Tưới tiên tiến giúp tiết kiệm 20 triệu đồng/ha/năm trong sản xuất

15:28' - 24/04/2022
BNEWS Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có trên 75% cơ giới hóa khâu bơm tưới trên hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có trên 75% cơ giới hóa khâu bơm tưới trên hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày, các hộ nông dân áp dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn như: hệ thống tưới phun tự động, bán tự động và tưới nhỏ giọt được gần 25 nghìn ha. Tưới tiên tiến, tiết kiệm nước giúp tiết kiệm được khoảng 20 triệu đồng/ha/năm.

 

Mô hình hệ thống tưới phun, điều khiển tự động, nhằm hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất bền vững thông qua việc tiết kiệm nước tưới, chủ động công lao động, giảm chi phí sản xuất, đồng thời giúp cho nhà vườn hiểu thêm khoa học kỹ thuật áp dụng trong sản xuất.

Mô hình giúp giảm lượng nước tưới khoảng từ 30-40% so với truyền thống, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu khi gặp hạn, mặn; giúp giảm chi phí sản xuất so với phương pháp tưới bình thường do giảm sử dụng phân bón vì ít bị thất thoát do rửa trôi, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật do tưới lượng nước vừa phải, sâu bệnh ít phát triển, giảm điện năng tiêu thụ do thời gian tưới ngắn hơn, giảm công tưới nước...

Kết quả ghi nhận trên một số loại cây trồng như nhãn, chanh, xoài, cam sành, rau, hoa kiểng cho thấy mô hình đã tiết kiệm được khoảng 20 triệu đồng/ha/năm so với áp dụng phương pháp tưới bình thường, chủ yếu là tiết kiệm điện năng tiêu thụ 5 triệu đồng/ha và công tưới nước 14 triệu đồng/ha.

Tưới nhỏ giọt có mô hình sản xuất trong hệ thống nhà màng, nhà lưới và ứng dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt kiểu Israel của ông Lê Vũ Hùng ở xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò.

Ông Lê Vũ Hùng đã mạnh dạn đầu tư mô hình nhà màng nông nghiệp công nghệ cao với hệ thống công nghệ tưới nhỏ giọt kiểu Israel cho diện tích 4.000m2 đất, với kinh phí đầu tư trên 1,2 tỷ đồng. Ông Hùng áp dụng mô hình vào sản xuất vụ dưa leo, dưa Pabi, dưa lưới.

Ông Lê Vũ Hùng cho biết, với ưu điểm vượt trội từ việc áp dụng sản xuất trong nhà màng và tưới nhỏ giọt kiểu Israel đã giúp tiết kiệm nước, công chăm sóc và cho ra những sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng, nhất là tăng lợi nhuận kinh tế cho người nông dân.

Theo ông Lê Vũ Hùng, áp dụng mô hình này có thể sản xuất được 4 vụ/năm. Sau khi trừ chi phí, với diện tích 4.000m2 ông Hùng thu về lợi nhuận từ 600 - 800 triệu đồng/năm.

Vừa qua, tỉnh Đồng Tháp hiện đã hỗ trợ cho các huyện Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình xây dựng nhà màn và hệ thống tưới thông minh tiết kiệm nước cho các vùng dự án rau màu an toàn, với diện tích hơn 60 ha.

Cùng đó, hỗ trợ xây dựng hệ thống tưới thông minh tiết kiệm nước cho làng hoa kiểng thành phố Sa Đéc, diện tích 110 ha; hỗ trợ cho các huyện Cao Lãnh, Lai Vung, Châu Thành xây dựng nhà màn và hệ thống tưới thông minh tiết kiệm nước trong vùng cây ăn trái với diện tích 165 ha.

Bên cạnh đó, hỗ trợ xây dựng hệ thống tưới thông minh tiết kiệm nước cho cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, với diện tích 170 ha.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, việc áp dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước giúp tăng năng suất cây trồng 25%; giảm chi phí công lao động để tưới và chăm sóc 30%. Lượng nước tiết kiệm so với tưới truyền thống 45%. Tiết kiệm được khoảng 20 triệu đồng/ha/năm so với áp dụng phương pháp tưới bình thường.

Đối với hiệu quả sử dụng tài nguyên nước, lượng nước tiết kiệm so với tưới truyền thống khoảng 45%; tăng giá trị sản xuất nông nghiệp; tăng mức độ chuyển đổi cơ cấu cây trồng và giảm tỷ lệ đất hoang hóa.

Từ đó, mô hình giúp người dân, doanh nghiệp tăng thu nhập khoảng 20% so với diện tích canh tác không áp dụng mô hình.

Đặc biệt, mô hình tưới tiết kiệm nước còn giúp cây trồng ứng phó hiệu quả trong những hoàn cảnh thời tiết bất lợi như hạn hán, biến đổi khí hậu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục