Ứng phó với biến đổi khí hậu: Không chờ rủi ro "gõ cửa"!

11:24' - 22/07/2025
BNEWS Đối phó với những diễn biến bất thường, cực đoan của biến đổi khí hậu, đòi hỏi thay đổi về tâm thế, tư duy ứng phó.

Bão số 3 (Wipha) được xác định là cơn bão mạnh, hoàn lưu rộng sẽ gây mưa rất lớn trên đất liền và gió giật mạnh, sóng cao trên biển. Quan ngại nhất là cơn bão này mang "bóng dáng" của bão số 3 (Yagi) hồi tháng 9/2024. Bão số 3 (Yagi) – siêu bão mạnh nhất ba thập kỷ qua, tàn phá nhiều địa phương miền Bắc, gây thiệt hại lớn cho hạ tầng, sản xuất và đời sống dân sinh. 

Trong vòng hơn một tháng qua, Việt Nam cũng chứng kiến một loạt hiện tượng thời tiết bất thường. Giữa tháng 6, bão số 1 hình thành ngay trên Biển Đông – một hiện tượng hiếm thấy nhiều năm qua; mưa lớn gây ngập lụt giữa mùa hè tại Trung Bộ – mức cao kỷ lục trong 30 năm.

Tại cuộc họp về ứng phó với bão số 1 trước đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp cũng đã cho rằng: hoàn lưu bão dự kiến gây mưa lớn trên diện rộng tại Trung Bộ và Tây Nguyên – những khu vực vừa trải qua đợt hạn gay gắt, dễ nảy sinh tâm lý chủ quan.

Hiện tượng thời tiết cực đoan, dị thường đang ngày càng trở nên thường trực, không còn là những ngoại lệ ngẫu nhiên. Bão mạnh hơn, mưa cực đoan hơn, nắng nóng kéo dài, rét đến trái mùa… là những dấu hiệu cho thấy quy luật khí hậu cũ đang dần bị phá vỡ.

Đơn cử như trận dông lốc bất ngờ trên vịnh Hạ Long chiều 19/7 khiến tàu du lịch Vịnh Xanh 58 bị lật, cướp đi sinh mạng của nhiều người. Thời điểm trước khi tai nạn đau lòng xảy ra, trời vẫn quang mây, nắng đẹp – trái ngược hoàn toàn với hiểm họa đang âm thầm ập đến, dù trước đó, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ninh đã có cảnh báo mưa rào và dông cho các phường, xã trong tỉnh, trong đó có phường Hạ Long.

Đối phó với những diễn biến bất thường, cực đoan của biến đổi khí hậu, đòi hỏi thay đổi về tâm thế, tư duy ứng phó.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mỗi năm trung bình có 11 - 12 cơn bão trên biển Đông và khoảng 5 - 6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Năm 2025 có khả năng xuất hiện khoảng từ 8-11 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó có 4 - 5 cơn đổ bộ vào đất liền. Không loại trừ khả năng sang tháng 1/2026 vẫn hình thành bão hoặc áp thấp nhiệt đới trên khu vực Nam Biển Đông.

Không chỉ mức độ, mà tần suất và tính bất định của các hiện tượng thiên tai đang gia tăng nhanh chóng. Biến đổi khí hậu giờ hiện hữu, len lỏi vào từng địa phương, từng ngành kinh tế, từng cộng đồng dân cư. Đó là chưa kể đến việc mất cân bằng sinh thái khi diện tích rừng suy giảm, tốc độ bê tông hóa đô thị tăng nhanh, ao hồ bị lấp dần – khiến khả năng điều tiết tự nhiên càng suy kiệt.

Trước thực tế đó, ứng phó với biến đổi khí hậu phải bằng tư duy chủ động, không chỉ phòng chống mà phải chủ động thích ứng, từ cảnh báo chung chung sang cảnh báo theo khu vực nhỏ, từ dự báo ngắn hạn sang tầm nhìn dài hạn có tính tích hợp và chiến lược. Cảnh báo, dự báo sớm thiên tai là mắt xích không thể thiếu trong phát triển kinh tế hiện đại – từ quy mô hộ gia đình đến chiến lược quốc gia, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan.

Trước tiên, cần nâng cao năng lực dự báo và cảnh báo sớm – chính xác và kịp thời – với độ phân giải cao hơn, phạm vi hẹp hơn để đưa ra chỉ dẫn hành động. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại, trí tuệ nhân tạo, viễn thám và phân tích dữ liệu lớn phải trở thành trụ cột trong quản lý rủi ro thiên tai.

Trước thực tế đó, ứng phó với biến đổi khí hậu phải bằng tư duy chủ động, không chỉ phòng chống mà phải chủ động thích ứng, từ cảnh báo chung chung sang cảnh báo theo khu vực nhỏ, từ dự báo ngắn hạn sang tầm nhìn dài hạn có tính tích hợp và chiến lược.

Cũng cần thấy rằng các hiện tượng thiên tai nguy hiểm và cảnh báo không chỉ có bão, lũ, dông lốc, lũ quét trong khi thực tế có đến 19 loại hình thiên tai khác nhau. Cùng với đó là phổ biến, truyền thông cảnh báo một cách hiệu quả để người dân thực sự hiểu và hành động đúng.

Bên cạnh đó, cần thiết quy hoạch vùng hợp lý với điều kiện tự nhiên, phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu và nhất là xây dựng phương án ứng phó khẩn cấp cho mọi tình huống thiên tai.

Việc phát triển hạ tầng phải gắn liền với phòng, chống thiên tai; đánh giá, dự báo đầy đủ tác động từ các yếu tố địa chất, dòng chảy… trong quá trình xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng khi triển khai dự án. Đầu tư cho cơ sở hạ tầng, xây dựng các công trình phòng chống lũ như đê điều, kè biển… cần tính đến yếu tố phòng tránh thiên tai cấp độ cao.

Quan trọng hơn, thích ứng khí hậu phải được lồng ghép trong chiến lược phát triển quốc gia. Tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, bảo vệ tài nguyên nước và đất – không còn là lựa chọn, mà là điều kiện sống còn. Chỉ có sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và môi trường mới tạo nên một nền tảng đủ vững cho sự ổn định và bền vững trong dài hạn.

Bài học từ những trận dông lốc, bão dữ không chỉ là cảnh báo thời tiết. Đó là lời cảnh tỉnh đòi hỏi chúng ta phải có sự thay đổi mạnh mẽ hơn. Tư duy thích ứng không phải là ứng xử tình huống, mà là định hình cho phát triển dài hạn, bền vững, không chờ đến khi rủi ro "gõ cửa" mới tìm cách phòng tránh.

Chủ động thích ứng – bắt đầu từ thay đổi tư duy – chính là lựa chọn để có thể vững vàng phát triển trong bối cảnh nhiều biến động này.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục