Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khảo sát dự án Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh

19:13' - 19/05/2022
BNEWS Ngày 19/5, Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khảo sát thực tế dự án Vành đai 3 Tp Hồ Chí Minh và làm việc với các địa phương có dự án đi qua như Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội do ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội dẫn đầu. Đoàn đã khảo sát tại nút giao Bến Lức (địa phận Long An), nơi giao giữa tuyến Vành đai 3 và cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương; các nút giao dọc tuyến như Bình Chuẩn (Bình Dương) và Mỹ Phước – Tân Vạn (Bình Dương – Đồng Nai – Tp. Hồ Chí Minh)…

 

Ghi nhận trên toàn tuyến cũng như tại nút giao, tình trạng quá tải diễn ra trên nhiều khu vực, nhất là nút giao Bình Chuẩn dù đã được đầu tư nhưng đang quá tải. Theo nhận định của đại diện đoàn công tác, nếu tuyến Vành đai 3 đầu tư sớm hơn nữa thì càng tốt; các địa phương cần phải hoàn thành tổng thể, khép kín toàn tuyến thì mới phát huy tác dụng của tuyến Vành đai 3.

Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, qua chuyến khảo sát, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có thêm thông tin, cơ sở phục vụ việc thẩm tra các tờ trình về dự án Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh mà Chính phủ trình Quốc hội sắp tới. Chuyến khảo sát ngắn nhưng Đoàn thấy rõ sự quyết liệt vào cuộc của các địa phương trong đầu tư dự án.

Báo cáo với Đoàn khảo sát, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Tp. Hồ Chí Minh cho biết, hiện các tỉnh đang cùng nhau phối hợp để hoàn chỉnh dự án và trình Quốc hội; đồng thời, chuẩn bị các bước tiếp theo để ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư thì bắt tay vào làm.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An Trần Thiện Trúc cho biết, Long An đã dành khoảng 20 ha ngay trung tâm thị trấn Bến Lức để làm khu tái định cư cho người dân nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Dự kiến, tỉnh sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng chậm nhất trong quý II/2023 và triển khai thi công trong quý II hoặc quý III/2023; cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2025.

Theo ông Trần Thiện Trúc, Vành đai 3 đi qua tỉnh Long An là quãng đường ngắn. Song dự án này không chỉ phục vụ cho tỉnh Long An mà còn phục vụ cả các tỉnh trong khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. 

Hàng hóa di chuyển qua các địa phương này rất lớn, nên khu vực thường xuyên bị kẹt xe. Vành đai 3 khi được đầu tư sẽ giải quyết các vấn đề kẹt xe, người dân có thể đi về sân bay Long Thành, các tỉnh lân cận thuận lợi.

Tại buổi làm việc với các địa phương diễn ra chiều cùng ngày tại UBND Tp. Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tuyến Vành đai 3 hết sức cần thiết, bởi hiện nay thời gian di chuyển qua khu vực này quá lâu nên cần nhanh chóng triển khai trong thời gian sớm nhất.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, so với các dự án khác đã được trình Quốc hội, thì dự án Vàng đai 3 Tp. Hồ Chí Minh là phức tạp về giải phóng mặt bằng vì đa số dọc tuyến đã hình thành đô thị. Do đó, cần làm rõ hơn cơ chế, vai trò đầu mối của Tp. Hồ Chí Minh và sự tham gia của các địa phương, để khi thực hiện có sự đồng bộ, hoàn thành các dự án thành phần cùng lúc.

Trao đổi với đoàn khảo sát, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, giải phóng mặt bằng là vấn đề khó nhất với dự án. Hiện thành phố đã làm việc với các tỉnh về vấn đề này; trong đó, Long An thuận lợi nhất. Tp. Hồ Chí Minh đã hoàn thành kế hoạch giải phóng mặt bằng trên địa bàn.

Sau khi Quốc hội thông qua, Thành phố sẽ tổ chức hội nghị với các địa phương, các ngành liên quan để tập trung cả hệ thống chính trị thực hiện công việc này và dự kiến tiến độ đến cuối năm 2023 sẽ hoàn tất. Thành phố cũng đã làm việc với các tỉnh, thống nhất kế hoạch tổng thể, phương thức, tiến độ giải phóng mặt bằng.

Liên quan tái định cư, ông Phan Văn Mãi cho biết, Tp. Hồ Chí Minh có số hộ ảnh hưởng lớn nhất. Tuy nhiên, thuận lợi là có quỹ nhà trên địa bàn rất lớn nên sẽ rà soát lại để tái định cư, theo nguyên tắc người dân được tái định cư ở gần nơi ở cũ và đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người dân. Đó là giá đền bù thoả đáng, tái định cư thuận lợi, tạo điều kiện sinh kế, đào tạo nghề để người dân ổn định cuộc sống.

Dự án Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh có tổng chiều dài tuyến hơn 76 km đi qua địa bàn Tp. Hồ Chí Minh là hơn 47 km, Đồng Nai hơn 11 km, Bình Dương gần 11 km, Long An khoảng 6,8 km. Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) của dự án khoảng 75.377 tỷ đồng.

Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh có tính chất kết nối liên vùng, là điểm đầu của các tuyến cao tốc, kết nối với các tuyến quốc lộ hướng tâm. Việc đầu tư dự án với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao nhằm tạo động lực, sức lan tỏa để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế./. 

Xem thêm:

>>Trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục