Vấn đề người di cư lại làm nóng chính trường Mỹ

11:24' - 31/03/2022
BNEWS Các nghị sĩ đảng Cộng hòa đã chỉ trích Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cố ý tạo ra một cuộc khủng hoảng người di cư mà theo một số nhóm hoạt động đã khiến hàng nghìn người bị tra tấn và cưỡng bức.

Các nghị sĩ đảng Cộng hòa ngày 30/3 đã chỉ trích Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cố ý tạo ra một cuộc khủng hoảng người di cư mà theo một số nhóm hoạt động đã khiến hàng nghìn người bị tra tấn và cưỡng bức, trong bối cảnh số người di cư vào Mỹ qua ngả Mexico đã tăng mạnh ở mức kỷ lục những tuần qua.

Theo giới lãnh đạo đảng Cộng hòa, Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã khiến cuộc khủng hoảng biên giới hiện tại trở nên “tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ”.

Trong tài khóa vừa qua, lực lượng biên phòng Mỹ đã chặn 1,7 triệu lần người di cư tìm cách nhập cảnh trái phép, con số cao kỉ lục cũng như gấp 4 lần số vụ trục xuất trong năm cuối cùng nhiệm kì Tổng thống tiền nhiệm, vốn phần nào giảm bớt bởi đại dịch COVID-19.

Dự kiến giới chức biên phòng Mỹ sẽ thông báo trong vài ngày tới về việc đã chặn 1 triệu người di cư trái phép trong 6 tháng đầu của tài khóa mới. Phát biểu với báo giới, Thượng nghị sĩ Tez Cruz của đảng Cộng hòa cáo buộc đảng Dân chủ đã bỏ mặc vấn đề, ủng hộ người nhập cư trái phép và coi đây là nền tảng cử tri ủng hộ trong tương lai.

Đảng Cộng hòa cũng cảnh báo số người di cư trái phép sẽ còn tăng mạnh nếu Tổng thống Biden chấm dứt Sắc lệnh 42, chính sách chính quyền tiền nhiệm đã áp dụng trong giai đoạn đại dịch COVID-19, cho phép lực lượng biên phòng có thể nhanh chóng trục xuất người tị nạn đến từ những nước dịch bệnh bùng phát mạnh. Cũng theo đảng Cộng hòa, một hệ quả khác nữa là vấn nạn buôn bán và lạm dụng ma túy cũng sẽ tăng vọt tại Mỹ.

Dự kiến Sắc lệnh 42 sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 3 và Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ sẽ quyết định về việc có gia hạn thêm 60 ngày hay không.

Tuy nhiên, bản thân nội bộ đảng Dân chủ hiện cũng đang chia rẽ trong vấn đề này, khi những người ủng hộ gia hạn cho rằng sắc lệnh này là “công cụ quan trọng” để kiểm soát đại dịch COVID-19, trong khi những người phản đối nhận định sắc lệnh đã lỗi thời do đại dịch đang lắng xuống cũng như trái với các công ước quốc tế về người tị nạn.

Hồi đầu tháng, một tổ chức nhân quyền của người tị nạn cho biết đã ghi nhận gần 10.000 vụ bắt cóc, tra tấn, cưỡng bức và những vụ tấn công bạo lực khác nhằm vào người di cư đang mắc kẹt tại Mỹ hoặc bị trục xuất về Mexico./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục