Tỷ lệ lợn truy xuất nguồn gốc vào các chợ đầu mối tăng

13:39' - 18/10/2017
BNEWS Tỷ lệ lợn cung ứng vào thị trường thành phố qua hai chợ đầu mối được truy xuất nguồn gốc đã có chuyển biến tích cực.

Ngày 18/10, tại buổi họp báo công bố thông tin sau 3 ngày triển khai kiên quyết không cho phép thịt lợn không đeo vòng nhận diện và không có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc theo quy định của Đề án được nhập hai chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, Bình Điền, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, tỷ lệ lợn cung ứng vào thị trường thành phố qua hai chợ đầu mối được truy xuất nguồn gốc đã có chuyển biến tích cực.

Tiểu thương bán thịt heo có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc tại chợ đầu mối Hóc Môn. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN

Cụ thể, nếu trong ngày đầu tiên 16/10, 100% lợn vào chợ Bình Điền không có thông tin truy xuất, 22% lợn vào chợ Hóc Môn có đầy đủ thông tin, thì tỷ lệ này đã tăng dần trong những ngày qua. Đồng thời, tính đến ngày 18/10 tại chợ Bình Điền là 6%, chợ Hóc Môn 76%.

Bên cạnh đó, thống kê trên toàn thị trường Tp. Hồ Chí Minh, số lượng lợn được kích hoạt cung cấp thông tin truy xuất nguồn gốc tại cơ sở chăn nuôi trong ngày 18/10 đã lên đến 95%, tại cơ sở giết mổ là 86% và có đầy đủ thông tin truy xuất tại các chợ đầu mối là 59%.

Lý giải nguyên nhân tỷ lệ kích hoạt cung cấp thông tin truy xuất nguồn gốc tại hai chợ đầu mối có sự chênh lệch lớn, ông Tsàn A Sìn, Phó giám đốc chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền cho rằng, mặc dù tham gia ngay từ đầu nhưng hiện nay chợ Bình Điền vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn.

Trong đó, chợ Bình Điền tiếp nhận nguồn cung mặt hàng thịt lợn chủ yếu từ miền Tây, có đặc thù chăn nuôi nhỏ lẻ, thương lái mua gom ở từng hộ chăn nuôi. Do đó, bản thân các hộ chăn nuôi lúng túng không biết địa chỉ mua vòng, không quen sử dụng phần mềm và cả một số nơi sóng wifi hạn chế…

Mặt khác, một số lò mổ ở tỉnh Long An chưa phối hợp, lực lượng Thú y tại chỗ không kích hoạt thông tin vào vòng truy xuất. Cũng có trường hợp thương lái đưa lợn về lò mổ ở tỉnh Long An giết mổ, gắn vòng truy xuất nguồn gốc từ miền Đông, nhưng thực chất là lợn thu gom từ miền Tây.

Trước tình hình trên, Ban quản lý chợ Bình Điền đã tập hợp danh sách những cơ sở giết mổ này gửi Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, để cùng sở và các đơn vị liên quan hỗ trợ giải quyết.

Bên cạnh đó, hiện các thương lái ở chợ Bình Điền còn gặp khó khăn trong khâu thực hành, thao tác theo quy trình nên đề nghị Hội Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh hỗ trợ tập huấn thêm cho các thương lái, lò mổ vì hạ tầng, kỹ năng ở miền Tây còn hạn chế.

Hiện Ban quản lý các chợ đang phối hợp với các sở ngành thực hiện nhiều giải pháp nghiệp vụ nhằm gia tăng tỷ lệ lợn có truy xuất nguồn gốc cung ứng vào thị trường Tp. Hồ Chí Minh.

Điển hình, Ban quản lý chợ đầu mối Hóc Môn chủ động phát loa biểu dương các thương nhân thực hiện tốt Đề án, yêu cầu các thương nhân chưa thực hiện ký cam kết trong vòng 3 ngày tới khẩn trương phải thực hiện quy trình của Đề án.

Còn chợ Bình Điền thì thời gian kéo hơn là 5 ngày để thương nhân thực hiện quy định của Đề án.

Theo quy trình Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn của Tp. Hồ Chí Minh, lợn vào hai chợ đầu mối phải có đầy đủ thông tin kích hoạt qua năm khâu gồm: chủ cơ sở giết mổ kích hoạch, thú y kiểm tra và kích hoạt trước khi xuất trại, thú y tại cơ sở giết mổ kích hoạt cho vào, cơ sở giết mổ kích hoạt xác nhận giết mổ tại cơ sở mình, thú y kích hoạt xác nhận khi lợn ra khỏi cơ sở giết mổ và kích hoạt khi vào chợ đầu mối.

Nếu bỏ qua một trong các khâu thì vào đến chợ đầu mối vẫn xem là lợn chưa được truy xuất nguồn gốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục