Vẫn còn tồn dư chất cấm vượt ngưỡng trong rau, quả, thịt

15:49' - 03/03/2016
BNEWS Tỷ lệ mẫu tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm và vượt ngưỡng cho phép trong thủy sản nuôi tăng, cho thấy tình trạng lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong thủy sản nuôi đã đến mức báo động
Vẫn còn tồn dư chất cấm vượt ngưỡng trong rau, quả, thịt. Ảnh minh họa: TTXVN

Tại hội nghị trực tuyến “Tổng kết hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp và triển khai kế hoạch năm 2016” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 3/3 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đánh giá, thời gian qua, thanh tra Bộ và các đơn vị đã hành động quyết liệt trong đợt cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm và đã có kết quả tích cực.

Các mục tiêu cơ bản của đợt cao điểm đều đạt tương đối tốt nhưng vẫn yếu trong xây dựng chuỗi sản xuất, kết nối thực phẩm an toàn. Ngoài ra, vẫn còn tồn dư chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép trên rau, quả, thịt...

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2015 đến tháng 2/2016, qua lấy mẫu kiểm tra cho thấy có 5,3% mẫu rau, quả, trái cây nhiễm chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép; 2% mẫu thịt và sản phẩm thịt vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép; 15,4% mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu vi sinh vật; 7,9% mẫu thủy sản vi phạm các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép.

Về việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi có sự chuyển biến tích cực là nhờ có sự chỉ đạo đúng, quyết liệt. Căn bản nhất là các cuộc thanh tra, kiểm tra đều có sự tham gia của truyền thông.

Đây là cách làm khác, cách làm hoàn toàn mới và đã đem lại hiệu quả tích cực. Cùng với đó là việc chỉnh sửa kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật như: bổ sung một số chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, Bộ luật Hình sự sửa đổi đã có quy định hình sự đối với các đối tượng có sử chất cấm.

Ông Nguyễn Văn Việt cũng cho biết, qua phối hợp với C49 (Bộ Công an) trong thanh kiểm tra gần như đã xác định và khống chế được nguồn cung cấp Salbutamol ra thị trường.

Nhờ sự vào cuộc ráo riết của các lực lượng, đến cuối đợt cao điểm, liên ngành đã lấy 207 mẫu thức ăn chăn nuôi của 32 công ty sản xuất tại 10 tỉnh, thành phố để phân tích chất cấm. Kết quả phân tích không phát hiện mẫu nào dương tính với các loại chất cấm.

Mặc dù vậy, ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản nhận định: “Do việc tăng cường kiểm tra liên tục, đột xuất dẫn đến tình trạng mua bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã trở nên tinh vi hơn, khó phát hiện hơn”.

Qua kết quả triển khai ở các địa phương, ông Phùng Hữu Hào đánh giá, việc ngăn chặn hiệu quả, tiến tới giải quyết dứt điểm việc sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y thủy sản trong trồng trọt, nuôi trồng thủy sản chưa được triển khai quyết liệt, đồng bộ tại tất cả các địa phương.

Đặc biệt, tỷ lệ mẫu tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm và vượt ngưỡng cho phép trong thủy sản nuôi tăng, cho thấy tình trạng lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong thủy sản nuôi đã đến mức báo động.

Bộ trưởng Cao Đức Phát. Ảnh: TTXVN

Về vấn đề trên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, đây không phải là vấn đề mới, Bộ đã chỉ đạo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cùng hệ thống tăng cường giám sát nhưng vẫn chưa tạo được chuyển biến mạnh về vấn đề này. Bộ trưởng yêu cầu trong 4 tháng tới phải xử lý căn bản tình trạng trên.

Sau khi triển khai đợt cao điểm an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, một số tỉnh chưa quyết liệt trong việc điều tra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi có vấn đề, có đại phương dường như khoán lại cho Thành phố. Do vậy, giữa các địa phương cần có sự phối hợp để công tác thanh tra đạt hiệu quả cao hơn.

Ông Trung cũng kiến nghị, Bộ cần nghiên cứu các biện pháp để có thể tạm giữ lô hàng trong thời gian xét nghiệm để nếu cần có thể tiêu hủy sản phẩm, tránh việc khi có kết quả sai phạm sản phẩm đã được đưa ra thị trường.

Nguồn hàng về Thành phố Hồ Chí Minh tập trung chủ yếu ở 3 chợ đầu mối lớn. Do đó, trong thời gian tới, Thành phố sẽ có giải pháp quản lý cụ thể cho 3 chợ đầu mối này. Đồng thời tiếp tục phát triển sản phẩm an toàn, xây dựng chuỗi cung ứng sao cho chí phí, giá thành thấp nhất, ông Trung cho biết.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, an toàn thực phẩm là nhiệm vụ ưu tiên số 1 của ngành do đó phải có kế hoạch hành động tương xứng. Do đó, năm nay phải tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong đảm bảo an toàn thực phẩm. Rút kinh nghiệm phải chọn ra trọng tâm, trọng điểm. Quyết tâm tạo sự chuyển biến, giải quyết tận gốc căn cơ hơn.

Bộ trưởng đề nghị các đơn vị, địa phương tập trung vào 2 việc chính là kiểm soát việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau và trái cây.

“Kiểm soát việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản là vấn đề phức tạp hơn so với quản lý chất cấm trong chăn nuôi nhưng với kinh nghiệm xử lý chất cấm vẫn có thể làm được”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng yêu cầu, trong 2 tháng tới, các đơn vị phải hoàn thành sửa đổi VietGAP phù hợp với thực tiễn. Làm sao khuyến khích nông dân sản xuất theo VietGAP để có xác nhận.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đề nghị Bộ Y tế, sửa đổi, bổ sung những quy định có liên quan đến mức tồn dư tối thiểu các loại kháng sinh để từ đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như địa phương có cơ sở để giám sát và xử lý vi phạm.

Trong đợt cao điểm đã có 2.781 cơ sở được hướng dẫn áp dụng GAP và đã có 2.225 cơ sở (chiếm 80%) được chứng nhận áp dụng GAP. Đến nay, 35 tỉnh/thành phố đã hỗ trợ xây dựng được 280 chuỗi cung ứng nông thủy sản an toàn bày bán tại 329 cơ sở phân phối thực phẩm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục