Ứng phó với nợ xấu, ngân hàng Thái Lan thận trọng trong cho vay

10:35' - 14/08/2024
BNEWS Ngân hàng Kasikorn (KBANK) đã trở thành một trong những tổ chức tài chính lớn của Thái Lan tiên phong công bố một cách tiếp cận có chọn lọc hơn đối với hoạt động cho vay.
Các tổ chức tài chính lớn của Thái Lan đang lên kế hoạch ứng phó với rủi ro nợ xấu, trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia gặp nhiều khó khăn và nợ hộ gia đình cao, buộc các ngân hàng phải áp dụng cách tiếp cận thận trọng hơn đối với hoạt động cho vay.

Ngân hàng Kasikorn (KBANK) đã trở thành một trong những tổ chức tài chính lớn của Thái Lan tiên phong công bố một cách tiếp cận có chọn lọc hơn đối với hoạt động cho vay. Theo đó, ngân hàng sẽ tập trung hoạt động vào các khách hàng nằm trong danh mục rủi ro thấp, để giảm thiểu nguy cơ khách hàng không thể chi trả tiền vay.

Trong khi, Ngân hàng Kiatnakin Phatra (KKP) cũng đang áp dụng lập trường thận trọng. Ngân hàng này đã giảm các hoạt động tiếp cận đối các khách hàng nằm trong phân khúc cho vay rủi ro cao, như cho vay mua nhà, mua ô tô và mua trả góp. Đồng thời, KKP cũng tuyên bố thắt chặt tiêu chí cho vay đối với những người nộp đơn xin thế chấp, đặc biệt tập trung vào những người tìm kiếm khoản vay vượt 5 triệu baht (140.000 USD).

Ông Aphinant Klewpatinond, CEO của KKP, chia sẻ, ngân hàng xác định cần phải thận trọng hơn trong hoạt động cho vay và đã thực hiện điều chỉnh lại mục tiêu tăng trưởng của năm 2024, theo hướng thu hẹp lợi nhuận.

 
Về phần mình, Ngân hàng Ayudhya (Krungsri) cho biết rủi ro đã gia tăng trong danh mục cho vay của ngân hàng, bao gồm cả phân khúc doanh nghiệp lớn trước đây vốn có khả năng phục hồi tương đối tốt. Nguyên do xuất phát từ suy thoái kinh tế kéo dài và những thách thức kinh doanh đã khiến nhu cầu đầu tư của nhiều công ty giảm sút.

Tương tự, Ngân hàng Siam Commercial (SCB) đang ưu tiên quản lý rủi ro hơn là theo đuổi tăng trưởng. Ban lãnh đạo ngân hàng đã nhất trí thông qua việc lựa chọn cẩn thận các khách hàng mới và theo dõi chặt chẽ các danh mục cho vay hiện có. SCB đang hướng tới mục tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) hai chữ số, bằng cách tập trung vào các phân khúc kinh doanh có rủi ro thấp hơn.

Tiếp theo là Bangkok Bank (BBL) với tuyên bố duy trì cách tiếp cận thận trọng khi hỗ trợ các doanh nghiệp về thanh khoản và cơ hội đầu tư. Hơn nữa, BBL dự kiến sẽ duy trì mức trích lập dự phòng nợ xấu ở mức cao trong nửa cuối năm. Ông Chartsiri Sophonpanich, Chủ tịch BBL chia sẻ, ngân hàng tin rằng tình hình vẫn có thể kiểm soát được, nhưng phải theo dõi chặt chẽ. Đối với việc lập dự phòng cho các khoản nợ xấu, nửa cuối năm nay có khả năng vẫn ở mức cao và gần bằng nửa đầu năm ngoái.

Việc các ngân hàng Thái Lan thắt chặt hoạt động cho vay cho thấy phản ứng của khu vực tài chính đối với tình hình kinh tế trong nước ngày càng bất ổn và nhu cầu bảo vệ trước nguy cơ gia tăng các khoản nợ xấu. Bên cạnh kim ngạch xuất khẩu thấp hơn dự kiến và nợ hộ gia đình tại Thái Lan đã vượt 90% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), căng thẳng địa chính trị và tranh chấp thương mại đã tạo ra một môi trường phức tạp cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng Thái Lan.

Áp lực tiếp theo đối với chi tiêu của người tiêu dùng và khả năng trả nợ đang làm trầm trọng thêm mối lo ngại về sức khỏe tài chính của cả người đi vay và người cho vay. Do đó, các ngân hàng lớn đang thực hiện các chính sách kiểm soát cho vay chặt chẽ hơn để giảm thiểu rủi ro. Xu hướng này, bắt đầu từ nửa đầu năm 2023, dự kiến sẽ tiếp tục trong nửa cuối năm 2024.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục