông VNPT Bến Tre triển khai thực hiện đề tài “Xây dựng và ứng dụng các giải pháp quản lý truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh Bến Tre” như bưởi da xanh, dừa xiêm xanh, chôm chôm, nhãn và hoa kiểng.

Theo ông Nguyễn Hữu Lập, Bến Tre là 1 trong 12 tỉnh được Trung ương thí điểm Chương trình OCOP. Đến nay, tỉnh đã xây dựng và ban hành đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030 để tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thế mạnh của tỉnh đến thị trường tiềm năng.

Theo ông Ngô Tất Thắng, Phó Chánh văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, tính đến hết tháng 5/2019, cả nước đã có 46 tỉnh phê duyệt đề án/ kế hoạch chương trình OCOP. Đến nay, đã có 5 tỉnh đánh giá sản phẩm OCOP, tiêu biểu như: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Quảng Nam, Lào Cai và Bến Tre, với trên 400 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục