Tuần giao dịch khởi sắc của thị trường dầu thế giới

15:32' - 06/04/2024
BNEWS Giá dầu thế giới khép lại tuần qua với mức tăng mạnh, giữa bối cảnh thị trường đang theo dõi nguy cơ xung đột trực tiếp giữa Israel và Iran, nhân tố có thể thắt chặt hơn nữa nguồn cung dầu.

Liên tục leo dốc trong các phiên giao dịch gần đây, giá dầu thế giới khép lại tuần qua với mức tăng mạnh, giữa bối cảnh thị trường đang theo dõi nguy cơ xung đột trực tiếp giữa Israel và Iran, nhân tố có thể thắt chặt hơn nữa nguồn cung dầu.

Giá dầu ngọt nhẹ (WTI) chạm mức cao nhất 5 tháng và giá dầu Brent Biển Bắc “vọt” trên ngưỡng 90 USD/thùng trong tuần qua, khi thị trường kỳ vọng rằng tăng trưởng kinh tế ở Mỹ và Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ, trong khi nguồn cung bị thắt chặt do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cắt giảm sản lượng và hoạt động của các nhà máy lọc dầu của Nga đình trệ.

 

Cả hai hợp đồng dầu này đều đóng cửa phiên 4/4 ở mức cao nhất kể từ tháng 10/2023, với sự hỗ trợ từ căng thẳng địa chính trị gia tăng trong những ngày gần đây và rủi ro nguồn cung tiềm ẩn.

Các Đại sứ quán Israel trên khắp thế giới đã được đặt trong tình trạng báo động cao do mối đe dọa ngày càng tăng về một cuộc tấn công của Iran nhằm vào các nhà ngoại giao Israel.

Thêm vào đó, xu hướng đi lên gần đây của giá dầu cũng diễn ra sau các cuộc tấn công của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu của Nga và tin tức rằng công ty năng lượng nhà nước Pemex của Mexico đã yêu cầu đơn vị kinh doanh của mình hủy xuất khẩu tới 436.000 thùng dầu thô mỗi ngày trong tháng Tư, khi Pemex chuẩn bị điều chỉnh mức giá mới cho dầu trong nước.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 5/4, giá dầu WTI tăng 32 xu Mỹ (tương đương 0,37%) lên 86,91 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc cộng thêm 52 xu (tương đương 0,57%) lên 91,17 USD/thùng.

Giá hai loại dầu chủ chốt này đều tăng hơn 4% trong cả tuần qua.

Các nhà phân tích Daniel Hynes và Soni Kumari của ngân hàng ANZ nhận định: “Thắt chặt hơn nữa việc tuân thủ hạn ngạch của OPEC+ sẽ khiến sản lượng dầu tiếp tục giảm trong quý II/2024”.

Trong khi đó, tăng trưởng việc làm của Mỹ tăng mạnh trong tháng 3/2024, vượt kỳ vọng của thị trường. Điều này cho thấy nhu cầu dầu có thể tăng mạnh. Tuy nhiên, "sức khoẻ" của thị trường lao động Mỹ có thể là nhân tố làm trì hoãn kế hoạch cắt giảm lãi suất dự kiến của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào cuối năm nay.

Theo các nhà phân tích của JPMorgan, nhu cầu dầu toàn cầu ước tăng 1,4 triệu thùng mỗi ngày trong quý đầu tiên của năm nay. Tuần qua cũng là tuần thứ ba liên tiếp các công ty năng lượng Mỹ cắt giảm số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên. Theo công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes, số giàn khoan dầu và khí đốt đang hoạt động của Mỹ, một chỉ báo sớm về sản lượng, đã giảm 1 giàn xuống 620 giàn trong tuần tính đến ngày 5/4, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2/2024.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục