Tương lai nào cho xe điện tại Việt Nam?

13:46' - 21/12/2021
BNEWS Hưởng ứng Tháng Năng lượng tái tạo 2021 (REM21), ngày 21/12, Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreenID) tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Tương lai phát triển xe điện tại Việt Nam”.

Các đại biểu đã thảo luận về các góc nhìn liên quan đến phát triển xe điện ở Việt Nam, trong đó, tập trung vào đề xuất phát triển về hạ tầng, chính sách khuyến khích phát triển, đặc biệt cần thiết phải có quy hoạch dài hạn, đồng bộ để tối ưu được hạ tầng trạm sạc; áp dụng kinh nghiệm từ lộ trình phát triển xe điện của các quốc gia trên thế giới…

Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó Tổng biên tập Báo Giao thông cho biết, giao thông chiếm tỷ trọng không nhỏ trong việc phát thải khí nhà kính trên toàn cầu.

Vì vậy, việc chuyển dịch sang các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu sạch thay cho các nguyên liệu hóa thạch sẽ là xu hướng toàn cầu trong tương lai.

Trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Việt Nam cũng đã khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường (xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện...), đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Khánh, chuyên gia năng lượng Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh, đại diện nhóm nghiên cứu “Phát triển xe điện: Dự báo xu thế và hàm ý cho Việt Nam” cho biết, nhóm nghiên cứu đề xuất 3 kịch bản nghiên cứu gồm kịch bản cơ sở, kịch bản phát triển vừa và cao.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng Calculator 2050- công cụ hỗ trợ các quốc gia khám phá con đường các-bon thấp. Nghiên cứu này cũng thu hút các bên liên quan thảo luận về đánh giá phát thải, an ninh năng lượng, chi phí, sử dụng đất cho toàn bộ lĩnh vực của mỗi ngành.

Các nhà hoạch định chính sách, cơ quan nghiên cứu, trường học có thể sử dụng dễ dàng; phát triển trên Excel với giả định công khai và các tính toán mở…

Theo ông Đào Công Quyết, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy số lượng xe điện hóa ở Việt Nam hiện còn rất ít, năm 2019 là 140, năm 2020 tăng lên 900 và đến hết quý I/2021 có thêm 600 xe. Tất cả số xe trên đều là nhập khẩu và gần như toàn bộ là xe điện hóa, số xe chạy pin chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Đề xuất lộ trình phát triển xe điện tại Việt Nam, ông Đào Công Quyết nhấn mạnh, động lực cho sự phát triển ô tô điện trên thế giới chính là các quy định về bảo vệ môi trường cùng các chính sách về thuế và chế tài xử phạt.

Thời gian tới, Nhà nước cần ban hành lộ trình phát triển xe điện ở Việt Nam trong các khoảng thời gian với các yêu cầu và mục tiêu cụ thể.

Các nhóm chính sách để khuyến khích nhà sản xuất và người tiêu dùng sử dụng xe ô tô điện, tạo tiền đề cho thị trường sản xuất kinh doanh xe điện vận hành.

Song song với đó là xây dựng các chế tài nhằm cụ thể hóa các quy định về xử lý các sản phẩm thải bỏ liên quan đến xe điện như ắc -quy, các ô tô, xe máy quá niên hạn sử dụng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục