Từ 19/7, những dịch vụ kinh doanh nào được hoạt động ở Hà Nội?

11:15' - 19/07/2021
BNEWS Kể từ 0 giờ ngày 19/7/2021, thành phố Hà Nội yêu cầu dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu.

Kể từ 0 giờ ngày 19/7/2021, thành phố Hà Nội áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn địa bàn theo Công điện số 15/CĐ-UBND của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh.

Theo đó, thành phố yêu cầu dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu. Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ được hoạt động bao gồm:

- Nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình giao thông, xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như lương thực, thực phẩm, dược phẩm, điện, nước, nhiên liệu, xăng, dầu...)

- Các cửa hàng dịch vụ ăn uống chỉ bán hàng mang về

- Cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...),

- Chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển

- Xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ...

Các cơ sở này yêu cầu bắt buộc khai báo y tế bằng mã QRCode.

UBND thành phố cũng giao nhiệm vụ cho Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố; trong đó, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức cao điểm kiểm tra và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm công tác phòng, chống dịch trên địa bàn quản lý; xử lý nghiêm và yêu cầu đóng cửa những cơ sở dịch vụ vi phạm các quy định phòng, chống dịch.

>>Chi tiết Công điện số 15/CĐ-UBND của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội xem TẠI ĐÂY.

Thành phố cũng yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như:

- Đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động

- Đi mua lương thực, thực phẩm, thuốc men

- Các trường hợp khẩn cấp khác như cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn...

- Hạn chế tối đa việc di chuyển từ Hà Nội đến các tỉnh, thành phố khác và ngược lại; tổ chức lại các hoạt động vận tải, đảm bảo giao thương, cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu và phục vụ sản xuất và đảm bảo theo yêu cầu phòng chống dịch của Thành phố.

- Người từ các tỉnh, thành phố khác di chuyển về Thủ đô thực hiện khai báo y tế ngay khi di chuyển vào địa bàn Thành phố; lập tức thông tin và ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống dịch với chính quyền cơ sở.

- Tạm thời không tổ chức đám cưới; đám tang tổ chức không quá 30 người và phải được cơ quan y tế tại nơi tổ chức giám sát nghiêm ngặt.

- Thực hiện nghiêm thông điệp 5K, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tụ tập quá 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; khai báo y tế thường xuyên trên website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone khi ra ngoài.

Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh đề nghị nhân dân Thủ đô tiếp tục ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch của thành phố; mỗi người dân hãy là một chiến sĩ phòng, chống dịch; tiếp tục chung sức, đồng lòng để tiếp tục kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Trước mắt thực hiện nghiêm các biện pháp không tụ tập đông người; chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật sự cần thiết; thực hiện các biện pháp phòng dịch cho bản thân và cộng đồng khi ra ngoài.

Thành phố đã chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết trong mọi tình huống; chủ động từ cơ sở và đồng thuận của nhân dân quyết định thành công trong công tác phòng, chống dịch của thành phố.

Sáng 19/7, Hà Nội tiếp tục ghi nhận thêm 16 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó, Công ty SEI (6), chùm ca bệnh B8 Tân Mai (4), chùm ca bệnh 90 Nguyễn Khuyến, Đống Đa (4) và chùm 132 Bùi Thị Xuân (2).

Tính từ đợt dịch thứ tư (ngày 29/7) đến nay, Hà Nội ghi nhận 442 trường hợp mắc, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 261 trường hợp, số mắc là đối tượng đã được cách ly 181 trường hợp.

Từ ngày 5/7 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 183 trường hợp, đáng chú ý là 3 ổ dịch mới phát sinh từ ngày 16/7 có số mắc khá cao là 90 Nguyễn Khuyến (34), B8 Tân Mai (16) và 132 Bùi Thị Xuân (14)./. 

>>Hà Nội tăng từ 30-50% lượng hàng thiết yếu phục vụ người dân

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục