Uber Technologies, Rakuten Group hợp tác trong mảng giao đồ ăn

08:32' - 19/04/2022
BNEWS Uber Technologies sẽ hợp tác với công ty thương mại điện tử Nhật Bản Rakuten Group trong hoạt động kinh doanh giao đồ ăn của Uber.

Uber Technologies cho biết sẽ hợp tác với công ty thương mại điện tử Nhật Bản Rakuten Group trong hoạt động kinh doanh giao đồ ăn của Uber, một động thái có thể sẽ làm sôi động hơn cuộc đua trong lĩnh vực giao hàng ở Nhật Bản.

 

Từ cuối tháng 4/2022, người dùng Uber Eats- ứng dụng giao đồ ăn của Uber- có thể thanh toán cho các đơn đặt hàng bằng thẻ tín dụng được liên kết với tài khoản Rakuten của họ.

Họ có thể kiếm được Rakuten Points, một chương trình tích điểm thưởng do Rakuten Group điều hành, cũng như sử dụng điểm đó để thanh toán các giao dịch. Người dùng cũng sẽ có thể đăng ký Uber Eats bằng chính tài khoản Rakuten của mình.

Giám đốc điều hành Uber, Dara Khosrowshahi cho biết mối quan hệ ràng buộc này là kết quả của nhiều năm đàm phán giữa ông và Giám đốc điều hành Rakuten Hiroshi Mikitani.

Từ năm 2021, Rakuten là nhà đầu tư lớn vào Lyft, đối thủ gọi xe công nghệ của Uber tại Mỹ, nhưng ông Mikitani đã từ chức thành viên hội đồng quản trị của Lyft vào năm 2020.

Rakuten năm ngoái đã chuyển giao hoạt động giao đồ ăn của mình cho Gurunavi, một trang web đặt chỗ nhà hàng của Nhật Bản mà Rakuten đang là cổ đông. Động thái này báo hiệu rằng Rakuten đang thu hẹp tham vọng xây dựng doanh nghiệp giao hàng của riêng mình.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh thị trường giao đồ ăn của Nhật Bản đang ngày càng cạnh tranh gay gắt. Đối thủ lớn nhất của Uber, Demae-can hồi tuần trước cho biết khoản lỗ ròng của họ trong giai đoạn từ tháng 9/2021 đến tháng 2/2022 đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, từ 9,8 tỷ yen (77 triệu USD) lên 22,9 tỷ yen. Tuy nhiên, doanh thu của Demae-can cũng tăng gấp đôi lên 22,7 tỷ yen.

Uber Eats bắt đầu hoạt động tại Nhật Bản vào năm 2016 và đã dẫn đầu trong lĩnh vực giao đồ ăn thông qua ứng dụng trong đại dịch COVID-19, với việc liên kết với khoảng 150.000 cửa hàng và 100.000 nhân viên giao hàng (shipper).

Nhật Bản là một trong những thị trường kinh doanh giao đồ ăn lớn nhất của Uber ở châu Á. Công ty đã bán lại đơn vị kinh doanh của mình ở Ấn Độ và đóng cửa dịch vụ giao đồ ăn ở Hàn Quốc và Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc).

Năm nay, lĩnh vực kinh doanh giao đồ ăn ở Nhật Bản có thể sẽ gặp nhiều thách thức sau khi Tokyo và các thành phố lớn khác dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 trước kỳ nghỉ “Tuần lễ vàng” bắt đầu vào cuối tháng này.

Yukiko Muto, Chủ tịch Uber Eats Japan, cho biết tốc độ tăng trưởng của công ty có thể chậm lại nhưng nhấn mạnh rằng tiềm năng kinh doanh vẫn còn lớn vì mức độ thâm nhập của các công ty giao đồ ăn ở Nhật Bản vẫn còn thấp.

Đối với Rakuten, việc hợp tác với Uber là cơ hội để thu hút người dùng tham gia vào hệ sinh thái các dịch vụ trực tuyến của họ khi cuộc chiến thanh toán số đang “nóng” lên ở Nhật Bản.

Rakuten là công ty phát hành thẻ tín dụng lớn nhất Nhật Bản với 25 triệu thẻ, nhưng đang “chạy sau” hệ thống PayPay của SoftBank Group trong thanh toán bằng mã QR, vốn đang được phổ biến rộng rãi trong các cửa hàng bán lẻ.

PayPay, đã nhanh chóng giành được thị phần thông qua các chương trình khuyến mãi lớn và cắt giảm phí cho người bán. PayPay đang nỗ lực để đạt lợi nhuận trước khi công ty này phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

Theo một cuộc khảo sát của công ty nghiên cứu tiếp thị Nhật Bản MMDLabo, Rakuten Pay là ứng dụng thanh toán bằng mã QR phổ biến thứ hai tại quốc gia này, với 16,7% người được hỏi cho biết họ sử dụng ứng dụng đó thường xuyên nhất. Trong khi PayPay dẫn đầu với 45,4% thị phần./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục