Tương lai thương mại Mỹ - châu Âu

06:30' - 06/09/2024
BNEWS Hoạt động thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp tục tăng cường, bất chấp những thay đổi về địa chính trị và địa kinh tế.

Báo GIS có trụ sở tại Liechtenstein nhận định mối quan hệ thương mại phức tạp và đang phát triển giữa Mỹ và EU đang ở thời điểm then chốt, phản ánh những thay đổi toàn cầu rộng lớn hơn và những bất ổn địa chính trị. 

Là hai trong số những nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ và EU từ lâu đã duy trì mối quan hệ kinh tế sâu sắc, đặc trưng bởi thương mại hàng hóa và dịch vụ đáng kể, cũng như đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ. Tuy nhiên, vài năm gần đây, những động lực này đã bị thách thức bởi các sự kiện như đại dịch COVID-19, xung đột Nga -Ukraine,...

Rủi ro chuyển dịch địa chính trị

Mỹ và châu Âu từ lâu đã có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ thông qua thương mại quốc tế. Mặc dù trong những năm gần đây, cán cân thương mại đã nghiêng về phía EU: Năm 2022, Mỹ nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ trị giá 723 tỷ USD từ EU và xuất khẩu 592 tỷ USD sang EU, dẫn đến thâm hụt thương mại của Mỹ với EU khoảng 131 tỷ USD. Tổng thương mại của Mỹ với EU về hàng hóa và dịch vụ lớn hơn 73,4% so với tổng thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Tuy nhiên, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc lớn hơn gần ba lần so với thâm hụt thương mại của Mỹ với EU.

Cán cân thương mại có thể thay đổi nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử vào tháng 11 tới. Các chính sách thương mại bảo hộ vẫn là một khía cạnh quan trọng trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông và có khả năng sẽ tập trung chủ yếu vào Trung Quốc, giống như trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông từ năm 2017 đến năm 2021. Tuy nhiên, cũng tồn tại một mức độ không chắc chắn đáng kể xung quanh câu hỏi về việc nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng, mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và EU có bị ảnh hưởng?

Ông Trump đã công khai ý tưởng áp thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ bất kỳ nơi nào trên thế giới – bao gồm cả EU. Một mức thuế chung như vậy sẽ có ý nghĩa đặc biệt đối với châu Âu, với tư cách là đối tác thương mại quan trọng nhất của Mỹ. 

So sánh tương quan thương mại giữa EU với hai đối tác Mỹ và Trung Quốc

Năm 2020, Trung Quốc tạm thời trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU lần thứ hai, sau năm 2010 và 2011 khi nói riêng về hàng hóa hoặc các mặt hàng hữu hình có thể sử dụng, lưu trữ hoặc tiêu thụ. Nếu tính cả các dịch vụ - khi người nhận không nhận được bất kỳ thứ gì hữu hình thông qua giao dịch - Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của châu Âu. Nếu Mỹ áp đặt nhiều hạn chế hơn, mối quan hệ thương mại giữa châu Âu và Trung Quốc có thể được củng cố, tiếp tục xu hướng được quan sát thấy trong những thập kỷ qua, trong đó tổng thương mại hàng hóa của EU với Trung Quốc đã tăng từ dưới 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 1999 lên hơn 5% vào năm 2022.

Hoạt động thương mại hàng hóa giữa EU và Mỹ đã giảm từ năm 1999 cho đến khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra vào năm 2007. Kể từ đó, xu hướng đã đảo ngược: Hoạt động thương mại hàng hóa giữa EU và Mỹ tính theo tổng tỷ trọng GDP của EU đã đi theo cùng quỹ đạo như hoạt động thương mại hàng hóa giữa EU và Trung Quốc.

Châu Âu đạt thặng dư thương mại liên tục và ngày càng tăng với cường quốc lớn nhất thế giới khi nói đến hàng hóa: Trong khi nhập khẩu từ Mỹ vào năm 2023 ở mức tương đương với năm 2000, xuất khẩu theo tỷ lệ GDP đã tăng hơn 21% trong cùng kỳ. Ngược lại, với Trung Quốc, EU có thâm hụt thương mại liên tục và ngày càng tăng. Cả nhập khẩu và xuất khẩu đều tăng gấp hơn năm lần và thâm hụt đã tăng từ 0,3% GDP năm 1999 lên 1,7% GDP vào năm 2023.

Nếu xét riêng thương mại dịch vụ, Mỹ vẫn giữ vị trí là nhà cung cấp lớn nhất của EU. Theo từng năm, thặng dư thương mại của EU với hai đối tác chính là Mỹ và Trung Quốc ngày càng tăng. Về mặt tuyệt đối, thương mại dịch vụ giữa Mỹ và EU mạnh hơn so với giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, vào năm 2023, thương mại dịch vụ giữa Mỹ và EU tính theo tỷ lệ phần trăm GDP của Mỹ thậm chí còn chưa trở lại mức năm 1999 và càng không đạt được mức trước đại dịch.

Chính xác là trong thương mại dịch vụ, chúng ta có thể quan sát thấy, từ cuối nhiệm kỳ đầu tiên của chính quyền Tổng thống Trump đến cuối nhiệm kỳ của chính quyền do Tổng thống Joe Biden lãnh đạo, đã xuất hiện sự tách rời giữa châu Âu và Mỹ. Diễn biến này chỉ ra sự căng thẳng trong mối quan hệ hai bên. Sự căng thẳng có thể bị phóng đại, dựa trên nguồn dữ liệu thực tế có thể thấy rằng: Về mặt tuyệt đối, cả nhập khẩu và xuất khẩu dịch vụ giữa Mỹ và EU đều tiến gần hơn đến mức trước đại dịch. Chỉ so với GDP của Mỹ thì vẫn còn sự khác biệt đáng chú ý.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài

Chỉ số chính thứ ba của thương mại quốc tế và các mối quan hệ kinh tế là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hơn 1/4 FDI của EU bên ngoài khối có đích đến là Mỹ. Tỷ lệ này, sau một số thăng trầm, tăng khoảng 9% trong thập kỷ qua. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của EU vào Trung Quốc chiếm tỷ trọng nhỏ hơn nhiều trong tổng FDI bên ngoài của EU, nhưng đã chứng kiến sự gia tăng bền vững kể từ năm 2017, tăng hơn 26% chỉ trong 5 năm.

Tuy nhiên, nếu tính cả Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), có thể thấy một sự gia tăng đáng kể về FDI từ EU vào Trung Quốc trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát và sau đó suy giảm dần. Trong khi xu hướng chung vẫn tích cực, có khả năng dữ liệu mới nhất của năm 2023 cho thấy sự đảo ngược xu hướng do hậu quả của phản ứng của phương Tây đối với cuộc xung đột Nga -Ukraine.

Triển vọng quan hệ thương mại EU - Mỹ

Dự báo về các mô hình thương mại quốc tế thậm chí còn mang tính suy đoán hơn so với dự báo kinh tế nói chung, vì chúng phụ thuộc rất nhiều vào quá trình ra quyết định chính trị và các sự kiện địa chính trị mà không thể dự đoán chính xác. Tuy nhiên, có ba kịch bản có khả năng xảy ra, định hình mối quan hệ kinh tế - thương mại giữa EU và Mỹ.

Kịch bản thứ nhất (nhiều khả năng hơn): Thương mại Mỹ-châu Âu sẽ được tăng cường. Ngay cả trong trường hợp ông Trump được bầu làm tổng thống Mỹ tiếp theo, kịch bản có khả năng xảy ra nhất có vẻ là thương mại Mỹ - EU sẽ mạnh lên. Trong một thế giới lý tưởng, điều này có thể xảy ra cùng với mối quan hệ thương mại được cải thiện với Trung Quốc và các quốc gia không phải phương Tây khác như Ấn Độ và Nga. Nhưng, nếu căng thẳng địa chính trị tiếp tục, châu Âu rất có thể sẽ đứng về phía Mỹ, điều này ngụ ý có sự tách khỏi của EU đối với Trung Quốc và các quốc gia không phải phương Tây khác và củng cố mối quan hệ thương mại và hợp tác xuyên Đại Tây Dương.

Kịch bản thứ hai (ít khả năng hơn): Thương mại châu Âu chuyển sang hướng Đông với cái giá phải trả là suy giảm thương mại với Mỹ. Một kịch bản khó xảy ra hơn là EU sẽ định hướng lại về phía Trung Quốc và các quốc gia không phải phương Tây khác, nếu căng thẳng địa chính trị tiếp diễn. Điều này sẽ ngụ ý một sự tách rời dần dần khỏi Mỹ. Với chiều sâu và lợi ích chung của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, có vẻ như rất khó có khả năng các nhà hoạch định chính sách châu Âu sẽ đánh giá thương mại của Trung Quốc là sự thay thế vượt trội hơn cho thương mại của Mỹ, mặc dù có rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác trong thương mại với Trung Quốc. Một sự rút lui dần dần của sự hiện diện của Mỹ trên trường địa chính trị, như một số chuyên gia tin là kết quả có thể xảy ra nếu cựu Tổng thống Trump tái đắc cử vào tháng 11/2024, có thể làm tăng khả năng dẫn đến kịch bản này.

Kịch bản cuối cùng ( ít có khả năng xảy ra nhất): Hoạt động thương mại ngoài châu Âu của EU sẽ cạn kiệt. Có một số động lực chống lại thương mại quốc tế và toàn cầu hóa từ bên trong EU. Nếu những động lực này có thêm sức hút, thương mại ngoài châu Âu của EU có thể sẽ cạn kiệt trên diện rộng. Những động lực này được củng cố bởi những lo ngại về tác động của biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, có vẻ như những động lực này sẽ không ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách, vì một phần đáng kể của cải của châu Âu phụ thuộc vào thương mại quốc tế. Các thành viên của EU và dân số ngày càng tăng của khối này dường như không muốn chấp nhận sự suy giảm đáng kể về mức sống của họ, điều này sẽ là kết quả của chủ nghĩa bảo hộ gia tăng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục