Vaccine ngừa COVID-19 có phải là cứu cánh cho kế hoạch "bong bóng du lịch"?

06:30' - 20/04/2021
BNEWS Thế giới vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về các loại vaccine đã được phê duyệt, tiêm vaccine ngừa COVID-19 không có nghĩa có thể thoải mái đi lại giữa các nước.

Hiện nay, không ít người coi vaccine ngừa COVID-19 là cứu cánh trong công cuộc chống lại đại dịch. Tuy nhiên, khi thông tin về tác dụng phụ của vaccine ngừa COVID-19 không ngừng loan đi, một số quốc gia trở nên thận trọng.

Điều đó khiến người ta tự hỏi khi nào cuộc sống sẽ trở lại bình thường, ngày đó đã tới gần hay còn rất xa.

Tính đến ngày 12/4, thế giới đã có hơn 800 triệu người được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 và khoảng 450 triệu người đã hoàn thành tất cả các liều, lần lượt chiếm khoảng 5,76% và 2,26% dân số toàn cầu.

Số người được tiêm chủng ngày càng tăng, nhưng các loại vaccine ngừa COVID-19 khiến người ta nghi ngại vì xuất hiện tác dụng phụ nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Mặc dù tới nay vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy những ca đó liên quan đến vaccine ngừa COVID-19, sự nghi ngờ về mức độ an toàn đã dẫn tới nỗi sợ hãi và không ít người không muốn tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Bên cạnh đó, một số người cho rằng virus SARS-CoV-2 không ngừng biến chủng, tiêm vaccine ngừa COVID-19 không tạo ra miễn dịch vĩnh viễn. Do đó, có thể đợi khi cần thiết mới tiêm chủng, bảo đảm khi đó sẽ được sử dụng vaccine mới nhất và tốt nhất.

Tại châu Âu, vaccine AstraZeneca bị cáo buộc là không đủ dữ liệu nghiên cứu về hiệu quả, nhiều nước đã hạn chế độ tuổi tiêm vaccine, dẫn tới tỷ lệ tiêm chủng thấp ở một số nước. Vì thế, có chuyên gia y tế lo ngại tình hình này sẽ làm chậm tiến độ tiêm chủng của các nước châu Âu.

Trên thực tế, kể từ khi vaccine ngừa COVID-19 được phát triển thành công, các quốc gia đã lên kế hoạch mở lại hoạt động đi lại xuyên biên giới sau khi tỷ lệ tiêm chủng đạt mức độ nhất định.

Kế hoạch này bao gồm việc thiết lập "bong bóng du lịch" với các quốc gia khác, cho phép người dân đã tiêm vaccine phòng COVID-19 vào lãnh thổ của nhau mà không phải cách ly.

Chính phủ một số nước cũng dự định cấp “hộ chiếu vaccine” cho những người đã tiêm ngừa COVID-19 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho họ đi ra nước ngoài.

Vấn đề nằm ở chỗ tình hình các nước hiện nay rất khác nhau và không có sự thống nhất trong việc thừa nhận các loại vaccine cũng như hiệu quả của vaccine. Cho nên, dù có “hộ chiếu vaccine” cũng không có nghĩa mọi người sẽ được đi lại thoải mái trên toàn thế giới.

Ví dụ, Chứng chỉ Xanh số hóa theo sáng kiến của Liên minh châu Âu (EU) chỉ tự động công nhận bốn loại vaccine được các cơ quan quản lý của EU phê duyệt. Điều đó có nghĩa nếu tiêm loại vaccine không được EU công nhận, người đó vẫn có thể không được vào một số nước EU.

Như vậy câu chuyện hiện nay là nếu chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19, người đó không thể đi ra nước ngoài, nhưng tiêm rồi cũng không có nghĩa họ an toàn 100%.

Có chuyên gia y tế Hong Kong (Trung Quốc) đã chỉ rõ, tuy thí nghiệm trên động vật ở giai đoạn đầu cho thấy vaccine Sinovac, BNT162b2 và AstraZeneca đều có thể ngăn xuất hiện triệu chứng nhiễm bệnh hoặc biến chứng nghiêm trọng, nhưng lại chưa chắc ngăn chặn được lây nhiễm không triệu chứng, nên vẫn có khả năng lây nhiễm cho người khác.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại London, Anh, ngày 17/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Bên cạnh đó, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu, tạm thời chưa có đủ thông tin để xác định khả năng miễn dịch sẽ kéo dài bao lâu sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Theo tờ Yomiuri, một nhân viên y tế Nhật Bản được xác định đã nhiễm COVID-19 vào ngày 10/4 sau khi hoàn thành tiêm hai mũi vaccine ngừa COVID-19 lần lượt vào ngày 13/3 và 3/4.

Các chuyên gia giải thích rằng mặc dù vaccine ngừa COVID-19 có thể tạo ra kháng thể, nhưng chưa chắc đạt hiệu quả trong việc ngăn ngừa lây nhiễm qua đường hô hấp.

Cũng có khả năng nhân viên y tế đó không hợp với vaccine hoặc tiêm hai mũi nhưng vẫn chưa thể sản sinh đủ kháng thể, cần phải bổ sung mũi thứ ba. Từ đó có thể thấy, tiêm vaccine ngừa COVID-19 không có nghĩa là tạo ra miễn dịch hoàn toàn.

Hơn nữa, các biến thể virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới, làm suy yếu khả năng bảo vệ của vaccine.

Trước đó, nhóm nghiên cứu của Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã phát hiện kháng thể trung hòa được tạo ra bởi hai loại vaccine Pfizer và Modena của Mỹ ít có hiệu quả đối với một số biến chủng. Đồng thời, các loại vaccine hiện có không có tác dụng đối với biến chủng B.1.525 (còn có tên là “biến thể Nigeria”).

Theo tờ Economic Journal, cùng với sự ra đời của vaccine, người dân rất mong muốn được trở lại cuộc sống bình thường, thậm chí còn muốn đi du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, vaccine chỉ đạt hiệu quả bảo vệ nhất định và các biến thể của virus SARS-CoV-2 sẽ làm giảm hiệu lực của vaccine.

Cho nên, ngay cả khi đã được tiêm vaccine, người dân cũng nên tự đánh giá tình hình sức khỏe của mình, duy trì thói quen vệ sinh tốt trong quá trình di chuyển và đảm bảo giãn cách xã hội.

Đồng thời, khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên và chính phủ xem xét nới lỏng các hạn chế trong việc phòng chống dịch, vẫn cần phải tiếp tục bảo vệ sức khỏe cộng đồng, để tránh được khả năng sự phục hồi chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và lãng phí những nỗ lực chống dịch trước đó./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục