Từ nay đến hết năm có thể xuất hiện từ 8-11 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông

16:31' - 16/07/2025
BNEWS Không loại trừ khả năng sang tháng 1/2026 vẫn hình thành bão hoặc áp thấp nhiệt đới trên khu vực Nam Biển Đông.

Nhận định về  xu thế khí hậu từ nay đến hết năm 2025, Phó Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Đức Hòa cho biết, từ nay đến năm 2025 có khả năng xuất hiện khoảng từ 8-11 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó có 4-5 cơn đổ bộ vào đất liền. Bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng hoạt động tập trung vào nửa cuối mùa bão và ảnh hưởng nhiều đến khu vực miền Trung; không loại trừ khả năng sang tháng 1/2026 vẫn hình thành bão hoặc áp thấp nhiệt đới trên khu vực Nam Biển Đông.

 

Theo ông Nguyễn Đức Hoà, từ tháng 8/2025 đến tháng 1/2026, hiện tượng ENSO (bao gồm hiện tượng El Nino và La Nina - hiện tượng nóng lên hoặc lạnh bất thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương) tiếp tục trong điều kiện trung tính, với chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển khu vực xích đạo trung tâm Thái Bình Dương ở mức tương đương so với trung bình nhiều năm trong tuần đầu tháng 7/2025. Từ tháng 8 đến tháng 10/2025, ENSO có khả năng duy trì trạng thái trung tính với xác suất từ 70-90% và tiếp tục duy trì ở trạng thái trung tính với xác suất 50-60% trong các tháng 11/2025 đến tháng 1/2026.

Nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; phổ biến ở mức cao hơn khoảng 0,5 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, thời kỳ tháng 11/2025- 1/2026, khu vực Thanh Hóa đến Huế có xu hướng thấp hơn khoảng 0,5 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Nắng nóng tập trung tại khu vực Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Huế và Duyên hải Nam Trung Bộ đến tháng 8, từ tháng 9, nắng nóng suy giảm dần (số ngày nắng nóng có khả năng thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Không khí lạnh bắt đầu hoạt động từ tháng 9-10/2025 và gia tăng cường độ, tần suất từ tháng 11. Rét đậm, rét hại có khả năng xuất hiện diện rộng ở khu vực Bắc Bộ ở mức tương đương so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (khoảng từ nửa cuối tháng 12/2025). Cần đề phòng khả năng xảy ra sương muối, băng giá ở vùng núi cao khu vực Bắc Bộ.

Đề cập đến xu thế lượng mưa, ông Nguyễn Đức Hòa cho rằng, từ tháng 8-10, tổng lượng mưa các nơi phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, riêng một số nơi ở ven biển Đông Bắc Bộ, tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa và khu vực từ Nam Nghệ An đến Quảng Ngãi phổ biến cao hơn 20-40% so với trung bình nhiều năm.

Từ tháng 11/2025-1/2026, tổng lượng mưa tại Bắc Bộ, Thanh Hóa đến Quảng Trị, Cao nguyên Trung Bộ và Nam Bộ phổ biến thấp hơn 5-15% so với trung bình nhiều năm. Khu vực từ Huế đến Quảng Ngãi và một số nơi tại khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 5-15% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Từ đầu năm 2025 đến nửa đầu tháng 7, trên khu vực Biển Đông đã xuất hiện 4 xoáy thuận nhiệt đới, bao gồm 2 áp thấp nhiệt đới  vào tháng 2 và tháng 6; bão  số 1 vào tháng 6 và bão số 2 vào tháng 7. Các xoáy thuận nhiệt đới đều hình thành trên khu vực Biển Đông và không đổ bộ trực tiếp đến đất liền. Đáng lưu ý, cơn bão số 1 là cơn bão đầu tiên trên khu vực Biển Đông và khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương trong năm 2025 (tên quốc tế là WUTIP). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103-117km/h), giật cấp 14. Tối 14/6, bão đổ bộ vào phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Tuy không đổ bộ trực tiếp vào đất liền nhưng đã gây mưa lớn cho khu vực các tỉnh từ Nam Hà Tĩnh đến khu vực Duyên hải tỉnh Quảng Ngãi.

Từ tháng 1-3, chủ yếu xuất hiện mưa nhỏ, mưa phùn tập trung ở các tỉnh miền Bắc, Từ cuối tháng 4 đến nửa đầu tháng 7, mưa gia tăng rõ rệt trên các khu vực như Bắc Bộ và các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Huế, duyên hải Nam Trung Bộ, cao nguyên Trung Bộ và Nam Bộ

Đáng chú ý, đợt mưa lớn bất thường tại miền Trung do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 1 nên từ ngày 10-13/6, mưa đã xảy ra tại khu vực từ Nam Hà Tĩnh đến Đà Nẵng với lượng mưa phổ biến 250-500mm, có nơi trên 600mm như A Lưới (thành phố Huế) 1057mm, Khe Sanh (Quảng Trị) 628mm; Nam Đông (thành phố Huế) 966mm...; tại khu vực Bắc Hà Tĩnh và Quảng Ngãi lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm. Thời kỳ qua trên cả nước một số trạm khí tượng đã quan trắc được giá trị tổng lượng mưa ngày và tổng lượng mưa tháng vượt giá trị lịch sử cùng kỳ.

Nắng nóng năm 2025 bắt đầu xuất hiện từ tháng 3 ở khu vực miền Đông Nam Bộ, sau đó mở rộng ra toàn Nam Bộ và khu vực phía Bắc của cao nguyên Trung Bộ trong thời kỳ tháng 4 và nửa đầu tháng 5 với nhiệt độ cao nhất từ 35-37 độ C, có nơi cao hơn. Từ giữa tháng 5, nắng nóng ở khu vực phía Nam giảm dần. Trong khi đó, tại khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa-Huế và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, tính đến giữa tháng 7 đã xảy ra 12 đợt nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 37–40 độ C.

Trong những tháng đầu năm 2025, đã có 15 đợt không khí lạnh gây 6 đợt rét đậm, rét hại ở Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh..

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục