Ứng dụng công nghệ trong quản lý các dự án hạ tầng giao thông

22:45' - 22/12/2022
BNEWS Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành. Qua đó đảm bảo tính minh bạch trong quản lý dự án.

"Ban Quản lý dự án Thăng Long cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý các dự án đầu tư hạ tầng giao thông" là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ban Quản lý dự án Thăng Long diễn ra chiều 22/12 tại Hà Nội và 3 đầu cầu trực tuyến từ các dự án.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Thọ ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Ban Quản lý dự án Thăng Long khi đã vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2022, đặc biệt là 2 dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 và Phan Thiết Dầu Giây thi công trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp và khó khăn về giá nhiên vật liệu tăng cao cùng với đó là thời tiết bất lợi mưa nhiều, nguồn vật liệu đất đắp khan hiếm…Tuy nhiên đến thời điểm này, cơ bản đã yên tâm phần nào về tiến độ 2 dự án  cao tốc trên.

Cao tốc Băc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 do Ban Quản lý dự án Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư đang nước rút về đích. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, Ban Quản lý dự án Thăng Long là đơn vị có bề dày lịch sử truyền thống, quy mô lớn và quản lý dự án chuyên nghiệp của Bộ Giao thông Vận tải. Mặc dù thời gian qua, Ban Quản lý dự án Thăng Long có sự thay đổi mạnh mẽ nhưng với những yêu cầu mới thì cần phải thay đổi mạnh mẽ hơn nữa. Đặc biệt là phải xây dựng thương hiệu của Ban chuyên nghiệp từ con người đến cách thức quản lý dự án.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành, ác dự án. Trong đó lưu ý xây dựng các quy trình, quy phạm, phần mềm đảm bảo hạn chế tối đa việc tác động của con người vào quá trình quản lý vận hành, qua đó đảm bảo tính minh bạch trong quản lý dự án. Qua đó, nâng cao được chất lượng công trình các dự án hạ tầng giao thông.

Hiện tại Ban quản lý dự án Thăng Long được giao triển khai nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông; trong đó có hai dự án thành phần là Mai Sơn – Quốc lộ 45 và Phan Thiết – Dầu Giây sẽ thông xe kỹ thuật vào ngày 31/12/2022 và đưa vào khai thác dịp 30/4/2023.

Theo báo cáo của 2 Ban điều hành dự án, Dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 dài 63,4 km, sử dụng vốn đầu tư công, được khởi công tháng 9/2020, kế hoạch hoàn thành tháng 12/2022. Tính đến thời điểm hiện tại, sản lượng thực hiện của dự án này ước đạt đạt trên 80% giá trị hợp đồng.

Dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km, được khởi công tháng 9/2020, kế hoạch hoàn thành tháng 12/2022. Sản lượng thực hiện tính đến ngày 21/12/2022 đạt khoảng 72% giá trị hợp đồng.

Theo lãnh đạo Phòng Kế hoạch Tổng hợp (Ban Quản lý dự án Thăng Long), dự kiến đến hết ngày 31/1/2023 (hết năm tài chính của năm 2022), Ban Quản lý dự án Thăng Long sẽ đạt kết quả giải ngân khoảng 12.630 tỷ đồng đạt 97,1% kế hoạch vốn được giao.

Trong năm 2023, Ban Quản lý dự án Thăng Long sẽ triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm. Trong đó, có 2 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 (2021-2025) là Bãi Vọt – Hàm Nghi và Hàm Nghi – Vũng Áng. Cùng với đó là dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú theo hình thức hợp tác công tư (PPP), xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ trên Quốc lộ 37B (Nam Định) và xây dựng 2 đơn nguyên cầu đô thị và tổ chức nút giao Mai Dịch (Hà Nội)…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục