Văn hoá tạo bản sắc riêng cho doanh nghiệp

17:33' - 30/01/2018
BNEWS Doanh nghiệp Việt có văn hoá làm việc tập thể; trong đó, lòng trung thành là giá trị được tôn vinh và công ty luôn nỗ lực xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa các thành viên như một gia đình.
May hàng xuất khẩu tại Xí nghiệp May 2 thuộc Tổng công ty May 10. Ảnh: Trần Việt-TTXVN

Doanh nghiệp Việt có sự phân biệt về hệ thống thứ bậc; trong đó, nhân viên có xu hướng nghe lệnh cấp trên một cách tuyệt đối. Doanh nghiệp Việt có văn hoá làm việc tập thể; trong đó, lòng trung thành là giá trị được tôn vinh và công ty luôn nỗ lực xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa các thành viên như một gia đình.

Theo đó, mâu thuẫn được giải quyết bằng sự hoà giải và hợp tác, thay vì dựa trên luật lệ, quy định. Doanh nghiệp Việt cũng đề cao văn hoá thực dụng và sẵn sàng thay đổi những giá trị truyền thống để thích nghi với hoàn cảnh.

Doanh nghiệp Việt cũng đề cao văn hoá kiểm soát và nhân viên có xu hướng hoài nghi, bi quan với công ty. Ý tưởng và hành động của họ không được đón nhận tích cực bởi những rào cản xã hội...

Đây là những đặc tính về doanh nghiệp Việt Nam mà Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Quân đã chỉ ra tại cuộc trao đổi, thảo luận "Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam - những điều suy ngẫm" được tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Từ những nghiên cứu trên đây về văn hoá doanh nghiệp, Tiến sĩ Quân cũng chỉ ra nhiều mô hình doanh nghiệp phù hợp với từng đặc trưng về văn hoá.

Cụ thể, như các công ty gia đình, tiểu thương và buôn bán nhỏ...luôn mang sắc thái của văn hoá gia đình. Trong khi các tập đoàn, tổng công ty thường thể hiện văn hoá cấp bậc, thì các công ty và doanh nghiệp vừa và nhỏ lại thể hiện văn hoá thị trường và các công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp startup lại có văn hoá sáng tạo....

Sự khác biệt về mô hình và bản sắc văn hoá cũng khiến các doanh nghiệp Việt Nam đang tồn tại những điểm yếu và bất cập như mâu thuẫn giữa nhân viên và quản lý; giữa nhân viên và công ty.

Hay văn hoá cấp bậc đề cao sự kiểm soát cũng dẫn đến giảm sự sáng tạo và động lực làm việc của nhân viên; văn hoá thị trường tập trung toàn bộ vào việc kiếm được thật nhiều lợi nhuận cho chủ doanh nghiệp. Đồng nghĩa với việc "vắt chanh bỏ vỏ" và quyền lợi của nhân viên không được đảm bảo...dẫn tới nhiều hệ lụy về xung đột và tranh chấp lao động.

Theo Tiến sĩ Phan Quốc Việt, Trung tâm Phát triển kỹ năng con người Tâm Việt, xây dựng văn hoá doanh nghiệp không đơn thuần là liệt kê ra các giá trị mong muốn, mà đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các thành viên, sự khởi xướng, cổ vũ, động viên của lãnh đạo.

Văn hoá doanh nghiệp không phải thực hiện trong ngày một ngày hai, nó có thể là một chặng đường kéo dài hàng thập kỷ. Việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp không phải là một khẩu hiệu, nó phải được sự vun đắp của từng cá nhân trong tổ chức doanh nghiệp đó, xây dựng văn hóa là chìa khóa để doanh nghiệp được trường tồn.

Cùng chung quan điểm, Tiến sĩ Phạm Văn Phổ, Chuyên gia EduViet Consultancy, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh Hà Nội cho rằng, xây dựng văn hoá doanh nghiệp là một quá trình kiên nhẫn, lâu dài và đòi hỏi ý chí lớn lao của từng nhà lãnh đạo, cán bộ công ty.

Để xây dựng văn hóa trong doanh nghiệp, trước hết phải là ý chí xây dựng văn hóa của ban lãnh đạo doanh nghiệp. Sau đó phải qua công tác giáo dục để nhân viên hiểu, chấp nhận chia sẻ và đi đến sự đồng thuận trong cộng đồng doanh nghiệp đó. Ngoài ra, muốn xây dựng văn hoá doanh nghiệp thì phải biết phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận trong công ty. Thiếu sự hợp lực này thì văn hoá doanh nghiệp sẽ không xây dựng được.

Để giải quyết những mâu thuẫn và yếu điểm về bản sắc văn hoá ở một số mô hình doanh nghiệp Việt Nam, các chuyên gia nghiên cứu nhấn mạnh, mỗi doanh nghiệp cần thiết lập những chuẩn mực rõ ràng như xây dựng nên triết lý quản lý và kinh doanh riêng biệt của doanh nghiệp.

Đây là cơ sở định hướng hoạt động của doanh nghiệp, chi phối các quyết định quản lý và tạo nên niềm tin, cùng các giá trị tinh thần, giá trị vô hình cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có những giải pháp tạo động lực phát triển doanh nghiệp và là động lực phấn đấu, sáng tạo của từng cá nhân.

Việc xây dựng các quy trình, quy định và chuẩn mực rõ ràng là cần thiết sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động được ổn định và hiệu quả. Cùng với đó, tăng cường hệ thống trao đổi thông tin để mọi thành viên trong doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng.

Quan trọng không kém là thiết kế các hoạt động văn hoá mang tính phong trào hay nghi lễ, mà thông qua đó có thể tuyên truyền, phổ biến các đường lối, chính sách của doanh nghiệp, tạo dựng hình ảnh tốt, thương hiệu tốt cho doanh nghiệp trước cộng đồng..../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục