Vai trò của đồng USD trong tài chính toàn cầu đang bị thách thức?

06:30' - 09/05/2025
BNEWS Đồng USD giảm khi các nhà đầu tư đặt câu hỏi về triển vọng dài hạn của thị trường Mỹ và niềm tin của họ vào vị thế của USD như một nền kinh tế ổn định, pháp quyền và một ngân hàng trung ương độc lập.
Đồng USD. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tờ “Tín báo” của Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), các nhà đầu tư gần đây đã bắt đầu giảm phân bổ vào tài sản của Mỹ, điều này đã phá vỡ chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ cũng như một số mối quan hệ lâu đời với thị trường. Một trong những mối quan hệ này là sự biến động của đồng USD và lợi suất trái phiếu. Đồng USD giảm cùng với cổ phiếu Phố Wall ngay cả khi lợi suất trái phiếu Mỹ tăng, tính theo tỷ giá thương mại, đồng USD đã giảm 9% trong năm nay.

Lý thuyết thị trường và kinh nghiệm lịch sử gần đây cho thấy lợi suất tăng thường thúc đẩy đồng USD vì chênh lệch lãi suất trở nên hấp dẫn hơn. Một số người cho rằng sự khác biệt gần đây là do các nhà đầu tư lo ngại về triển vọng chính sách của Mỹ và điều đó sẽ ảnh hưởng đến vai trò của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Tại sao đồng USD không "cười"? Lý thuyết "nụ cười USD" cho rằng đồng USD có xu hướng mạnh lên khi nền kinh tế Mỹ đang mở rộng mạnh mẽ hoặc rơi vào suy thoái. Khi tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp tăng, các nhà đầu tư mua cổ phiếu Mỹ và các tài sản theo chu kỳ khác, đẩy giá đồng USD lên. Ngược lại, khi thị trường chịu áp lực hoặc đang hướng đến suy thoái, các nhà đầu tư đổ xô đến những tài sản trú ẩn an toàn như trái phiếu kho bạc Mỹ, khiến đồng USD tăng giá. Chỉ khi môi trường tăng trưởng toàn cầu đồng bộ và mạnh mẽ, chẳng hạn như những năm 2000, thì các nhà đầu tư mới đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình rộng rãi hơn, khiến đồng USD suy yếu.

Nhiều chính sách của Chính phủ Mỹ hiện tại rõ ràng đã gây cản trở cho các hoạt động kinh tế của Mỹ và khả năng suy thoái kinh tế vào nửa cuối năm 2025 cũng gia tăng. Tuy nhiên, đồng USD đã giảm khi các nhà đầu tư đặt câu hỏi về triển vọng dài hạn của thị trường Mỹ và niềm tin của họ vào vị thế của đồng USD như một nền kinh tế ổn định, pháp quyền và một ngân hàng trung ương độc lập.

 

Đồng USD có thực sự bị đe dọa không? Với hành vi bất thường của đồng USD, chúng ta nên xem xét vị trí hiện tại của đồng tiền này trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Hơn một nửa giao dịch hàng hóa toàn cầu được thanh toán bằng USD. Cụ thể, đồng USD chiếm 56% giá trị thanh toán thương mại toàn cầu, cao hơn nhiều so với đồng euro (30%) hoặc đồng yen (3%). USD cũng là đồng tiền quan trọng nhất trong các giao dịch ngoại hối, chiếm 87% tổng số giao dịch tiền tệ, điều này cũng có nghĩa là chi phí giao dịch sẽ thấp hơn. Mặc dù dự trữ ngoại hối được đa dạng hóa, đồng USD vẫn chiếm tới 58% tổng dự trữ, tỷ lệ này đã giảm từ mức 65% năm 2016, nhưng độ sâu thị trường và tính thanh khoản của tài sản USD Mỹ vẫn không đồng tiền nào có thể so sánh.

Đối với hầu hết các đồng tiền khác, việc thâm hụt cả tài khoản tài chính và tài khoản vãng lai như Mỹ thường sẽ gây áp lực mất giá đáng kể lên đồng tiền. Tuy nhiên, vị thế độc đáo của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu giúp đồng tiền này tránh khỏi những áp lực như vậy. Sự mất giá gần đây của đồng USD Mỹ có thể cho thấy sự bảo vệ này đang suy yếu.

Ngay cả khi có một đồng tiền xuất hiện có thể thách thức sự thống trị của đồng USD, thì cũng sẽ mất một thời gian để xuất hiện và điều này sẽ đòi hỏi sự gia tăng đáng kể trong cơ sở tài sản của các loại tiền tệ khác. Hiện nay, 70% nợ ngoại tệ được tính bằng USD, trong khi euro chỉ chiếm 21% và bảng Anh chiếm 3%.

Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Trong ngắn hạn, đồng USD có thể tiếp tục chịu áp lực và biến động có thể gia tăng do các yếu tố chính sách, thị trường và kinh tế. Theo một số tiêu chí, đồng USD vẫn bị định giá quá cao, với tỷ giá hối đoái thực tế theo trọng số thương mại vẫn cao hơn 1,6 độ lệch chuẩn so với mức trung bình 10 năm và thấp hơn một chút so với mức cao nhất vào tháng 1/2021.

Đồng thời, chính sách thuế quan của Mỹ và tác động tiếp theo của chính sách này đối với nền kinh tế có khả năng làm suy yếu thêm quan điểm về “chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ”, thúc đẩy các nhà đầu tư tìm kiếm sự phân bổ vốn chủ sở hữu toàn cầu rộng hơn để đa dạng hóa rủi ro. Nếu chính quyền Tổng thống Trump thúc đẩy đồng USD yếu hơn để hàng xuất khẩu của Mỹ có sức cạnh tranh hơn, điều đó có nghĩa là chính quyền này có thể coi xu hướng giảm giá của đồng USD là có thể chấp nhận được.

Lạm phát cao cũng là trở ngại lớn đối với việc tăng giá tiền tệ và tác động của thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu dự kiến sẽ làm tăng lạm phát ở Mỹ nhưng lại làm giảm lạm phát ở những nơi khác trên thế giới. Điều này có thể xảy ra nếu hàng hóa được chuyển hướng từ Mỹ sang các thị trường khác, do đó làm giảm giá.

Ngoài ra, tác động của chính sách thuế quan đối với tăng trưởng kinh tế đã làm suy yếu đáng kể triển vọng tăng trưởng của Mỹ và làm tăng kỳ vọng của thị trường rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ nới lỏng chính sách. Khi lạm phát cao hơn kết hợp với lãi suất tiền mặt thấp hơn dẫn đến lợi suất thực tế thấp hơn, điều này có thể gây thêm áp lực lên hiệu suất của đồng USD.

Xu hướng của đồng USD tác động như thế nào đến danh mục đầu tư? Hiện tại không có giải pháp thay thế khả thi nào cho đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu. Trừ khi Mỹ đảo ngược chính sách áp dụng thuế quan đối ứng, đồng USD vẫn phải đối mặt với rủi ro giảm giá trong ngắn hạn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục