Ưu thế vận tải đường thủy nội địa cho ngành giao thông và xã hội

16:38' - 13/11/2023
BNEWS Tại Hội nghị toàn thể thường niên Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, Cục trưởng Bùi Thiên Thu đã có bài phát biểu về ưu thế vận tải đường thủy nội địa cho ngành giao thông và xã hội.

Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Bùi Thiên Thu vừa cùng lãnh đạo Chi cục Đường thủy nội địa khu vực III, Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV đã tham dự Hội nghị toàn thể thường niên Hiệp hội Cảng biển Việt Nam tại thành phố Vũng Tàu.

Tại Hội nghị, Cục trưởng Bùi Thiên Thu đã có bài phát biểu với chủ đề "Vai trò của Đường thủy nội địa trong kết nối cảng biển, phát triển vận tải đa phương thức, giảm chi phí logistics".

Nhấn mạnh vai trò của lĩnh vực đường thủy nội địa, Cục trưởng cho biết hiện nay, khoảng 20% hàng hóa lưu thông tại Việt Nam được vận chuyển bằng đường thủy nội địa, trong khi chi phí vận tải thủy cũng như tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông đường thủy nội địa là rất thấp, điều này cho thấy ưu thế mà vận tải đường thủy nội địa đem lại cho ngành giao thông và xã hội; đặc biệt trong xu thế vận tải xanh, logistics xanh thì đường thủy nội địa càng có vai trò quan trọng vì là phương thức vận tải khối lượng lớn, có mức phát thải thấp, không làm tắc nghẽn giao thông.

Bên cạnh đó, vận tải đường thủy nội địa còn có vai trò quốc tế khi hiện nay hầu hết hàng container của Campuchia quá cảnh Việt Nam thông qua các cảng Cát Lái và Cái Mép - Thị Vải được vận chuyển bằng sà lan trên tuyến vận tải thủy qua biên giới Việt Nam - Campuchia, lượng hàng này tăng trưởng 20%/năm; riêng năm 2022 đạt 417.000 TEU, góp phần kết nối giao thương giữa doanh nghiệp và nhân dân hai nước.

 Tuy vậy, việc phát triển lĩnh vực đường thủy nội địa thời gian qua vẫn còn nhiều điểm nghẽn, trong đó có sự đầu tư cho kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa chưa tương xứng với tiềm năng và đóng góp của vận tải đường thủy nội địa khi mức đầu tư cho kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa so với tổng đầu tư ngành giao thông vận tải chiếm tỷ lệ chưa đến 5% (cả ngân sách nhà nước và đầu tư tư nhân).

Để tiếp tục phát huy, đồng thời nâng cao vai trò của lĩnh vực đường thủy nội địa trong liên kết cảng biển, phát triển vận tải đa phương thức, giảm chi phí logistics, Cục trưởng Bùi Thiên Thu đề nghị cần quan tâm xử lý, tháo gỡ các điểm nghẽn. Cụ thể, như: vấn đề nạo vét, thanh thải, nâng tĩnh không cầu; Giải quyết vấn đề kiểm tra hải quan, tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh, chuyển tải Việt Nam - Campuchia bằng đường thủy nội địa; Cần có bến sà lan chuyên dụng tại các cảng biển để chuyên môn hóa xếp dỡ, giảm thời gian chờ làm hàng; Các ICD, trung tâm logistics cần được kết nối với ít nhất 01 phương thức vận tải khối lượng lớn (đường thủy, đường sắt); quan tâm tăng vốn đầu tư công cho lĩnh vực đường thủy nội địa (luồng lạch, báo hiệu…), lấy đầu tư công là vốn mồi - dẫn dắt đầu tư tư (cảng bến, phương tiện)

 

*Dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu giai đoạn 2 sắp hoàn thành

Thông tin với phóng viên TTXVN, ông Trần An Hải, Phó Giám đốc Ban Quản lý hàng hải – chủ đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, dự án đầu tư xây dựng công trình luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu (giai đoạn 2) sau khi giải quyết xong vướng mắc về mặt bằng, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ để đưa dự án về đích vào tháng 12 tới. Với 3 gói thầu xây lắp, tháng 10 vừa qua, dự án đã hoàn thành 1 gói thầu, trong tháng 11 sẽ hoàn thành thêm 1 gói thầu nữa.

Về kết quả giải ngân của dự án, ông Trần An Hải thông tin, năm 2023, dự án được giao hơn 588 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được trên 469 ỷ đồng, đạt khoảng 80% kế hoạch.

 

Cụ thể về kết quả các gói thầu xây lắp, ông Trần An Hải cho hay, gói thầu SH2-XL01 (thi công hạng mục đường ven kênh Tắt và cầu kênh Xáng), liên danh nhà thầu Công ty cổ phần xây dựng Trung Nam 18 E&C và Công ty cổ phần Fecon South đã hoàn thành hạng mục đường ven kênh Tắt và hạng mục cầu kênh Xáng. Hiện các các nhà thầu đã hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu, bàn giao đưa hạng mục công trình vào khai thác sử dụng.

Đối với gói thầu SH2-XL02 thi công hạng mục kè Quan Chánh Bố (hạng mục kè bảo vệ bờ phía bờ bắc đoạn từ Km22-675 đến Km31-340, khu tránh tàu, nhà trạm quản lý luồng). Liên danh nhà thầu thi công là Công ty cổ phần Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân - Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tường Vy. Tính đến cuối tháng 10, khối lượng gói thầu SH2-XL02 cơ bản đã hoàn thành.

“Các nhà thầu đến nay đã hoàn thành việc nạo vét làm phẳng mái kè, đắp cát mái kè, trải vải địa kỹ thuật, thi công thảm đá, nạo vét khu tránh tàu. Đối với nhà trạm quản lý luồng, nhà thầu đang tích cực hoàn thiện các hạng mục cuối cùng.Trong tháng 11, chủ đầu tư và các cơ quan chức năng sẽ tiến hành nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng vào tháng 12”, đại diện chủ đầu tư cho biết.

Về gói thầu SH2-XL03 thi công hạng mục kè Quan Chánh Bố (xây dựng kè bảo vệ bờ phía bờ nam và đoạn kè bờ bắc từ Km14-500 đến Km18-620), ông Trần An Hải thông tin, gói thầu này do liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô - Công ty TNHH Cơ giới Mỹ Dung thi công.

Do khó khăn về mặt bằng đã ảnh hưởng đến tiến độ của gói thầu. Đến nay địa phương đã gỡ xong về mặt bằng, các nhà thầu đang bố trí 27 mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành gói thầu trong tháng 12 tới.

Đại diện liên danh nhà thầu cho biết, hiện hạng mục nạo vét làm phẳng mái kè, đóng cọc, đắp mái kè, đỉnh kè đã hoàn thành. Các hạng mục thảm đá trên bờ, dưới nước cũng đã đạt trên 84%, giá trị giải ngân đạt 86,5% giá trị hợp đồng. Trong tháng 11, nhà thầu sẽ tập trung thi công đắp cát đỉnh kè, mái kè; trải vải địa kỹ thuật, thảm đá.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận Nguyễn Xuân Sang đánh giá, dự án đầu tư công trình luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu - giai đoạn 2 là dự án trọng điểm quốc gia có mục tiêu thu hút, nâng cao năng lực thông qua hàng hóa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Các hạng mục của dự án giai đoạn 2 khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ là động lực lớn để góp phần cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng. Vì vậy, nhất định dự án này phải hoàn thành trong năm nay.

Dự án đầu tư xây dựng công trình luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu (giai đoạn 2) được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư tại Quyết định số 1319/QĐ-BGTVT ngày 16/7/2021. Dự án này tổng mức đầu tư hơn 2.596 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 do Ban Quản lý dự án hàng hải làm chủ đầu tư.

Dự án có các hạng mục như xây kè bảo vệ bờ kênh Quan Chánh Bố, tổng chiều dài khoảng 18,6 km (ưu tiên xử lý tại các vị trí sạt lở); đường dân sinh dọc theo bờ Nam kênh Tắt (đường cấp IV đồng bằng) dài 4,75 km; khu tránh tàu, trạm quản lý luồng số 2. Dự án được khởi công tháng 12/2021, kế hoạch hoàn thành tháng 12/2023.

Trước đó, dự án đầu tư xây dựng công trình luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu (giai đoạn 1) có mục tiêu là mở rộng luồng tàu ổn định lâu dài cho tàu biển có trọng tải 10.000 DWT (đầy tải) đến 20.000DWT (giảm tải) ra vào, đảm bảolượng hàng hóa thông qua từ 21 - 22 triệu tấn/năm và hàng container 450.000 - 500.000 Teus/năm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.  Sau khi hoàn thành, dự án sẽ đáp ứng cho các tàu có tải trọng đến 20.000 tấn đầy tải lưu thông

Giai đoạn 1 đã được khởi công tháng 12/2009, thông luồng kỹ thuật tháng 1/2016 và nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng tháng 4/2017. Từ khi được đưa vào khai thác đã bước đầu phát huy hiệu quả, đã hình thành nhiều tuyến hàng hải trực tiếp từ các cảng thượng nguồn sông Hậu vận tải nông sản, thủy sản, phân bón, than... đi và đến cho tỉnh Trà Vinh nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Giai đoạn được khởi công tháng 12/2021, dự kiến hoàn thành tháng 12/2023 với mục tiêu hoàn thiện các hạng mục còn lại để đảm bảo tính ổn định, đồng bộ, đảm bảo dân sinh của toàn dự án.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục