Tương lai than nhiệt Australia khi nhu cầu toàn cầu mong manh

05:30' - 26/04/2023
BNEWS Trang mạng “reneweconomy.com.au” mới đây đăng bài viết với tiêu đề “Triển vọng than nhiệt của Australia đối mặt với nhu cầu toàn cầu mong manh”. Nội dung bài viết như sau:

Báo cáo đánh giá quý I/2023 về Tài nguyên và Năng lượng, do Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Australia công bố vào tháng Ba vừa qua, nhận định rằng “thương mại than nhiệt có thể đã qua giai đoạn đỉnh”.

Hàng năm, báo cáo đánh giá quý I của Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Australia thường đưa ra những dự báo cho 5 năm tiếp theo. Trong báo cáo quý I/2023 Cơ quan này lại một lần nữa hạ thấp dự báo tới năm 2028 sau khi điều chỉnh đáng kể mức dự báo cho năm 2027 trong báo cáo của quý I năm ngoái.

Tuy nhiên, báo cáo quý I/2023 vẫn dự báo mức tăng trưởng xuất khẩu than nhiệt của Australia là 12%, hoặc 22 triệu tấn đến năm 2026, mặc dù trên thực tế hoạt động chuyên chở than nhiệt xuất khẩu ở nước này đang thấp hơn so với những dự báo trước đó.

Dữ liệu mới nhất của Bộ trên cho thấy than nhiệt của Australia chiếm 17% kim ngạch than nhiệt trên toàn cầu vào năm 2022 và con số này được dự báo vẫn sẽ tăng trong 3 năm nữa, lên 20% vào năm 2026.

Báo cáo trên cũng chỉ ra một số vấn đề liên quan đến nguồn cung than toàn cầu, chẳng hạn như tình trạng gián đoạn kéo dài do tác động của yếu tố thời tiết, hoạt động xuất khẩu trong năm 2022 bị gián đoạn, đồng thời nhấn mạnh sự tăng trưởng ở một số thị trường than của Australia trong tương lai.

Liệu Australia có được hưởng lợi từ việc tăng thị phần trong thị trường toàn cầu vốn đang sụt giảm này? Các thị trường than xuất khẩu lớn nhất của Australia -Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), được gọi tắt là JKT - đang suy yếu. Thị trường JKT đóng vai trò cối lõi đối với phần lớn lợi nhuận của các nhà cung cấp than Australia. Theo báo cáo hàng năm của các nhà sản xuất than, có rủi ro lớn khi hơn 2/3 lượng than của Australia là cung cấp cho thị trường này.

Báo cáo của Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Australia cũng nhấn mạnh rằng tại Nhật Bản - thị trường đơn lẻ lớn nhất của Australia -  chính phủ của họ đã lên kế hoạch đóng cửa 100 nhà máy nhiệt điện than trong 7 năm tới.

Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan là những thị trường duy nhất nhập khẩu than nhiệt có nhiệt trị (CV) cao nhất (6.000 kcal/kg NAR), sản phẩm chiếm tỷ trọng đáng kể trong than xuất khẩu của Australia. Tuy nhiên, báo cáo giả định rằng các thị trường tiêu thụ than có CV cao khác của Australia sẽ bù đắp sự thiếu hụt này. Báo cáo cho rằng, về lâu dài, thị trường than có khả năng hướng tới các loại than cao cấp hơn trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực giảm lượng khí thải carbon và chuyển đổi năng lượng. Tuy nhiên, không có dẫn chứng nào chứng minh cho tuyên bố này.

Quan điểm trên có vẻ thiếu thuyết phục bởi các quốc gia nỗ lực giảm phát thải đang cố gắng chuyển đổi để loại bỏ than đá hoàn toàn, không phải là chuyển sang dùng loại than khác. Các nước Đông Nam Á đang tạm dừng xây dựng các nhà máy điện than mới, đánh dấu nhiệt điện than đã đạt đỉnh, và đang chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, thay vì sử dụng than chất lượng cao hơn.

Hơn nữa, giá than sẽ vẫn là yếu tố quyết định chính đối với việc các nước đang phát triển tìm nguồn cung than. Nếu tất cả các nhà nhập khẩu than bắt đầu chuyển sang sử dụng than chất lượng cao hơn, loại than chất lượng cao này vẫn sẽ có giá đắt hơn - điều sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nhu cầu mặt hàng này. Do vậy, Australia có thể không chiếm được thị phần như dự báo. Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Australia đã cảnh báo rằng, nhu cầu than nhiệt trở nên mong manh và ngày càng dễ bị tổn thương trước nguy cơ chính phủ các nước tăng trưởng về nhu cầu than nhiệt có sự điều chỉnh về chính sách.

Nhu cầu về tăng trưởng liên tục đối với than nhiệt ở Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á đang phát triển khác đang đóng vai trò là động lực chính cho tăng trưởng thương mại than nhiệt toàn cầu và giúp bù đắp cho các thị trường đang sụt giảm nhu cầu.

Cơ quan trên của Australia cho biết mặc dù Trung Quốc đã nối lại hoạt động giao dịch than với Australia, nhưng nhập khẩu của Trung Quốc đang suy giảm về cơ cấu và các nhà xuất khẩu Australia dự kiến sẽ chủ yếu nắm giữ chuỗi cung ứng mới và đa dạng hơn.

Nguồn cung than trong nước của Trung Quốc có thể phù hợp với mức tiêu thụ than của nước này cho tới những năm 2030, nhưng xuất hiện nguy cơ về dài hạn là thị trường nhập khẩu này có thể sụp đổ hoàn toàn ngoài triển vọng dự báo của Australia.

Ấn Độ được xác định là thị trường tăng trưởng mạnh đối với than nhiệt vận tải bằng đường biển từ Australia, với mức điều chỉnh dự báo tăng đáng kể so với mức trước đó. Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Australia ước tính thị trường Ấn Độ sẽ tăng trưởng 60% vào năm 2027. Lý do là nhằm đáp ứng tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục của Ấn Độ và mức độ phụ thuộc của nước này vào năng lượng từ than đá.

Ấn Độ không phải là quốc gia nhập khẩu than chất lượng cao (loại có CV 6.000 kcal/kg) từ Australia mà nhập khẩu than có CV thấp hơn, 5.500 kcal/kg. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của Ấn Độ mà báo cáo trên dự đoán hoàn toàn trái ngược với tuyên bố của Chính phủ nước này và một số dự báo khác. Ấn Độ là nhà sản xuất than lớn thứ hai sau Trung Quốc và có tham vọng phát triển ngành sản xuất than trong nước để giảm thiểu phụ thuộc vào nhập khẩu.

Vào năm 2022, sản lượng than nhiệt nội địa của Ấn Độ đạt 892 triệu tấn và trước đó sản lượng này đã tăng 15% trong năm 2021. Bộ trưởng Than đá Ấn Độ Pralhad Joshi đã nêu rõ tham vọng của nước này trong một bài phát biểu gần đây, cho rằng Ấn Độ có đủ trữ lượng than và đặt mục tiêu bắt đầu xuất khẩu than nhiệt vào năm 2024-2025.

Phải thừa nhận rằng Chính phủ Ấn Độ đã có một quá trình lịch sử lâu dài cam kết giảm phụ thuộc vào than nhiệt nhập khẩu. Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch đồng nghĩa với việc Ấn Độ phải giải quyết một thách thức lớn về an ninh năng lượng.

Các nhà phân tích khác cũng thừa nhận rằng nhập khẩu than của Ấn Độ vẫn tăng trưởng, nhưng ở mức khiêm tốn hơn so với nhận định của Australia. Theo Wood Mackenzie, tham vọng sản xuất trong nước của Ấn Độ trong năm 2023 sẽ gặp trở ngại. Những thách thức về logistics ở Ấn Độ có thể sẽ làm chậm tăng trưởng sản xuất trong nước trong năm nay và dẫn đến nhập khẩu than nhiệt của nước này chỉ tăng 3% lên 169 triệu tấn trong năm 2023. Dữ liệu của Chính phủ Ấn Độ cho thấy nhập khẩu than từ Australia trong tháng 1/2023 và tháng 2/2023 thấp hơn so với các năm trước.

Bất chấp tiềm năng tăng trưởng của thị trường Ấn Độ, quốc gia này chủ yếu nhập khẩu than từ Indonesia và là một trong số ít quốc gia tăng cường nhập khẩu than của Nga. Sự khác biệt đáng kể về triển vọng này, nếu thực tế xảy ra, có thể khiến xuất khẩu của Australia một lần nữa không đạt được mục tiêu dự báo và các dự báo sau đó của cơ quan trên sẽ lại một lần nữa bị điều chỉnh giảm.

Các nước châu Á đang phát triển khác cũng đang có dấu hiệu tăng trưởng nhập khẩu than, với mức dự đoán tăng trưởng về khối lượng ở mức 23% (33 triệu tấn) vào năm 2028. Tuy nhiên, dự báo trên cũng lưu ý rằng các nhà máy điện ở thị trường châu Á “được xây dựng đặc biệt phù hợp với than của Indonesia”. Điều này hàm ý rằng Indonesia có thể chiếm phần lớn triển vọng tăng trưởng ở thị trường Đông Nam Á.

Việc tìm kiếm thị trường thay thế cho thị trường xuất khẩu than nhiệt cao cấp - thị trường JKT thế mạnh của Australia - có thể sẽ không dễ dàng. Với xu hướng giao dịch than nhiệt trên toàn cầu đang giảm dần, năng lực cạnh tranh của Australia ở các thị trường trên và các thị trường mới vẫn sẽ là trọng tâm trong các dự báo của Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Australia. Bộ trên vẫn duy trì các mức dự báo tăng trưởng từ nay đến năm 2026. Nếu Ấn Độ đưa ra những dự báo lạc quan về triển vọng ngành than của họ, thì rủi ro sụt giảm thị trường xuất khẩu của Australia là khá rõ ràng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục