Ứng dụng khoa học tạo đột phá về năng suất chất lượng sản phẩm

07:48' - 22/12/2023
BNEWS Trên địa bàn Ninh Thuận có nhiều mô hình, dự án ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất cho hiệu quả cao. Điển hình như cây nho là loại cây trồng đặc thù của tỉnh với diện tích hơn 1.000 ha.

Tỉnh Ninh Thuận đang tập trung chỉ đạo các địa phương, ngành nông nghiệp và các đơn vị liên quan tích cực phối hợp, vận động nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho giá trị kinh tế cao, ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất để tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển nền nông nghiệp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.

* Kết quả và kinh nghiệm sản xuất

Nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất, nhiều nông hộ tại tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác, tưới tiết kiệm nước. Ông Châu Thành Bá (đồng bào Chăm, xã An Hải, huyện Ninh Phước) cho hay, vùng đất cát thôn Tuấn Tú chỉ toàn nắng và gió rất khó sản xuất. Được địa phương và hợp tác xã vận động, gia đình ông đã chuyển sang trồng 3 sào (3.000 m2) cây măng tây xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, kết hợp lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm nhỏ giọt ứng phó với khô hạn.

Chi phí đầu tư ban đầu gồm giống cây, vật tư trồng 1 sào măng tây xanh khoảng 50 triệu đồng. Tưới nước tiết kiệm không tốn nước như tưới tràn trước đây, vào mùa khô không sợ thiếu nước, tưới vừa đủ cho ẩm cho đất nên có thể khai thác hết toàn bộ đất sản xuất. Đất đai cũng không cần san bằng nhiều, chỉ cần lắp đường ống là tưới nên không tốn nhiều công lao động.

 
Ông Châu Thành Bá chia sẻ thêm, cây măng tây trồng đến tháng thứ 9 cho thu hoạch, đến tháng thứ 15 sẽ lấy lại vốn đầu tư ban đầu. Cây măng tây xanh cho thu hoạch liên tục trong vòng 3 tháng rồi nghỉ 1 tháng để dưỡng cây, trồng một lần có thể cho thu hoạch liên tục trong vòng 7 đến 8 năm. Nếu chăm sóc tốt, mỗi ngày có thể thu hoạch từ 15 – 20 kg măng tây xanh/sào. Hiện nay, với 3 sào măng tây xanh, mỗi ngày gia đình ông Bá thu hoạch bình quân khoảng 50 kg, Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Tuấn Tú bao tiêu thu mua với giá 50.000 đồng/kg, cho thu nhập 2,5 triệu đồng/ngày.

Ông Hùng Ky, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú (xã An Hải, huyện Ninh Phước) cho hay, từ vùng đất cát hoang hóa khó sản xuất, bà con mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây măng tây xanh ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm. Cách tưới tiết kiệm giúp tiết giảm từ 30–60% lượng nước so với phương pháp tưới truyền thống. Ngoài ra, có thể kết hợp bón phân, thuốc bảo vệ thực vật qua hệ thống tưới, giúp giảm chi phí sản xuất. Nhờ mô hình tưới nước tiết kiệm có thể mở rộng sản xuất trên các vùng đất cát bạc màu, góp phần hạn chế quá trình hoang mạc hóa đất đai.

Hợp tác xã hiện có 84 thành viên tham gia liên kết sản xuất cây măng tây xanh theo mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích gần 40 ha. Sản phẩm được hợp tác xã, doanh nghiệp bao tiêu thu mua với giá bình quân 50.000 đồng/kg, cho thu nhập rất ổn định. Từ hiệu quả mang lại, các hộ dân đang nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm trên một số loại cây trồng như hành, rau mùi, lạc và một số hoa màu khác. Mới đây, hợp tác xã được UBND tỉnh công nhận vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao An Hải với tổng diện tích 130 ha.

Thực tế cho thấy, trên địa bàn Ninh Thuận có nhiều mô hình, dự án ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất cho hiệu quả cao. Điển hình như cây nho là loại cây trồng đặc thù của tỉnh với diện tích hơn 1.000 ha, thời gian qua các địa phương đã triển khai áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa công nghệ cao vào sản xuất trồng giống nho mới, giống nho không hạt chất lượng cao, trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng nho trong nhà màng, sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, sử dụng chế phẩm sinh học, quản lý dịch hại cây trồng tổng hợp,...trồng nho công nghệ cao cho thu nhập từ 500-600 triệu đồng/ha/vụ và từ 1 - 1,2 tỷ đồng/ha/năm.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung nhân rộng các mô hình như mô hình kỹ thuật “1 phải 5 giảm” trên cây lúa với diện tích trên 14.000 ha; ứng dụng công nghệ bao lưới chống ruồi vàng vào sản xuất táo trên 868 ha; ứng dụng tưới tiết kiệm nước trên các loại cây trồng với tổng diện tích trên 15.800 ha. Đến nay, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao toàn tỉnh đạt 565 ha, hình thành 15 vùng chuyên canh hướng đến xuất khẩu, thu hút đầu tư 37 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt 938 triệu đồng/ha/năm. Một số mô hình như trồng dưa lưới, nho công nghệ cao, nuôi ốc hương cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/ha/năm.

* Phát triển nông nghiệp bền vững

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với ứng dụng khoa học công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu được tập trung triển khai đạt kết quả tích cực. Ngành nông nghiệp đã có bước phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành cuối năm 2023 ước đạt trên 13.683 tỷ đồng, tăng 4,55% so năm 2022, tỉnh đã giải quyết được căn cơ tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đối với những sản phẩm đặc thù để phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ có giá trị và tính cạnh tranh cao. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có từ 3-5 vùng nông nghiệp công nghệ cao với diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 1.000 ha, có khoảng 30 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoạt động hiệu quả. Sản lượng sản xuất tôm giống đạt trên 50 tỷ con, chủ động sản xuất khoảng 30% tôm thẻ chân trắng bố mẹ và 40% tôm sú bố mẹ; 100% cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và được giám sát an toàn dịch bệnh.

Đại diện Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, để thực hiện mục tiêu đề ra, tỉnh tập trung kêu gọi, thu hút liên kết, hợp tác để các nhà đầu tư hỗ trợ người dân tham gia phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hình thức liên kết công tư, đầu tư tư nhân; phối hợp với các Viện nghiên cứu, Ban quản lý khu Nông nghiệp công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh triển khai các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ tư vấn, chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học và chia sẻ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu mạng lưới liên kết các chuyên gia, đối tác trong lĩnh vực nông nghiệp.

Vừa qua, để thúc đẩy thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tổ chức công bố quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao An Hải, huyện Ninh Phước và vùng sản xuất tôm bố mẹ ứng dụng công nghệ cao Sơn Hải, huyện Thuận Nam giai đoạn 2021 – 2030 có tổng diện tích hơn 205 ha. Đây là cơ hội để doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới.

Cùng đó, ngành nông nghiệp tỉnh triển khai các thủ tục thu hút doanh nghiệp đầu tư dự án sản xuất tôm bố mẹ, đầu tư dự án nuôi biển công nghệ cao vùng biển sâu và đầu tư dự án trồng cây dược liệu công nghệ cao và chuyển giao công nghệ nuôi trồng dược liệu. Đồng thời, đặt hàng cho Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững thuộc hệ thống thủy lợi Tân Mỹ quy mô khoảng 4.000 ha để thu hút đầu tư xây dựng vùng nông nghiệp công nghệ cao kiểu mẫu trong giai đoạn 2024-2025.

Để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường bền vững, thời gian tới tỉnh Ninh Thuận tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ cách hộ dân, cơ sở sản xuất, hợp tác xã đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.

Mặt khác, đẩy mạnh chuyển đổi số đối với hoạt động phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tiếp tục đăng ký, bảo hộ và phát triển nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) liên quan đến sản phẩm thế mạnh, đặc thù của địa phương. Ngoài ra, địa phương tăng cường hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi tư duy sản xuất của người dân để thúc đẩy quá trình đưa khoa học, công nghệ vào sản xuất.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục