Tương lai ảm đạm của nước Anh nếu Brexit không có thỏa thuận

05:30' - 21/08/2019
BNEWS Trước thềm chuyến công du nước ngoài đầu tiên sắp diễn ra, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định ông sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) về một thỏa thuận Brexit mới.

Tương lai ảm đạm của nước Anh nếu Brexit không có thỏa thuận. Ảnh: THX/ TTXVN

Tân Thủ tướng Anh dự kiến sẽ tới Berlin để gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel vào ngày 21/8 và gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris vào ngày 22/8. 

Ông Johnson được cho là sẽ khẳng định với các nhà lãnh đạo châu Âu rằng Nghị viện Anh không thể và sẽ không thay đổi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, đồng thời sẽ tìm kiếm một thỏa thuận mới để thay thế cho thỏa thuận Brexit mà bà Theresa May đưa ra trước đó - vốn đã bị các nghị sĩ đánh bại ba lần.

Theo kế hoạch, ông Boris Johnson sẽ đưa nước Anh rời khỏi EU vào ngày 31/10 tới dù có hay không có một thỏa thuận. 

Tuy nhiên, hiện có không ít nghị sỹ Anh muốn cản trở ông làm điều này, bởi nếu kịch bản Brexit không thỏa thuận thật sự diễn ra, họ quan ngại rằng một cuộc chiến nhiều rủi ro về tương lai của đất nước sẽ xảy ra, gây tác động to lớn đến tất cả các khía cạnh của nền kinh tế. 

* Kinh tế là “nạn nhân” lớn nhất 

Đưa tin về chuyến công du nước ngoài của ông Johnson, tờ Sunday Times đã in các tài liệu bị rò rỉ để cảnh báo về tình trạng thiếu lương thực, thuốc men và nhiên liệu, nếu kịch bản Brexit không thỏa thuận diễn ra.

Bên cạnh đó, báo cáo của Bộ Tài chính về vấn đề nước Anh chuẩn bị cho Brexit không có thỏa thuận cũng tiết lộ rằng Vương quốc Anh có thể phải đối mặt với nhiều tháng bị gián đoạn tại các cảng của mình.

Hồ sơ được Sunday Times đưa tin nói rằng rời khỏi EU mà không có thỏa thuận có thể dẫn đến một loạt vấn đề như thực phẩm tươi sống trở nên ít hơn và giá cả gia tăng. Bên cạnh đó, nguồn cung nhiên liệu sẽ trở nên ít hơn và 2.000 việc làm có thể bị mất nếu chính phủ đặt mức thuế nhập khẩu xăng dầu xuống 0%.

Cùng với đó là sự gia tăng rối loạn công cộng và căng thẳng cộng đồng do thiếu lương thực và thuốc, các hành khách bị trì hoãn tại các sân bay EU, trong khi sự gián đoạn trong quá trình vận chuyển hàng hóa tại các cảng sẽ kéo dài.

Chính phủ nói rằng tài liệu này không phải là những gì Nội các Anh dự kiến sẽ diễn ra, song các chương trình phác thảo đang được xem là một phần của sự chuẩn bị cho việc không có thỏa thuận.

* Mâu thuẫn trong nội bộ nước Anh

Theo luật pháp, trừ khi có điều gì đó đặc biệt xảy ra, nước Anh sẽ không còn là thành viên của EU kể từ 11 giờ tối ngày 31/10 theo giờ London. Chiến lược của ông Johnson là kiên định và hy vọng EU sẽ "lay động", đồng thời xúc tiến các kế hoạch Brexit không thỏa thuận, bằng cách dự trữ thuốc men và chuẩn bị cho các chuyến hàng bị tồn đọng tại cảng Dover. 

Nhiều nhà kinh tế và doanh nhân cho rằng một Brexit không thỏa thuận sẽ gây ra những xáo trộn về kinh tế. 

Cựu Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond, người đã từ chức ngay trước khi ông Johnson nhậm chức, cho biết Chính phủ Anh dường như “đang lập ra một hàng rào quá cao cho các cuộc đàm phán, đến mức chúng ta chắc chắn phải rời EU mà không có thỏa thuận nào”.

Trong khi đó, một nhóm đa đảng gồm hơn 100 nghị sĩ đã kêu gọi Thủ tướng triệu tập Quốc hội và để cho các nghị sỹ làm việc liên tục cho đến khi nước Anh rời khỏi EU.

Trong một lá thư, các nghị sĩ nói: “Đất nước của chúng ta đang đứng trước một cuộc khủng hoảng kinh tế, khi chúng ta hướng tới một Brexit không có thỏa thuận mà sẽ có tác động ngay lập tức đối với thực phẩm và vật tư y tế, làm tổn hại nền kinh tế, việc làm, tài chính công, dịch vụ công cộng, trường đại học và an ninh kinh tế lâu dài của chúng ta. 

Chúng ta đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp quốc gia và Quốc hội phải được triệu tập ngay trong tháng Tám, đồng thời làm việc thường trực cho đến ngày 31/10, để tiếng nói của người dân có thể được lắng nghe, và để có thể có sự theo dõi kỹ lưỡng với Chính phủ của Thủ tướng Johnson”.

Quốc hội Anh đã vài lần bỏ phiếu, dù không mang tính ràng buộc, nhằm chống lại một Brexit không thỏa thuận. Tuy nhiên, các nhà lập pháp không nhất trí được một kịch bản thay thế. Một số muốn rời khối với một thỏa thuận, một số khác lại muốn ở lại EU. 

Quốc hội đang trong giai đoạn nghỉ Hè cho đến ngày 3/9 tới, song các nhà lập pháp đối lập và các nhà lập pháp đảng Bảo thủ, những người phản đối một Brexit không thỏa thuận, vẫn đang xúc tiến các cuộc thảo luận với hy vọng tìm ra một chiến lược chung.

Các nhà lập pháp có hai đường lối để ngăn cản một Brexit không thỏa thuận, hoặc thay thế Chính phủ của Thủ tướng Johnson, hoặc thông qua một đạo luật cản trở việc rời EU mà không có một thỏa thuận nào.

Ngoài ra, Quốc hội có một cách nữa là thông qua một đạo luật không cho phép nước Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận nào, và Chính phủ sẽ phải yêu cầu EU gia hạn thêm cho Brexit. Tuy nhiên, điều này sẽ rất khó xảy ra, bởi Chính phủ kiểm soát thời gian biểu của Quốc hội và không có nhiều cơ hội để phe đối lập ra luật. 

Trong khi đó, EU cho biết sẽ chỉ chấp nhận trì hoãn Brexit một lần nữa nếu có một lý do thích đáng, chẳng hạn như là bầu cử Anh hay một cuộc trưng cầu ý dân mới về Brexit.

* Bấp bênh tương lai chính trị của Thủ tướng Johnson

Jeremy Corbyn, lãnh đạo Công đảng đối lập, cho biết ông đang lên kế hoạch kêu gọi một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong Chính phủ Thủ tướng Johnson, vốn đang rất dễ bị tổn thương. 

Thất bại vừa qua trong một cuộc bầu cử đặc biệt đã khiến thế đa số của họ chỉ còn chênh lệch có một lá phiếu. Một số nhà lập pháp đảng Bảo thủ e ngại về thiệt hại mà một Brexit không thỏa thuận có thể gây ra, đồng thời nhấn mạnh họ đang chuẩn bị hạ bệ một Chính phủ Bảo thủ để ngăn ngừa khả năng chia ly không thỏa thuận xảy ra. 

Tuy nhiên, chỉ một chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm này thì không thể thay thế được tiến trình Anh rời khỏi Brexit. Sẽ có một giai đoạn kéo dài 14 ngày, trong đó hoặc ông Johnson hoặc một chính trị gia khác sẽ phải nỗ lực đảm bảo sự tín nhiệm của Quốc hội bằng cách giành chiến thắng trong một cuộc bỏ phiếu khác. 

Người giành chiến thắng sau đó sẽ lập ra một Chính phủ mới. Nếu không ai giành chiến thắng trong vòng 14 ngày này, một cuộc bầu cử cấp quốc gia sẽ được tổ chức.

Hiện chưa rõ là ai, nếu có, sẽ giành được sự ủng hộ của đa số nhà lập pháp Anh, một nhóm người đang rất chia rẽ. Lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn - người đứng đầu đảng đối lập lớn nhất - đã viết thư gửi lãnh đạo các nhóm đảng khác để đề xuất một “Chính phủ lâm thời” do ông Corbyn dẫn dắt và sẽ tìm cách trì hoãn ngày rời EU, đồng thời kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử quốc gia. Tuy nhiên, ý tưởng này vấp phải những phản ứng trái chiều.

Những phản ứng này phản ánh vấn đề mà các lực lượng thân EU đang đối mặt. Các đảng đối lập nhỏ hơn nhất trí về sự cần thiết ngăn ngừa một Brexit không thỏa thuận, song lại không muốn đưa ông Corbyn - một nhân vật không mấy thiện cảm với EU - lên cầm quyền.

Trong khi đó, Công đảng nhiều khả năng sẽ phản đối một chính trị gia đến từ bất kỳ đảng nào khác lên lãnh đạo một chính phủ thống nhất dân tộc. Nếu phe đối lập vẫn chia rẽ, ông Johnson sẽ đợi qua 14 ngày để kêu gọi một cuộc bầu cử cần thiết, nhưng là sau ngày 31/10. 

Điều này đồng nghĩa với việc Anh sẽ rời khỏi EU trên cơ sở không thỏa thuận trong đúng giai đoạn vận động bầu cử./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục