USMAC: “Trò chơi cùng thắng” hiếm hoi của Mỹ trên mặt trận thương mại

06:30' - 21/12/2019
BNEWS Theo đánh giá của tờ The Business Times, việc mô tả Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) được Mỹ, Canada và Mexico ký kết năm 1994 là “có ý nghĩa lịch sử” dường như hơi cường điệu.
Contenơ hàng hóa chờ được xếp dỡ tại cảng ở Long Beach, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Với việc thiết lập một khối thương mại ba bên ở Bắc Mỹ, thỏa thuận này đã loại bỏ hay giảm bớt các rào cản đối với thương mại và đầu tư giữa ba nền kinh tế lớn là Mỹ, Canada và Mexico. NAFTA đã được cả Chính quyền Cộng hòa lẫn Dân chủ đàm phán và được cựu Tổng thống Dân chủ Bill Clinton ký kết với sự ủng hộ của hai đảng cũng như của người dân.

Trên con đường phát triển, NAFTA đã được nhiệt liệt chào đón vào thời điểm khi các lực lượng toàn cầu hóa đang nổi lên trên khắp thế giới trong những năm 1990, thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Sự mở rộng của chủ nghĩa tư bản, bao gồm sự hội nhập các nền kinh tế địa phương và quốc gia vào nền kinh tế thị trường toàn cầu một cách không bị điều tiết cuối cùng đã đem lại lợi ích cho mọi người.

Tuy nhiên, sau đó NAFTA - năm 2017 đã tạo ra Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trị giá khoảng 22.200 tỷ USD - đã tạo ra phản ứng dữ dội về chính trị, khi tiến trình chính trị ở Washington đã bắt đầu thay đổi từ ủng hộ sang phản đối thỏa thuận này và ngày càng nhiều người Mỹ cho rằng NAFTA có nhiều bất lợi hơn thuận lợi.

Tuy nhiên, những người ủng hộ NAFTA, đặc biệt là những người trong cộng đồng doanh nghiệp và các đồng minh của họ ở Đồi Capitol, thì khẳng định rằng hiệp định này không chỉ là thương mại ba bên giữa Canada, Mexico và Mỹ, mà còn giúp gia tăng sản lượng kinh tế của Mỹ, tạo ra công ăn việc làm mới cho Mỹ và giảm bớt chi phí năng lượng và nhập khẩu lương thực.

Những người chỉ trích NAFTA - trong đó có thành viên của các liên đoàn lao động, dẫn đầu bởi Liên đoàn lao động và Hiệp hội các tổ chức công nghiệp Mỹ (AFL-CIO) - đã đổ lỗi cho hiệp định này về tình trạng mất công ăn việc làm, hầu hết là trong các ngành công nghiệp chế tạo sản xuất ở California, New York, Michigan và Texas, trong đó có lĩnh vực ô tô và dệt may.

Trên thực tế, khi cuộc tranh cãi về NAFTA trở nên bị chính trị hóa, tỷ phú bang Texas, Ross Perot - người đã chạy đua vào Nhà Trắng năm 1992 và 1996 - đã tập trung chiến dịch tranh cử Tổng thống của mình vào việc phản đối thỏa thuận thương mại tự do này.

Hơn nữa, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và kéo theo đó là cuộc Đại suy thoái và khi vấn đề bất bình đẳng kinh tế-xã hội giành được sự quan tâm lớn hơn, vai trò của chính sách thương mại quốc tế đã tiến lên vị trí hàng đầu của chương trình nghị sự chính trị và trong con mắt của những người chỉ trích theo chủ nghĩa dân túy, NAFTA đã nổi lên như là biểu tượng của những mặt trái  của toàn cầu hóa.

Trong khi tâm điểm của các phương tiện truyền thông là sự công kích của Tổng thống Mỹ Donald Trump theo chủ nghĩa dân túy đối với NAFTA, trên thực tế phần lớn sự chỉ trích dữ dội đối với thỏa thuận thương mại này trong những năm gần đây xuất phát từ các thành viên của phái tiến bộ đang trỗi dậy của đảng Dân chủ. Họ gây áp lực buộc Mỹ phải từ bỏ NAFTA. Họ lập luận thỏa thuận thương mại này hủy hoại phần lớn các khu vực chế tạo sản xuất của Mỹ, gây áp lực lên lương của người lao động.

Và quan hệ thương mại với Mexico và Canada đã động chạm đến người lao động Mỹ ở trong nước nhiều hơn so với các mối quan hệ với các nền kinh tế trên khắp Thái Bình Dương. Hàng trăm xe tải chở hàng hóa xếp hàng dài mỗi ngày để qua biên giới Mỹ-Mexico, trong khi hàng nghìn người Mexico nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ gây ra nhiều mối đe dọa.

Đáp lại sức ép từ Đảng Dân chủ, cựu Tổng thống Barack Obama đã nảy ra ý tưởng thay đổi NAFTA bằng việc bổ sung, cùng với những điều khác, các điều khoản thực thi quyền lao động. Ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ khi đó là bà Hillary Clinton đã cam kết làm điều này khi bà chỉ trích hiệp định mà cựu Tổng thống Bill Clinton đã ký kết.

Tuy nhiên, nếu bà Clinton làm chủ Nhà Trắng thì bà đã phải đối mặt với chính vấn đề mà ông Obama phải đương đầu - một Thượng viện do các nhà làm luật của đảng Cộng hòa chi phối đã cam kết với những nguyên tắc cốt lõi ủng hộ thương mại tự do mà NAFTA đem lại.

Chính những thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa này đã buộc phải đối phó với thực tế chính trị mới sau cuộc bầu cử năm 2016: Một vị Tổng thống đảng Cộng hòa thậm chí còn theo xu hướng bảo hộ đối với các chính sách thương mại hơn so với cả hai người tiền nhiệm đảng Dân chủ của ông.

Trên thực tế, Tổng thống Trump đã cam kết hủy bỏ NAFTA ngay trong tháng đầu tiên cầm quyền, trừ khi Canada và Mexico nhất trí sửa đổi nó theo cách thức có thể làm hài lòng những người ủng hộ ông trong các khu vực phi công nghiệp hóa Ohio, Michigan và Pennsylvania.

Điều đáng lưu ý là nhiều trong số những thay đổi đối với NAFTA mà Tổng thống Trump và các cố vấn của ông yêu cầu như một phần của thỏa thuận thương mại mới với các nước láng giềng Bắc Mỹ, còn gọi là thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), như thể được chuẩn bị bởi những người thuộc đảng Dân chủ tiến bộ.

Bởi vậy, USMCA sẽ tăng lương, lợi ích và quy định an toàn cho người lao động cũng như cập nhật các điều khoản về môi trường, ngoài việc đòi hỏi nhiều hơn linh kiện được sử dụng trong ô tô là có nguồn gốc Bắc Mỹ để đáp ứng mức thuế quan bằng 0.

Nhìn chung, USMCA được kỳ vọng tạo ra 176.000 việc làm ở Mỹ và mở rộng quyền lao động ở Mexico. Chủ tịch AFL-CIO Rich Trumka đã ca ngợi thỏa thuận thương mại USMCA mới mà Chính quyền Tổng thống Trump đàm phán được và mô tả nó là “sự cải thiện lớn” đối với thỏa thuận NAFTA mà ông Clinton đã ký kết vào năm 1994.

Tổng thống đảng Cộng hòa đang tiếp tục hành trình để thỏa thuận thương mại mới được Quốc hội thông qua với sự giúp đỡ của những người làm luật đảng Dân chủ và đối mặt với sự chỉ trích từ các đồng nghiệp Cộng hòa của ông ở Đồi Capitol. Điều gây ngạc nhiên hơn là thực tế đảng Dân chủ tuyên bố ủng hộ USMCA, đem lại cho Nhà Trắng một thắng lợi chính trị vào đúng ngày mà những người Dân chủ nói rằng họ đang chuẩn bị luận tội Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, có lẽ tất cả các bên, trong đó có nền kinh tế Mỹ, đều là những bên giành thắng lợi ở đây. USMCA tạo ra một khuôn khổ cho sự hợp tác trong tương lai giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ. Sự hợp tác này có thể dẫn đến nhiều sự nhất trí giữa hai đảng về các chính sách thương mại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục