Vai trò thiết yếu của đầu tư công đối với kinh tế toàn cầu (Phần 2)

06:30' - 30/09/2021
BNEWS Tăng cường hiệu quả quản lý đầu tư công là một trong những dự án cải cách chiến lược nhằm khôi phục khả năng tồn tại của tài chính công và đặt sự phát triển lên nền tảng vững chắc.
* Những yếu tố hạn chế hiệu quả đầu tư công

Mặc dù đã rất nỗ lực, song kế hoạch đầu tư công của Algeria vẫn tồn tại một số hạn chế. Về tốc độ tăng trưởng kinh tế, bình quân trong giai đoạn 2000-2019, con số này chỉ là khoảng 3%. Với lượng đầu tư đổ vào nền kinh tế lớn như vậy, các chuyên gia cho rằng tăng trưởng ít nhất phải đạt khoảng 7%. 

Về việc làm, các khoản đầu tư đã tạo ra 3,9 triệu việc làm. Tuy nhiên, đầu tư công nếu được quản lý hiệu quả có thể tạo ra 7,9 triệu việc làm, tương đương mức thiếu hụt 4,2 triệu việc làm mà Algeria đang ghi nhận. Hiện nay, chi phí để tạo ra mỗi đơn vị việc làm tại Algeria trung bình là 116.200 USD/việc làm, cao hơn gấp đôi so với tiêu chuẩn quốc tế.

Về thuế, những thiếu hụt về tăng trưởng và việc làm dẫn đến việc nước này để mất ít nhất từ 1-1,5 điểm phần trăm GDP liên quan đến doanh thu thuế. Cuối cùng, những yếu kém này cho thấy rõ ràng rằng vấn đề đầu tư công không phát sinh về khối lượng mà rất “khiêm tốn” về hiệu quả của chi tiêu vốn công. Nếu các khoản đầu tư được quản lý hiệu quả, Algeria có thể đã tiết kiệm được khoảng 200 tỷ USD trong 20 năm qua.

Các yếu tố hạn chế hiệu quả đầu tư công ở Algeria là rất đa dạng, trong đó có ba yếu tố chính. Một là quản trị chung kém, bao gồm sự yếu kém của các thể chế chịu trách nhiệm kiểm soát và giám sát kết hợp với mức chi đầu tư cao, tạo nền tảng cho sự phát triển và tồn tại của các hành vi tham nhũng và sự lãng phí các nguồn lực công cộng khan hiếm. 

Hai là việc không có chiến lược phát triển kể từ cuối những năm 1980 đã làm mất đi trạng thái của các cực thiết yếu trong đầu tư và tăng trưởng và tác động tiêu cực đến việc thiết kế các chương trình đầu tư, do không có sự ưu tiên đối với các ngành then chốt và sự kết nối giữa các ngành. Vì thế, các kế hoạch đầu tư không đủ cơ cấu. 

Ba là khuôn khổ quản lý đầu tư công không đầy đủ. Algeria đã thất bại ở các cấp của chuỗi chi tiêu vốn công, khi các chương trình đầu tư bị phân mảnh nhỏ và có sự chồng chéo về quyền hạn giữa một số cơ quan chức năng và các bên liên quan. 

Điều này làm dấy lên lo ngại liên quan đến tính thống nhất nội bộ và liên ngành của các chương trình đầu tư, chi phí, tác động của các dự án đến hội nhập và tăng trưởng kinh tế cũng như bản thân việc quản lý các dự án.  

* Thước đo đánh giá đầu tư công

Đối với trường hợp của Algeria, tính kém hiệu quả của đầu tư công có thể được đánh giá qua 4 chỉ số chính. Đầu tiên là hệ số nhân của chi tiêu vốn. Chỉ số này cho thấy đầu tư công chỉ đạt 40% tổng chi tiêu, do sự cứng nhắc của các mạch kinh tế.

Thứ hai, tỷ lệ chất lượng hạ tầng hiện là là 76%, ngụ ý tỷ suất cải thiện tiềm năng chỉ là 24%. Thứ ba là chi phí bổ sung, yếu tố quyết định việc đo lường hiệu quả đầu tư công theo tiêu chuẩn quốc tế. Chi phí này ở mức khoảng 30% đối với các dự án lớn nhất (đường bộ, đường sắt, năng lượng) do các yếu tố khách quan khác nhau.

Cuối cùng là sự chậm trễ trong việc hoàn thành các dự án, mà theo một số tổ chức quốc tế, con số này tại Algeria là khoảng 24 tháng. Điều này dẫn đến chi phí vượt chi phí ước tính khoảng từ 10% (xây dựng) đến 20% (phát triển địa phương) tùy thuộc vào tính chất của dự án.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức khoảng 2,3% trong khoảng một thập kỷ qua và tăng trưởng âm 4,2% vào năm 2020 cùng triển vọng trung hạn không khả quan, một trong những thách thức lớn nhất đối với Algeria trong vài năm tới là tăng cường và mở rộng nền kinh tế để tương xứng với tiềm năng và thu hút dòng người tìm việc.

Trong bối cảnh này, mục tiêu tăng trưởng bao trùm và đóng góp bền vững mà Algeria cần có liên quan đến việc giải quyết các hạn chế về cơ cấu. Ưu tiên hàng đầu là loại bỏ các nguồn chi đầu tư công kém hiệu quả trong điều kiện nguồn lực tài chính ngày càng cạn kiệt. 

Việc tăng cường hiệu quả quản lý đầu tư công, cùng với các câu hỏi về tăng thu thuế, thiết kế lại chi tiêu vãng lai và hợp lý hóa cơ cấu tài chính thâm hụt, là một trong những dự án cải cách chiến lược lớn nhằm khôi phục khả năng tồn tại của nền tài chính công và đặt sự phát triển trong tương lai lên nền tảng vững chắc. 

Trong quá trình cải cách này, có hai trục cần được giữ lại. Trục thứ nhất nhắm đến khối lượng chi tiêu để làm tốt hơn với số tiền thấp hơn và trục thứ hai tập trung nâng cao hiệu quả đầu tư công, tối đa hóa tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế và việc làm.

Các nghiên cứu quốc tế cho thấy đối với các nước xuất khẩu dầu, mức chi tiêu vốn không thể thấp hơn 11% GDP. Tại Algeria, vì mức hiện tại cao hơn gấp ba lần, điều này tạo điều kiện để các nhà quản lý đầu tư tốt hơn với ít nguồn lực hơn. 

Để làm được điều này, Chính phủ Algeria cần cơ cấu lại một cách sâu sắc các danh mục đầu tư công hiện nay, bên cạnh việc xem xét tất cả các giai đoạn của chuỗi quản lý đầu tư công./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục