Ứng dụng công nghệ cao, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp thông minh

08:23' - 29/06/2021
BNEWS Tỉnh Cao Bằng quyết tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đưa nông nghiệp công nghệ cao trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế.

Là một tỉnh miền núi, điều kiện sản xuất nông nghiệp khó khăn, trình độ sản xuất của người dân còn thấp so với cả nước, nhưng lãnh đạo tỉnh Cao Bằng quyết tâm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đưa nông nghiệp công nghệ cao trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế.

Ông Bế Xuân Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Bằng cho biết, để tìm luận cứ cho chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phốiq6 hợp với các sở, ban ngành, địa phương tổ chức nhiều mô hình ứng dụng, thử nghiệm các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại, những giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao tại địa phương.

Qua đó đã xác định được một số loại giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất và hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện của từng vùng.

Với những thành công từ mô hình thử nghiệm, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm phát triển nông nghiệp thông minh theo hướng sản xuất hàng hoá đặc hữu gắn với chế biến nhằm xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, hướng đến xuất khẩu ra thị trường trong và ngoài nước.

Để đạt mục tiêu đó, tỉnh phải áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, bao gồm tất cả các khâu trong quy trình sản xuất như: canh tác, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển, chế biến và quảng bá sản phẩm…

Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Cao Bằng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đầu tư vào nông nghiệp thông minh, khuyến khích các mô hình khởi nghiệp…

Theo đó, tỉnh đã ban hành và thực hiện khá tốt Nghị quyết số 20/2019/NQ-HĐND về chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Các nội dung của chính sách tập trung vào hỗ trợ đất đai, tín dụng, nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực…

Đặc biệt, Cao Bằng đã thu hút được Tập đoàn TH xây dựng dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại huyện Quảng Hoà với quy mô 10.000 con bò sữa, tổng vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng.

Cùng với đó, hiện nay, một số dự án nông nghiệp của tỉnh đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tạo ra các sản phẩm chất lượng cung cấp cho thị trường. Điển hình như: mô hình nuôi cấy đông trùng hạ thảo của Công ty TNHH Kolia, mô hình công nghệ tưới nước tiết kiệm trồng hoa ly của doanh nghiệp tư nhân xây dựng Quang Vinh; mô hình cấy mô trồng thạch hộc của Công ty TNHH công nghệ sinh học Ngân Hà...

Thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đội ngũ kỹ thuật, người sản xuất tiếp cận, nắm bắt các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; đồng thời, tạo ra các sản phẩm năng suất, chất lượng ra thị trường, từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp thông minh trên địa bàn tỉnh.

Đối với vấn đề cơ giới hóa nông nghiệp, nếu năm 2014, tỷ lệ sử dụng máy móc trong khâu làm đất của ngành nông nghiệp Cao Bằng đạt 56,83%, khâu thu hoạch chỉ 20,87% thì đến đến năm 2020 tỷ lệ này với khâu làm đất đạt 76,34%; khâu thu hoạch 51,81%; khâu chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật đạt 65%.

Cùng với đó, Cao Bằng cũng đang tích cực áp dụng khoa học công nghệ vào các khâu vận chuyển, truy suất nguồn gốc nông sản, quảng bá thông tin sản phẩm, đăng ký nhãn mãc, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Các thông tin về nông sản được đăng tải tại các trang chợ điện tử, thu hút được nhiều hơn sự quan tâm của người tiêu dùng...

Từ những hoạt động trên, ngành nông nghiệp tỉnh Cao Bằng đã có nhiều thay đổi tích cực. Năng lúa đạt 44,78 tạ/ha, ngô đạt 35,22 tạ/ha; tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2020 đạt 281 nghìn tấn, vượt 11% kế hoạch.

Ngành chăn nuôi tiếp tục phát triển, tạo ra được nhiều giống vật nuôi năng suất, chất lượng tốt, mang lại giá trị sản xuất cao góp phần nâng cao thu nhập từ sản xuất nông nghiệp cho người dân, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Biến nông nghiệp sản xuất thủ công, lạc hậu trở thành nông nghiệp công nghệ cao - đó là một hành trình dài, đầy gian nan thử thách. Tuy nhiên, với sự quyết tâm, quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, ngành nông nghiệp Cao Bằng đã và đang có những bước đi đầu tiên vững chắc, tạo tiền đề cho những chuyển biến, tăng tốc trong tương lai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục