Vẫn còn những hoài nghi đối với thoả thuận về người di cư EU-Thổ Nhĩ Kỳ

06:30' - 22/03/2016
BNEWS Thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề người tị nạn bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/3. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến hoài nghi về tính khả thi của thỏa thuận này.
Vẫn còn những hoài nghi về tính khả thi của thoả thuận di cư EU-Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters

Thỏa thuận vừa đạt được giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tìm cách ngăn chặn làn sóng người tị nạn đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/3. 

Trước đó, trong cuộc họp song phương ngày 18/3 tại thủ đô Brussels giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, hai bên đã nhất trí kế hoạch đưa trở lại người di cư về Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, tất cả những người Syria di cư trái phép đã đến Hy Lạp sẽ được đưa trở lại Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 20/3 tới. Theo kế hoạch này, cứ 1 người tị nạn Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ được EU tái phân bổ sẽ đổi lấy 1 người di cư Syria được đưa trở lại Thổ Nhĩ Kỳ từ Hy Lạp. 

Tuy nhiên, việc phối hợp với Ankara để gửi ngược lại Thổ Nhĩ Kỳ những người nhập cư tới Hy Lạp nhưng vẫn phải tôn trọng quyền tị nạn là một thách thức lớn đối với quốc gia cửa ngõ của châu Âu. Athens cũng thừa nhận khó lòng áp dụng được bản thỏa thuận trên ngay ngày đầu tiên có hiệu lực.

Trên đảo Lesbos của Hy Lạp, nơi đa số người tị nạn đặt chân đến, đang có một làn sóng giận dữ đối với thỏa thuận này. Tại đây, những người tình nguyện tiếp tục các cuộc canh thức không ngưng nghỉ để phát hiện thuyền bè của người tị nạn. Thời tiết xấu nhiều ngày qua đã khiến nhiều thuyền bè không vượt biển được song các toán cứu hộ ở đó tin rằng hàng trăm, nếu không phải là hàng ngàn, người tị nạn đang chờ khởi hành vượt biển. Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng họ bắt giữ hơn 1.700 di dân ngày 19/3 dọc theo bờ biển cùng với 16 nghi can đưa lậu người. 

Theo thông báo của Thủ tướng Alexis Tsipras, được hãng tin Pháp AFP trích dẫn, sau sáu năm thực hiện chính sách khắc khổ, hiện Hy Lạp đang gặp khó khăn để thực hiện bản thỏa thuận giữa EU và Ankara. Vì vậy, các đối tác châu Âu cam kết gửi lực lượng hỗ trợ ngay lập tức với khoảng 2.300 người, trong đó có 400 chuyên gia về tị nạn và 400 phiên dịch.

Trong một thông cáo chung, Bộ trưởng Nội vụ hai nước Đức và Pháp cho biết Paris và Berlin cũng sẵn sàng gửi 600 cảnh sát và chuyên gia về tị nạn tới Hy Lạp. Giorgos Kyritsis, Phát ngôn viên của cơ quan điều phối chính sách nhập cư tại Hy Lạp, cho hay mặc dù ông Tsipras đã yêu cầu các Bộ trưởng “áp dụng ngay lập tức bản thỏa thuận” song “trên thực tế, còn phải chờ mọi tổ chức và nhân sự được hình thành và việc này cần hơn 24 giờ”. 

Theo Ủy ban châu Âu (EC), tổng cộng khoảng 4.000 nhân viên sẽ được huy động trong chiến dịch này, trong đó có khoảng 1.000 nhân viên an ninh và quân đội cùng với 1.500 cảnh sát Hy Lạp và châu Âu, cùng với khoản ngân sách lên tới 280 triệu euro trong vòng sáu tháng tới đây. 

Về nguyên tắc, các đợt gửi người nhập cư ngược lại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được bắt đầu kể từ ngày 4/4. Tám chiếc tàu của Cơ quan biên giới châu Âu, với sức chứa từ 300 đến 400 người, sẽ được điều động để chở người nhập cư. Còn Hy Lạp sẽ chuẩn bị khoảng 20.000 chỗ tiếp nhận trên các hòn đảo của nước này, thay vì 6.000 chỗ như hiện nay. Quyết định trên có nguy cơ gây bất bình cho những công ty và cá nhân kinh doanh du lịch. 

Trong khi đó, dù thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đã có hiệu lực, hàng nghìn người vẫn đổ tới Hy Lạp. Có những tin đồn lan truyền trong các trại tị nạn rằng việc trục xuất về lại Thổ Nhĩ Kỳ căn cứ vào quốc tịch của người tị nạn. Bất chấp những bảo đảm từ phía Brussels về việc đối xử công bằng với người tị nạn, có những nghi ngờ rằng kế hoạch này không thực hiện được và không hợp pháp. 

Cũng liên quan tới thoả thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Tài chính bang Bayern (Đức) ông Markus Söder, thuộc đảng CSU cho rằng thoả thuận này có thể dẫn tới việc người Kurd sẽ ồ ạt kéo tới Đức. Theo ông Söder, thoả thuận đạt được sẽ tiến tới miễn thị thực cho người Thổ Nhĩ Kỳ vào châu Âu và như vậy, người Kurd chạy trốn các cuộc truy quét của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ùn ùn kéo tới Đức./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục