Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường

16:09' - 18/10/2023
BNEWS Khi áp dụng đồng bộ các kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường sẽ giảm đến 38,4% phát thải khí nhà kính so với canh tác truyền thống.

Sáng 18/10, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo Tổng kết dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam”.

Theo ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, tình trạng biến đổi khí hậu và việc sản xuất nông nghiệp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là việc giảm khí thải nhà kính trong sản xuất đã và đang là vấn đề cấp bách.

Ông Lương Quốc Đoàn đánh giá, ngoài góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính, dự án còn nâng cao thu nhập cho người nông dân, làm gia tăng giá trị trên mỗi đơn vị diện tích đất nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe cho chính những người nông dân và cộng đồng, từng bước xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Chia sẻ kết quả dự án, ông Mai Bắc Mỹ - Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam – Giám đốc Ban Quản lý dự án cho biết, sau hơn 3 năm triển khai, đến nay đã có hơn 633.000 hộ nông dân với hơn 2,5 triệu nông dân tại 24 tỉnh thành tham gia dự án đang áp dụng ít nhất một kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường trên diện tích hơn 314.000 ha. 

Số lượng nông dân áp dụng cả 3 kỹ thuật tăng gấp 4 lần trên diện tích tăng gấp 6 lần so với trước khi thực hiện dự án. Một số tỉnh có diện tích nhân rộng lớn như: An Giang, Bắc Giang, Ninh Bình, Ninh Thuận, Kiên Giang...

Ở một số địa phương, những hiệu ứng tích cực từ việc triển khai hiệu quả dự án đã thu hút sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền địa phương thể hiện ở việc bố trí ngân sách tỉnh để hỗ trợ, mở rộng dự án. Điển hình như, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã vận đông thành công hơn 1,6 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh để xây dựng nhân rộng 50 mô hình trên diện tích hơn 200 ha với hơn 1.200 hộ tham gia.

100% các nông dân tham gia dự án đã cắt giảm từ 20 -100% phân đạm hóa học, giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất và nâng cao thu nhập. Tỷ lệ nông dân đốt rơm rạ giảm đáng kể ở các tỉnh tham gia dự án; có nơi tỷ lệ không đốt rơm rạ đạt đến 80%.

Tác động của dự án đã làm thay đổi nhận thức và thói quen canh tác của hội viên, nông dân theo hướng thân thiện với môi trường. Việc áp dụng đồng bộ các kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường giúp giảm đến 38,4% phát thải khí nhà kính so với canh tác truyền thống, ông Mai Bắc Mỹ cho hay.

Nhằm xây dựng tính bền vững, các hoạt động kết nối thị trường được thực hiện dưới nhiều hình thức. Sản phẩm gạo canh tác lúa thân thiện với môi trường đã tham gia giới thiệu tại Hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế AgroViet 2023, dự kiến vào tháng 12 tới là Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam được tổ chức tại tỉnh Hậu Giang. Ngoài ra, Hội Nông dân các tỉnh, thành phố cũng rất quan tâm kết nối tiêu thụ và làm thương hiệu cho sản phẩm gạo của dự án.

Bên cạnh những thuận lợi, dự án còn gặp một số khó khăn trong quá trình triển khai. Theo đó, hiện nay ở Việt Nam, chưa có tiêu chuẩn để chứng nhận sản phẩm được sản xuất theo phương pháp thân thiện với môi trường. Thời tiết ở một số địa phương không thuận lợi làm ảnh hưởng đến việc triển khai dự án và xây dựng mô hình. Một số nơi không chủ động được nguồn nước nên quá trình điều tiết nước gặp khó khăn, ảnh hưởng đến việc áp dụng kỹ thuật tưới nước ướt khô xen kẽ. 

Tình trạng manh mún về ruộng đất ở một số địa phương khiến việc nhân rộng gặp khó khăn. Hay một bộ phận người dân còn ngại thay đổi, chưa mạnh dạn tham gia dự án…

Để tăng thêm tính bền vững trong sản xuất lúa thân thiện với môi trường, ông Mai Bắc Mỹ đề nghị, doanh nghiệp tham gia liên kết với nông dân, bao tiêu sản phẩm xanh, thân thiện mội trường. Các bộ, ngành xây dựng, ban hành tiêu chuẩn sản phẩm nông nghiệp thân thiện môi trường để giúp chứng nhận sản phẩm, góp phần tăng giá trị cho sản phẩm.

Dự án được triển khai từ năm 2020 tại 24 tỉnh, thành phố thông qua hệ thống Hội Nông dân các cấp, với sự tài trợ của Tổ chức EarthCare Foundation. Dự án đề ra 3 mục tiêu cụ thể: hỗ trợ kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường cho nông dân trồng lúa; nâng cao nhận thức của nông dân, người tiêu dùng và các bên liên quan về lợi ích của phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường; giúp đỡ nông dân quảng bá về sản phẩm canh tác lúa thân thiện với môi trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục