VAMC: Con đường “dọn” nợ xấu vẫn chưa quang

08:59' - 02/11/2015
BNEWS Các nhà đầu tư kỳ vọng thực hiện việc mua nợ xấu qua VAMC luôn được đảm bảo về sự minh bạch, thuận lợi đối với các thủ tục pháp lý liên quan đến khoản nợ.

Nhìn lại cả tiến trình thực hiện đề án xử lý nợ xấu, có thể thấy thành công bước đầu đạt được có phần đóng góp không nhỏ của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Một khối lượng lớn nợ xấu đã được VAMC mua lại. Tuy nhiên, việc xử lý khối nợ xấu đã mua này ra sao vẫn đang là một câu hỏi lớn. 

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng (VAMC). Ảnh: TTXVN

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC nhấn mạnh, VAMC nếu được cho tiền thật với cơ chế như hiện nay thì cũng không xử lý hết được nợ bởi chưa có thị trường mua bán nợ. Đối tượng được mua bán nợ bị hạn chế theo các quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Quốc Hùng dẫn chứng, trong thời gian qua, rất nhiều tổ chức quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài đến làm việc với VAMC để tìm hiểu thực tế hoạt động của VAMC, khuôn khổ pháp lý trong việc triển khai xử lý nợ, bán các khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt. Các nhà đầu tư kỳ vọng thực hiện việc mua nợ xấu qua VAMC luôn được đảm bảo về sự minh bạch, thuận lợi đối với các thủ tục pháp lý liên quan đến khoản nợ.

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu hệ thống pháp luật tại Việt Nam đối với các vấn đề liên quan đến mua bán và xử lý nợ, về sở hữu đất đai, về tái cấu trúc doanh nghiệp, đặc biệt là vai trò còn hạn chế của VAMC trong việc quyết định các vấn đề về bán nợ, bán tài sản đảm bảo ..., các nhà đầu tư chỉ mới tiếp cận để tìm hiểu bước đầu mà chưa chính thức đặt vấn đề cụ thể.

Bên cạnh đó, theo ông Chủ tịch VAMC hiện nay Việt Nam chưa có thị trường mua bán nợ xấu làm đối tượng được mua bán nợ bị hạn chế theo các quy định pháp luật. Cụ thể Luật Đầu tư 2014 quy định: “Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ là ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện” và Luật 69/2014/QH13 quy định: “Doanh nghiệp được quyền bán nợ phải thu quá hạn, nợ phải thu khó đòi, nợ phải thu không có khả năng thu hồi.

Doanh nghiệp chỉ được bán nợ cho tổ chức kinh tế có chức năng kinh doanh mua bán nợ, không được bán trực tiếp cho đối tượng nợ. Giá bán do các bên thỏa thuận và chịu trách nhiệm về quyết định của mình”. Như vậy VAMC mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng nhưng không thể bán được nợ cho bên thứ ba nếu không có giấy phép kinh doanh về ngành nghề mua bán nợ. 

Ngân hàng Vietcombank luôn chủ động trong công tác xử lý nợ xấu. Ảnh: TTXVN

Ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cũng cho rằng VAMC có vai trò cầu nối giữa việc điều tiết chỉ đạo của Chính phủ với việc xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, nhờ đó tổ chức tín dụng có thể chủ động hơn trong công tác xử lý nợ xấu, dành nguồn lực và nguồn vốn phát triển các khách hàng mới tiềm năng.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng nhận định, trong thời gian qua, VAMC chưa thực hiện được nhiều các quyền hạn để hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong công tác xử lý và thu hồi nợ mà Chính phủ đã trao như thu giữ và phát mại tài sản, tìm đối tác mua nợ, cơ cấu nợ cho khách hàng,… Nguyên nhân cũng do nội lực của VAMC chưa cho phép về mặt nhân sự, cơ cấu tổ chức, bộ máy, cơ chế hoạt động, văn bản hướng dẫn... 

Tiến sỹ Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định, trong điều kiện như hiện nay VAMC chưa có khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, chưa có thị trường mua bán nợ phát triển; sản xuất kinh doanh chưa có sự phục hồi mạnh mẽ. Do đó, VAMC chưa thể trở thành giải pháp tối ưu để có thể xử lý nợ xấu một cách triệt để.

“VAMC không thể tịch thu tài sản thế chấp của người vay để bán với giá thấp mà không có sự đồng thuận của khách hàng. Hơn nữa, việc hạ giá thấp giá trị tài sản thế chấp sẽ gây ảnh hưởng và tổn hại không chỉ đối với các tổ chức tín dụng, khách hàng vay mà còn tổn hại đến nền kinh tế trong bối cảnh cầu về bất động sản còn yếu, giá bất động sản thấp”, Tiến sỹ Trương Văn Phước nói.

Dù vậy, vị chuyên gia đầy am hiểu về lĩnh vực tài chính ngân hàng này vẫn khẳng định rằng, trong điều kiện đặc thù của Việt Nam, việc sử dụng VAMC làm công cụ xử lý nợ xấu trong thời gian qua là giải pháp thích hợp.

Ông Trương Văn Phước phân tích, có thể thấy phương thức xử lý nợ xấu theo cách rất đặc thù thời gian qua đã phát huy hiệu quả nhất định, góp phần mở ra hướng đi mới để dòng vốn tín dụng tiếp tục đi vào nền kinh tế theo cách phân bổ hiệu quả hơn, giúp nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi và phát triển. 

Ảnh minh họa: TTXVN

Để xử lý nợ xấu một cách triệt để, Tiến sỹ Trương Văn Phước hiến kế, cần có các chính sách tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng bền vững nhằm giúp hệ thống tổ chức tín dụng có khả năng sinh lời cao hơn, từ đó có nguồn lực xử lý nợ xấu.

Bên cạnh đó cần sớm hình thành thị trường mua bán nợ; đánh giá chính xác hơn về giá trị của tài sản đảm bảo cho các tổ chức tín dụng. Trong thực tế, các tài sản đảm bảo khi chưa hoàn thành thủ tục pháp lý thường bị loại trừ trong việc đánh giá giá trị tài sản, gây áp lực tổn thất cho hoạt động của ngân hàng.

Vì vậy, cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để giúp cân đối tài sản đảm bảo với giá trị nợ vay.Dù con đường dọn nợ xấu còn chưa quang, ông Nguyễn Quốc Hùng vẫn khẳng định, VAMC mua nợ xấu về không phải để đấy.

Từ năm 2016, VAMC xác định thực sự phải tự đi trên chính đôi chân của mình, do toàn bộ nợ xấu của từng tổ chức tín dụng đã về mức cho phép là 3% và Ngân hàng Nhà nước sẽ không cần phải yêu cầu các tổ chức tín dụng bán nợ xấu cho VAMC.

Sau thời gian tập trung mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, VAMC đặt mục tiêu hàng đầu trong triển khai công việc từ năm 2016 là tập trung toàn lực vào việc xử lý nợ (bán nợ, bán tài sản...) và mua nợ theo giá thị trường đối với những khoản nợ xấu mới phát sinh, hạn chế dần việc mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt.

Ở giai đoạn này, bên cạnh việc tiếp tục mua nợ xấu nội bảng và ngoại bảng của tổ chức tín dụng theo giá thị trường, VAMC sẽ xây dựng được chiến lược mua bán nợ xấu trên cơ sở phân loại các khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt để thực hiện mua đứt theo giá trị thực tế.

Đồng thời, tham gia góp vốn, chuyển nợ thành vốn góp để tái cấu trúc doanh nghiệp có khả năng phục hồi sản xuất. Nếu tiềm lực đủ mạnh, VAMC sẽ hướng đến việc bỏ vốn mua cổ phần của các tổ chức tín dụng để tham gia tái cấu trúc./. 

Đỗ Huyền/Bnews/TTXVN 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục