Vận tải thủy "tìm đường" nâng thị phần

11:49' - 15/01/2018
BNEWS Định hướng trong thời gian tới của ngành giao thông vận tải là đẩy mạnh phát triển vận tải đường thủy, đường biển để giảm tải cho đường bộ.

Định hướng trong thời gian tới của ngành giao thông vận tải là đẩy mạnh phát triển vận tải đường thủy, đường biển để giảm tải cho đường bộ. Theo đó, sẽ có những chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng giao đường thủy.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa xung quanh vấn đề này.

Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Hoàng Hồng Giang. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Phóng viên: Để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào vận tải thủy, theo ông Nhà nước cần có những cơ chế chính sách gì?

Cục trưởng Hoàng Hồng Giang: Đường thủy hiện mới đạt gần 18% tổng thị phần vận tải hàng hóa của toàn ngành giao thông vận tải. Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới của ngành đường thủy nội địa là tập trung các giải pháp thúc đẩy vận tải, tạo kết nối tốt hơn với hàng hải, đường bộ, đường sắt để nâng thị phần vận tải thủy.

Tuy nhiên, do kết nối chưa tốt nên lợi thế giá rẻ của vận tải thủy chỉ phát huy được trên luồng đường thủy. Còn khi đến cảng, từ bến này đến cảng bến kia, chi phí chuyển hàng xuống tàu và từ tàu lên bờ, đến điểm cuối lại cao nên lợi thế bị mất đi. Do đó, cần một giải pháp đồng bộ từ cơ chế chính sách phát triển hạ tầng đến trang thiết bị, phương tiện vận tải thủy…

Trước tiên, đối với phương tiện thủy nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tài chính như: cho vay với lãi suất thấp để người dân, doanh nghiệp có điều kiện mua tàu mới, hoán cải, nâng cấp tàu hoặc chuyển đổi tàu hàng thành tàu chuyên dụng, tàu chở container…

Bên cạnh đó, có thực hiện chính sách ưu đãi về thuế (như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng) đối với các doanh nghiệp vận tải thủy. Khi đó, người dân, doanh nghiệp sẽ có sự dịch chuyển, quan tâm đến lĩnh vực đường thủy hơn.

Còn một vấn đề nữa mà Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải cần quan tâm là tiếp tục thực hiện quyết liệt việc kiểm soát tải trọng phương tiện trên đường bộ; trong đó, cần quy định với khoảng cách dài thì những hàng hóa cồng kềnh, khối lượng lớn không thực hiện bằng đường bộ. Chẳng hạn như ở nhiều nước châu Âu đã quy định không cho phép chở trên đường bộ với những hàng hóa như cát đá, sắt thép, xi măng…

Nếu Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải thực hiện tốt vấn đề này cũng sẽ giúp vận tải hàng hóa có sự dịch chuyển xuống đường thủy.

Về hạ tầng đường thủy, cũng như phương tiện thủy hiện nay chủ yếu do tư nhân đầu tư nên hạ tầng đường thủy như bến bãi, cảng thủy nội địa cũng được tư nhân tham gia phần lớn. Do đó, về phía Nhà nước cần xây dựng ban hành những hàng lang pháp lý để các doanh nghiệp đầu tư đúng hướng, đúng trọng điểm.

Lấy ví dụ như nếu có những chính sách khuyến khích đối với các doanh nghiệp thực hiện vận tải từ hai phương thức trở lên (đường thủy, đường sắt) thì sẽ được ưu đãi về thuế. Khi đó doanh nghiệp sẽ cân nhắc nếu thấy lợi, doanh nghiệp sẽ làm.

Nếu xét tổng thể khi có nhiều doanh nghiệp chuyển sang vận chuyển theo phương thức vận tải thủy sẽ giúp nhà nước giảm được các chi phí vận tải. Khi đó, sức cạnh tranh của hàng hóa sẽ tốt hơn, sự chuyển hàng hóa sẽ rẻ hơn và qua đó sẽ đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế một cách bền vững.

Hoạt động đường thuỷ trên sông Đuống (đoạn qua Hà Nội). Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Phóng viên: Theo đánh giá hiện nay, nhiều bến cảng thủy nội địa có quy mô nhỏ, trang thiết bị còn lạc hậu, vậy cần làm gì để nâng cấp, xây dựng mới các cảng thủy nội địa đáp ứng nhu cầu phát triển, thưa Cục trưởng?

Cục trưởng Hoàng Hồng Giang: Với hiện trạng còn nhiều bến thủy với quy mô nhỏ muốn nâng cấp để đáp ứng nhu cầu phát triển đường thủy nội địa thì cần phải xây dựng chính sách để làm sao doanh nghiệp cảm thấy đầu tư vào những dự án này có lãi, có hiệu quả. Đối với các cảng là nguồn hàng, nếu doanh nghiệp thấy nhiều tiềm năng về nguồn hàng có thể đến với cảng của doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ tự đầu tư trang thiết bị bốc xếp, nhà kho, nhà xưởng …

Để thu hút hàng hóa xuống cảng, trước tiên việc cần làm là phải có đường kết nối. Để làm được điều này, Nhà nước cần đứng ra thực hiện. Hoặc, trong trường hợp xã hội hóa cần cho phép nhà đầu tư được thu hồi vốn qua việc lập trạm thu phí (chỉ thu những xe hàng hóa ra vào cảng). Khi đường kết nối ra vào cảng được thuận lợi thì hoạt động của cảng cũng sẽ phát triển hơn.

Bên cạnh đó, về mặt quản lý nhà nước cần tăng cường quản lý về bến bãi. Nghĩa là không cho những bến bãi không phép, không cho bến bãi dưới tiêu chuẩn được hoạt động. Ngược lại, những bến bãi nào quy củ, quy mô, đầu tư trang thiết bị hiện đại thì tạo điều kiện cho hoạt động.

Khi đó, hàng hóa sẽ được tập trung về một đầu mối, nhà đầu tư mới thấy được sự hiệu quả để đầu tư nâng cấp cảng, bến của mình. Còn ngược lại, nếu để quá nhiều cảng bến không phép tồn tại thì sẽ không hiệu quả, phân tán nguồn hàng dẫn đến việc quản lý nhà nước cũng khó khăn hơn. Không tạo ra những đầu mối để trung chuyển hàng hóa.

Khi quản lý tốt các bến bãi, nhà nước sẽ được lợi nữa là không mất các quỹ đất ven sông để có thể dùng việc khác phục vụ hoạt động kinh tế khác.

Phóng viên: Năm 2017 vừa qua, kết quả hoạt động của ngành đường thủy có những điểm gì nổi bật và mục tiêu năm 2018 của ngành như thế nào, thưa Cục trưởng?

Cục trưởng Hoàng Hồng Giang: Năm 2017 vừa qua, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã thực hiện đều trên các nhiệm vụ, lĩnh vực. Trong đó, Cục tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước thông qua việc xây dựng ban hành hệ thống văn bản pháp luật. Đến thời điểm này, hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh các vấn đề của ngành đường thủy khá đầy đủ.

Về mặt quản lý hạ tầng, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tiếp tục triển khai được hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu trong bảo trì đường thủy, đồng thời nâng cao chất lượng bảo trì. Qua đó, để nâng cao sự kết nối các hoạt động vận tải thủy cho tốt hơn.

Bên cạnh đó, Cục tiếp tục thực hiện việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính đối với người dân và doanh nghiệp; trong đó điểm nhấn là đã đưa khoa học công nghệ vào thực hiện các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đường thủy. Từ đó, đơn giản hóa một cách tối đa tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp.

Cũng với đó quản lý của ngành về an toàn giao thông cũng đạt được kết quả khả quan khi cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, người bị thương trong lĩnh vực đường thủy đều giảm sâu so với các năm trước.

Mục tiêu năm 2018 của ngành đường thủy là tiếp tục đổi mới tư duy, đưa khoa học công nghệ vào, tăng cường kỷ luật kỷ cương về quản lý ngành, cải cách hành chính. Ngoài ra, tiếp tục đề xuất những cơ chế chính sác mới để giúp người dân tham gia hoạt động đường thủy cũng như tham mưu cho Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Chính phủ có những dự án đầu tư vào những dự án trọng tâm, trọng điểm để gỡ bỏ nút thắt về hạ tầng cho đường thủy…/.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục