Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2018: Các thí sinh bình tĩnh lựa chọn nghề nghiệp tương lai

08:02' - 17/07/2018
BNEWS Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phổ điểm thi THPT quốc gia năm 2018, nhiều trường đại học, cao đẳng trên cả nước đã công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với các ngành, nhóm ngành đào tạo.
Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường. Ảnh: Phương Vy/TTXVN.

Đây là thời điểm các thí sinh cần bình tĩnh, xem xét kỹ lưỡng các điều kiện để lựa chọn đúng ngành học, trường mà mình mong muốn. Trong trường hợp, cánh cửa đại học không phải là đích đến, các em có thể cân nhắc, lựa chọn hướng đi khác cho nghề nghiệp tương lai. 

Lựa chọn ngành nghề phù hợp năng lực

Tiến sĩ Trương Tiến Tùng, Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội chia sẻ: Khác với lần chọn ngành, trường khi đăng ký xét tuyển vào tháng 4 (trước khi tham dự kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018), lần này, thí sinh đã có đủ thông tin, đặc biệt là kết quả thi để giải bài toán tương lai. Do đó, các em cần cân nhắc để có đáp số đúng về năng lực bản thân, về nhu cầu của thị trường lao động... 

Theo Tiến sĩ Trương Tiến Tùng, thí sinh cần sử dụng các phương pháp phân tích để có kết quả tối ưu. Thứ nhất, các em cần suy nghĩ vị trí việc làm (mức thu nhập, điều kiện làm việc) trong tương lai để chọn: khối hành chính; khối sản xuất, kinh doanh, từ đó sẽ tìm ngành tương ứng theo học đại học . Một nghề có thể học nhiều ngành.

Thứ hai, các em căn cứ kết quả thi để xác định chọn hướng nghiên cứu hay ứng dụng, từ đó chọn được danh sách các trường phù hợp.

Khi đã chọn được trường, cần so sánh về nhiều yếu tố như : chất lượng, học phí, học bổng, tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp. Vì lần này là lần duy nhất để điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển nên các em và gia đình phải thực sự cân nhắc, tránh chạy theo thị hiếu.

Đưa ra lời khuyên với các thí sinh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng: Cơ hội vào đại học của các em năm nay thực ra rất nhiều.

Vấn đề là các em có chọn được đúng ngành nghề mong muốn hay không? Giờ muốn vào đại học thì dễ nhưng chọn được ngành nghề, trường học mình yêu thích để sau này có cơ hội xin việc làm mới là quan trọng. Do đó các em cần cân nhắc thật kỹ.

Các em cần căn cứ vào điểm thi, điểm xét tuyển của những năm trước. Dự báo so với năm 2017, năm nay điểm chuẩn của các trường sẽ giảm khoảng 3 điểm. Vì vậy, việc đầu tiên là các em phải dựa trên ngành nghề yêu thích, sở trường của các em.

Nếu ngành mình thích nhưng điểm đầu vào lại cao, không đủ điểm để vào thì các em sẽ phải cân đối giữa sở thích, nguyện vọng với năng lực hiện có (căn cứ vào số điểm thực tế). Thứ hai là phải căn cứ vào điểm và tình hình xét tuyển của các trường.

Hiện nay, thông tin về tuyển sinh của các trường khá rõ ràng, minh bạch; đặc biệt, công tác tư vấn tuyển sinh được các trường rất quan tâm, chú trọng. Vì thế, các em có thể tham khảo, nghiên cứu kỹ lưỡng, sau đó mới xem xét thay đổi nguyện vọng hoặc đăng ký bổ sung, chọn các nguyện vọng phù hợp nhất với bản thân.

Ví dụ: Các em thích ngành công nghệ thông tin, hiện nay có rất nhiều trường tốp cao đào tạo ngành này. Vì vậy, các em có thể chọn ngành mình thích nhưng ở các trường khác nhau để đăng ký xét tuyển.

Nhiều học sinh hiện nay không dành thời gian để nghiên cứu nghề nghiệp; nhiều học sinh không biết mình thích gì và không thích gì, nhiều em chưa đủ chín chắn để quyết định đúng.

Do đó, điều quan trọng với học sinh là hiểu nhiều hơn về bản thân, về mối quan tâm riêng của mình để đặt mối quan hệ với con đường nghề nghiệp. Học sinh phải hiểu rằng việc lựa chọn lĩnh vực học tập ở đại học là không ngẫu nhiên, không phải là may mắn mà là đầu tư về thời gian, nỗ lực, tài chính của gia đình.

Đại học không phải con đường duy nhất

Vào đại học có thể là một khởi đầu thuận lợi cho tương lai của mỗi người nhưng nếu trượt đại học cũng không đồng nghĩa với mọi cánh cửa thành công sẽ đóng lại. Đây có thể là cơ hội để các thí sinh đưa ra quyết định quan trọng với tương lai phía trước.

Khi biết kết quả thi, nhiều em rơi vào trạng thái tâm lý tiêu cực, đau khổ, thất vọng, thậm chí có những em bị trầm cảm… Đó là điều dễ hiểu khi các em và gia đình đã kỳ vọng quá nhiều. Những trạng thái tâm lý này là do các em đã nhìn nhận vấn đề quá tiêu cực.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý Giáo dục, Trường Đại học Kinh tế quốc dân từng đưa ra lời khuyên: Các em học sinh cần bình tĩnh và suy nghĩ tích cực, cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra, trượt đại học không phải là thảm họa, có nhiều con đường khác dẫn đến thành công, không chỉ vào đại học.

Hoặc nếu các em vẫn muốn tiếp tục theo đuổi nguyện vọng ban đầu thì hãy kiên trì ôn luyện cho mùa thi năm sau.

Theo Giáo sư Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam: Nhiều năm gần đây, sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, hầu hết học sinh đều đua nhau vào đại học, nhiều người còn gọi là “phổ cập đại học”.

Trong khi đó, phần “trống” là giáo dục nghề nghiệp - nơi cung cấp nguồn nhân lực là công nhân lành nghề, phục vụ sản xuất trong giai đoạn hội nhập, cạnh tranh hiện nay.

Dẫu biết đại học không phải con đường duy nhất để lập nghiệp và cũng không phải tiêu chuẩn để đánh giá mức độ thành công của mỗi người, nhưng việc con thi trượt đại học lại khiến một số phụ huynh rất sốc.

Thay vì an ủi, động viên con, họ đã mắng mỏ, trách cứ con thậm tệ. Điều đó đã, đang và sẽ tạo ra những áp lực tinh thần lớn với các em.

Trên thực tế, nhiều sinh viên ra trường không có việc làm do không đáp ứng được yêu cầu của công việc, kém chuyên môn, yếu kỹ năng.

Để giải cứu mình, không ít cử nhân đã giấu bằng đại học để tìm kiếm cơ hội việc làm. Học sinh và phụ huynh cần nhìn thẳng vào hiện thực đang diễn ra, đỗ đại học không đồng nghĩa với việc sẽ thành công.

Khi con thi trượt đại học, các phụ huynh không nên "đao to búa lớn", gây áp lực vì sẽ làm cho con càng buồn, tổn thương đến tâm lý, thậm chí có thể dẫn đến những hành động tiêu cực đáng tiếc.

Cha mẹ tâm lý cần chia sẻ, động viên khi con chưa đủ điểm vào đại học, giúp con thoát khỏi nỗi buồn, thất vọng, coi đó chỉ là thất bại tạm thời.

Hãy giúp con có niềm tin rằng khi một cánh cửa đóng lại sẽ có một cánh cửa khác mở ra. Và chính các em, cần chủ động hơn trong việc xác định những con đường khác và có trách nhiệm hơn với lựa chọn của mình./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục