Tuần tăng thứ tư liên tiếp​ của giá dầu thế giới

14:14' - 22/07/2023
BNEWS Giá dầu thế giới tăng gần 2% trong phiên 21/7, và ghi nhận tuần tăng giá thứ tư liên tiếp, khi ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sẽ thiếu hụt nguồn cung trong những tháng tới.

Giá dầu thế giới tăng gần 2% trong phiên 21/7, và ghi nhận tuần tăng giá thứ tư liên tiếp, khi ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sẽ thiếu hụt nguồn cung trong những tháng tới, cùng với xung đột gia tăng ở Ukraine có thể ảnh hưởng đến nguồn cung.

 

Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc tăng 1,43 USD (1,8%) lên 81,07 USD/thùng và ghi nhận mức tăng 1,2% trong tuần này. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 1,42 USD (1,9%) lên 77,07 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 25/4. Dầu WTI đã tăng gần 2% trong tuần này.

Nhà phân tích Phil Flynn của công ty dịch vụ tài chính Price Futures Group cho biết thị trường dầu đang bắt đầu điều chỉnh từ từ trong bối cảnh khủng hoảng nguồn cung sắp xảy ra. Nguồn cung toàn cầu đang bắt đầu thắt chặt và điều đó có thể tăng tốc đáng kể trong những tuần tới. Nguy cơ căng thẳng địa chính trị gia tăng cũng có thể ảnh hưởng đến giá dầu.

Ngày 21/7, các cơ sở xuất khẩu thực phẩm của Ukraine đã bị thiệt hại do những hành động quân sự trong ngày thứ tư liên tiếp và các tàu ở Biển Đen ngừng hoạt động, một động thái cho thấy bất đồng gia tăng trong khu vực kể từ khi Nga rút khỏi thỏa thuận hành lang biển an toàn do Liên hợp quốc làm trung gian trong tuần này.

Ông Flynn cho biết việc đóng cửa hành lang vận chuyển ngũ cốc có thể ảnh hưởng đến nguồn cung cấp ethanol và nhiên liệu sinh học được pha trộn với các sản phẩm dầu mỏ tại thời điểm thị trường ngũ cốc toàn cầu đang thắt chặt. Điều này sẽ dẫn đến việc các nhà máy lọc dầu sử dụng nhiều dầu thô hơn. Các tàu ngừng hoạt động cũng có thể gây thêm rủi ro đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và các hàng hóa khác trong khu vực.

Tại Mỹ, Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết dự trữ dầu thô đã giảm trong tuần trước trong bối cảnh xuất khẩu dầu thô tăng vọt và nhà máy lọc dầu tăng sản lượng. Trước đó ngày 17/7, EIA đã dự báo sản lượng dầu khí đá phiến của Mỹ có khả năng giảm lần đầu tiên trong tháng 8/2023, làm tăng thêm lo ngại về tình trạng khan hiếm nguồn cung.

Trong khi đó, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết các công ty năng lượng của Mỹ trong tuần này đã ngừng hoạt động 7 giàn khoan dầu, mức cắt giảm lớn nhất kể từ đầu tháng 6/2023. Số lượng giàn khoan đang hoạt động là 530 giàn, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022.

Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất Suhail al-Mazrouei cho hay các hành động hiện tại của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, nhằm hỗ trợ thị trường dầu mỏ là đủ cho đến thời điểm hiện tại và nhóm "chỉ cần một cuộc điện thoại" nếu cần thêm bất kỳ bước đi nào.

Rob Haworth, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại công ty quản lý tài sản U.S. Bank Asset Management, cho biết vào tuần tới, các cuộc khảo sát sơ bộ về quản lý mua hàng từ S&P Global sẽ là chìa khóa cho các nhà đầu tư đang cố gắng nắm bắt nhu cầu toàn cầu đang thay đổi.

Xu hướng tăng giảm trên thị trường dầu đan xen giữa các phiên trong tuần này. Trước đó phiên 18/7 và 20/7, giá dầu thế giới tăng lên trong bối cảnh dự trữ dầu thô của Mỹ giảm và hoạt động nhập khẩu dầu của Trung Quốc tăng mạnh. Cùng với đó là những cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và những đồn đoán rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm dừng tăng lãi suất, cũng như dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ giảm xuống.

Trong khi đó, trong phiên 17/7 và 19/7, giá dầu thế giới đi xuống do hoạt động chốt lời và số liệu tăng trưởng kinh tế Trung Quốc thấp hơn dự kiến, khiến nhiều người quan ngại sức mua của nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới sẽ giảm. Hơn nữa, việc khởi động lại một phần sản lượng khai thác bị đình trệ của Libya cũng gây áp lực lên giá dầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục