Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng hoạt động thống kê

17:29' - 02/09/2018
BNEWS Phóng viên BNEWS/TTXVN đã phỏng vấn Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm về ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông nâng cao chất lượng hoạt động thống kê Nhà nước.
Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Bích Lâm. Ảnh: Thuý Hiền/BNEWS/TTXVN

Ngày 23/11/2015, Quốc hội thông qua Luật Thống kê, đây là căn cứ pháp lý quan trọng để củng cố hoạt động thống kê trong tình hình mới.

Để nâng cao chất lượng hoạt động thống kê, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm chia sẻ, ngành sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông để nâng cao chất lượng hoạt động thống kê Nhà nước, hướng đến hệ thống thông tin quốc gia tích hợp và hiện đại. Để hiểu rõ hơn, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm xung quanh nội dung này.

BNEWS: Sau 2 năm thực hiện Luật Thống kê 2015, xin ông cho biết những kết quả đạt được và những mặt còn hạn chế trong quá trình triển khai thực thi Luật?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Ngày 23/11/2015, Quốc hội thông qua Luật Thống kê, đây là căn cứ pháp lý quan trọng để củng cố hoạt động thống kê trong tình hình mới.

Điểm lại sau hơn 2 năm, thực hiện Luật Thống kê một số kết quả chính đã đạt được, đó là chất lượng thông tin thống kê từng bước được nâng lên phục vụ kịp thời yêu cầu của các cơ quan Đảng, Chính phủ và các địa phương; cơ bản hoàn thiện các văn bản pháp lý thực thi dưới Luật; nhiều đề án nhằm nâng cao chất lượng số liệu thống kê đã được thực hiện; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình sản xuất số liệu thống kê; công tác đổi mới tổ chức thống kê được triển khai có hiệu quả…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được cũng tồn tại một số mặt hạn chế, như ý thức chấp hành Luật Thống kê dù đã được cải thiện song vẫn tồn tại việc cung cấp thiếu, cung cấp sai thông tin từ phía đơn vị, tổ chức, người dân đến việc làm ẩu của chính đội ngũ những người làm thu thập thông tin; sự quan tâm đến công tác thống kê của nhiều Bộ, ngành đã được nâng lên song ở một số Bộ, ngành vẫn còn lơi lỏng, dẫn đến thống kê phục vụ việc chỉ đạo của chính Bộ, ngành đó không như mong muốn; việc sử dụng đa dạng nguồn dữ liệu còn gặp khó khăn bởi những vướng mắc trong quá trình hợp nhất, chuẩn hóa dữ liệu…

BNEWS: Ông có thể cho biết, khi Luật Thống kê đi vào cuộc sống, Tổng cục Thống kê đã hoàn thiện những văn bản pháp luật nào để hướng dẫn thực thi dưới Luật?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Sau khi Luật Thống kê ra đời, Tổng cục Thống kê đã xây dựng nhiều văn bản dưới Luật, cụ thể như: Nghị định số 94/2016-NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê; Nghị định số 95/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê; Nghị định số 97/2016/NĐ-CP quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng ký ban hành nhiều Quyết định: Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg về Chương trình điều tra thống kê quốc gia; Quyết định số 11/2018/QĐ-TTg về Bảng phân loại tiêu dùng theo mục đích của hộ gia đình Việt Nam; Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg về Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam…

Những văn bản pháp lý dưới Luật này đã được ban hành kịp thời là căn cứ pháp lý quan trọng để ngành Thống kê triển khai công tác thống kê toàn diện, đồng bộ, hệ thống, bài bản, góp phần nâng cao chất lượng thông tin thống kê phục vụ tốt quản lý, điều hành đất nước.

Kết quả rõ nét nhất được thể hiện, đó là: hoạt động thống kê ngày càng được củng cố ở cả hệ thống thống kê tập trung và thống kê Bộ, ngành; nhận thức về tầm quan trọng của thông tin thống kê trong quản lý, điều hành ở Trung ương và địa phương ngày càng được nâng cao; việc chấp hành cung cấp thông tin cho các cuộc điều tra, tổng điều tra do ngành Thống kê tiến hành từ các tổ chức, doanh nghiệp, người dân cũng được cải thiện, với minh chứng rõ nét đó là việc thành công trong thu thập thông tin của Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 và Tổng điều tra kinh tế 2017. Ngoài ra, việc chia sẻ thông tin giữa Tổng cục Thống kê và các Bộ, ngành cũng đạt kết quả khả quan.

BNEWS: Thưa ông, Luật Thống kê hướng tới nâng cao chất lượng thông tin và hiệu quả công tác thống kê, vậy ngành Thống kê đã làm gì để đạt được mục tiêu này?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Thời gian qua, hàng loạt các đề án đã và đang trong quá trình triển khai đều hướng tới nâng cao chất lượng số liệu, góp phần đưa số liệu thống kê đáp ứng các tiêu chí chính xác, kịp thời, minh bạch, hiệu quả… Đó là đề án Đổi mới quy trình biên soạn số liệu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đề án tăng cường quản lý Nhà nước về chất lượng thống kê đến năm 2030; Đề án xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát…

Bên cạnh đó, ngành thống kê cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động điều tra thống kê, qua đó quản lý và nâng cao chất lượng số liệu đầu vào của ngành thống kê; xây dựng các khung chỉ tiêu đánh giá các đề án chủ yếu của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; xây dựng và đánh giá thí điểm Đề án tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng; chủ động xây dựng các kịch bản kinh tế đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; tham gia các tổ tư vấn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và của Chính phủ; đặc biệt, Ngành Thống kê đã đẩy mạnh công tác phân tích và dự báo thống kê.

BNEWS: Với quan điểm xây dựng Chính phủ điện tử là xu hướng tất yếu, vậy ngành thống kê đã có những giải pháp gì để thực hiện vấn đề này, thưa ông?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Tôi thấy việc sử dụng dữ liệu hành chính và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thống kê là xu hướng của thế giới, là hai trong những mục tiêu chính ngành thống kê đặc biệt quan tâm. Để thực hiện thành công Chính phủ điện tử, một trong những yếu tố then chốt là sự chia sẻ phối hợp thông tin dữ liệu hành chính giữa các Bộ, ngành và việc ứng dụng triệt để công nghệ thông tin tại mỗi Bộ, ngành đó.

Theo đó, ngành thống kê đã đẩy mạnh phối hợp, hợp tác chia sẻ thông tin hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị với nhau. Mặc dù khó, nhưng ngành thống kê vẫn quyết tâm triển khai từng bước. Tuy nhiên, thời gian qua, trong số những quy chế chia sẻ thông tin được ký kết, một số chưa thật sự phát huy hiệu quả. Có thể nói, việc chia sẻ thông tin giữa các Bộ, ngành nếu được thực hiện ráo riết, bài bản thì đây sẽ là nền tảng căn bản để tạo nên thành công của Chính phủ điện tử.

Về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu của hoạt động thống kê, trước đây, ngành thống kê là một trong những ngành có nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin mạnh, nhiều ứng dụng công nghệ thông tin đã được áp dụng trong quá trình tổng hợp, xử lý dữ liệu thống kê. Tuy nhiên, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang lấn sâu mạnh mẽ vào mọi mặt của đời sống xã hội thì công tác này cần được đẩy mạnh hơn nữa.

Trong Luật Thống kê 2015, có một chương riêng cho lĩnh vực này, điều này cho thấy tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thống kê. Thực thi Luật, những năm gần đây, ngành thống kê đã có nhiều động thái cụ thể để thực hiện tiến trình này. Cụ thể là đã từng bước áp dụng các công nghệ tiên tiến không chỉ trong tổng hợp, xử lý dữ liệu điều tra, dữ liệu báo cáo, mà trong cả khâu thu thập dữ liệu.

Để việc ứng dụng công nghệ thông tin bài bản, hiệu quả, ngành thống kê đã xây dựng Đề án riêng về công nghệ thông tin. Mới đây, ngày 10/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 501/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông trong hệ thống thống kê Nhà nước giai đoạn 2017 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, mục tiêu của Đề án là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin - truyền thông và các phương pháp khoa học dữ liệu để nâng cao chất lượng hoạt động thống kê Nhà nước, hướng đến hệ thống thông tin quốc gia tích hợp và hiện đại trong giai đoạn 2020 – 2025.

BNEWS: Trân trọng cảm ơn ông! 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục