Ùn ứ nông sản tại cửa khẩu chỉ là vấn đề đột biến

17:27' - 07/06/2022
BNEWS Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu chỉ là vấn đề đột biến, xảy ra trong thời gian ngắn.
Chiều 7/6, tại hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Vấn đề cử tri rất lo lắng về tình trạng ùn tắc hàng nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu khu vực phía Bắc, gây nên rất nhiều khó khăn, tốn kém rất lớn, ảnh hưởng nhiều đến nền sản xuất nông nghiệp.

Theo đó, một trong những nguyên nhân là do chính sách nhập khẩu liên quan đến tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa nông sản phía Trung Quốc có nhiều thay đổi, đòi hỏi chất lượng nhập khẩu ngày càng cao hơn, yêu cầu đáp ứng các tiêu chuẩn như các nước châu Âu và Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, ùn ứ nông sản tại cửa khẩu chỉ là vấn đề đột biến, xảy ra trong thời gian ngắn.

Nguyên nhân vấn đề do sự kiểm soát dịch bệnh phía Trung Quốc khác với Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc ngày càng khó tính, trong khi nông dân Việt Nam vẫn quen đây là thị trường dễ tính. Trung Quốc đang siết chặt chất lượng nông sản, vệ sinh an toàn thực phẩm trong khi nông dân chậm thay đổi, tất nhiên có trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương.

Thời gian tới, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cần tổ chức lại ngành hàng sản xuất, tổ chức thị trường từ đó thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp thì mới giúp người nông dân để nâng cao chất lượng hàng nông sản, nâng cao giá trị nông sản và qua đó để tăng cường xuất khẩu và xây dựng một nền xuất khẩu bền vững.

Song song đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Bộ Ngoại giao cũng xây dựng dự thảo thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc để chuyển dần xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Hiện nay, hàng hóa của Việt Nam chủ yếu trao đổi với cư dân biên giới, muốn chuẩn hóa để đi sâu vào nội địa, thị trường cấp cao hơn của Trung Quốc còn rất nhiều giải pháp để chuẩn hóa lại.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, từ tư duy nông nghiệp truyền thống sang tư duy hàng hoá, tiếp là tư duy kinh tế cần thời gian rất dài.

Về phía Bộ Công Thương đang tập trung vào các giải pháp khuyến khích vùng trồng, vùng nuôi; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thông tin thị trường, định hướng hiệp hội ngành hàng tổ chức sản xuất, bán cái thị trường cần chứ không bán cái doanh nghiệp có. Cùng với đó thuận lợi hoá, đàm phán các thủ tục đưa hàng hoá vào thị trường thế giới và khai thác hiệp định tự do mà Việt Nam đã ký kết; tổ chức phân phối thương mại theo hướng hiện đại….

Để tăng cường nông sản xuất khẩu chính ngạch, Bộ Công Thương cũng đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương để có phương án trình Chính phủ về Đề án xuất khẩu qua biên giới theo chính ngạch; trước đó, Chiến lược xuất nhập khẩu đã được Bộ Công Thương trình Chính phủ xem xét vừa qua.

Thực tế, nông sản Việt Nam hoàn toàn có thể bán ra thị trường thế giới. Cơ hội của nông sản Việt cũng rất rộng lớn khi Việt Nam là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do. Hiện nông sản Việt cũng đã được xuất vào các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục