Văn phòng gia đình - mô hình tạo ra sự giàu có nhanh nhất trên thế giới?

19:50' - 14/07/2024
BNEWS Văn phòng gia đình, đơn vị quản lý các khoản đầu tư của giới siêu giàu, đã trở thành một trong những tổ chức tạo ra sự giàu có nhanh nhất trên thế giới từ Mỹ đến Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore.
Tồn tại hơn 150 năm, mô hình hoạt động như công ty tư vấn quản lý tài sản tư nhân phục vụ các cá nhân có giá trị ròng cực cao này đã trở thành một trong những nền tảng của hệ thống tài chính.

Theo một báo cáo hồi tháng Một của tập đoàn truyền thông Mỹ Forbes, trích dẫn số liệu của Economist Intelligence Unit và DBS Private Bank, văn phòng gia đình đã mở rộng từ một số ít đơn vị vào những năm 1980 lên khoảng 15.000 văn phòng trên toàn thế giới với tài sản ước tính khoảng 5.900 tỷ USD.

 
Một số nhà quản lý tài sản kỳ vọng số lượng văn phòng sẽ tăng thêm, làm giàu cho những cá nhân siêu giàu mà họ phục vụ và cả nền kinh tế toàn cầu. Ông Hannes Hofmann, người đứng đầu nhóm văn phòng gia đình tại Citi Private Bank, cho rằng tốc độ tạo ra tài sản của giới siêu giàu đang rất nhanh và đây là điều tốt cho kinh tế thế giới cũng như hệ thống tài chính.

Mặc dù mô hình trên rất đa dạng, từ các đơn vị quản lý tài sản cho một gia đình với một số ít nhân viên đến các nhóm đa văn phòng đại diện cho nhiều gia đình và quản lý hàng trăm triệu USD, nhưng các văn phòng đều phải đối mặt với một số rủi ro có thể cản trở đà tăng trưởng.

Thứ nhất, việc chuyển giao tài sản khổng lồ cho thế hệ tiếp theo – được nhà cung cấp dữ liệu Wealth-X ước tính lên tới 18.300 tỷ USD vào năm 2030 – có thể diễn ra không mấy suôn sẻ. Một số gia đình có thể phải gánh chịu cái gọi là lời nguyền thế hệ thứ ba, khi tiền bạc mất đi do đấu đá nội bộ và những quyết định sai lầm, khi người sáng lập và người tạo ra của cải ít tham gia vào hoạt động kinh doanh hơn.

Thứ hai, các công ty quản lý tài sản gia đình đang ngày càng đầu tư nhiều hơn vào các thị trường tư nhân có rủi ro hơn nhằm tìm kiếm lợi suất cao hơn, tránh xa cách tiếp cận truyền thống an toàn hơn.

Thứ ba, thế giới đã trở nên bất ổn hơn, với các cuộc xung đột tại Trung Đông và Ukraine, cũng như căng thẳng âm ỉ tại châu Á. Báo cáo Văn phòng Gia đình Toàn cầu năm 2024 của UBS chỉ ra rằng nguy cơ xảy ra xung đột địa chính trị nghiêm trọng là mối lo ngại lớn đối với các văn phòng gia đình, cả trong ngắn hạn và trung hạn. Tại hai hội nghị văn phòng gia đình lớn ở Singapore và London do Deutsche Bank Private Bank tổ chức, những người tham dự cho biết địa chính trị là chủ đề ảnh hưởng nhiều nhất đến quyết định phân bổ tài sản. Đây rõ ràng là một mối đe dọa có thể làm gián đoạn thị trường và đảo lộn một số danh mục đầu tư.

Bên cạnh đó, còn có những rủi ro khác, như lạm phát và tấn công mạng, nhưng một số nhà quản lý tài sản lại bỏ qua những vấn đề này. Ông James Whittaker, người người đứng Deutsche Bank Private Bank tại Anh nhận định trên thế giới luôn có những căng thẳng về địa chính trị và các công ty quản lý tài sản gia đình phần lớn đều đang đa dạng hóa danh mục đầu tư để giảm thiểu rủi ro.

Ông Hofmann nhấn mạnh thêm các văn phòng gia đình đang tuyển dụng nhiều nhân tài và luôn đa dạng hóa. Bất kỳ khoản đầu tư nào cũng có rủi ro, nhưng các văn phòng gia đình có thể tiếp tục là một câu chuyện thành công và mang lại lợi ích cho nền kinh tế thế giới.

Các cố vấn và nhà quản lý tài sản thừa nhận có những rủi ro, nhưng về cơ bản họ vẫn kỳ vọng lĩnh vực này sẽ tiếp tục phát triển. Họ tin rằng văn phòng gia đình sẽ đóng vai trò vai trò ngày càng quan trọng trong hệ thống tài chính và tạo ra nhiều của cải hơn cho giới siêu giàu, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu bằng cách cung cấp vốn và tài chính cho các công ty và tổ chức.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục