Vật liệu xanh – xu hướng tất yếu của ngành xây dựng

06:02' - 17/10/2016
BNEWS Sử dụng vật liệu thân thiện môi trường hay còn gọi là “vật liệu xanh” trong xây dựng đã và đang trở thành một xu hướng thịnh hành cũng như là cái đích mà ngành xây dựng hướng tới.
PricewaterhouseCoopers Building được xây bằng "vật liệu xanh" lọt Top 20 tòa nhà thân thiện môi trường nhất thế giới. Ảnh: businesstimes.com.sg

Sự tồn vong của Trái Đất hiện đang gắn liền với hàng loạt vấn đề báo động đỏ như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên. Tất cả gần như đều gắn liền với ngành xây dựng.

Thoạt đầu nghe có vẻ các “mắt xích” trên không liên quan tới nhau nhưng trên thực tế lại có mối quan hệ qua lại vô cùng mật thiết. Một ví dụ điển hình là tại nước Anh, ngành công nghiệp xây dựng phát thải hơn phân nửa lượng khí CO2 gây biến đổi khí hậu do đã sử dụng một lượng quá lớn nhiên liệu hoá thạch cho hoạt động xây cất nhà cửa và các công trình cơ sở hạ tầng.

Đó là chưa kể tới việc công trường xây dựng là một trong những “thủ phạm” chính gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất, ô nhiễm nguồn nước và thải ra hàng triệu tấn rác. Thực tế này cần phải được thay đổi ngay lập tức và chìa khoá cho bài toán khó nhằn trên chính là “vật liệu xanh”.

Sử dụng những vật liệu tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường không những tiết kiệm cho chủ đầu tư khoản chi phí lớn mà còn hỗ trợ giảm lượng điện tiêu thụ, giảm phát thải khí CO2. Bên cạnh đó, sử dụng “vật liệu xanh” còn giúp tạo một không gian ngoài trời tốt hơn cũng như kiến thiết một không gian trong nhà “khoẻ hơn”.

Sở dĩ nói vậy là bởi các vật liệu và phương pháp xây dựng truyền thống gây ra hàng loạt vấn đề về sức khoẻ. Chất hóa học gây ô nhiễm (có trong sơn, dung môi, nhựa, gỗ tổng hợp…) cũng như chất gây ô nhiễm sinh học (bụi, nấm mốc…) là nguyên nhân gây ra các bệnh hen suyễn, đau đầu, trầm cảm, eczema…

“Vật liệu xanh” chính là giải pháp thay thế tuyệt vời trong vấn đề trên khi giúp tạo ra một thiết kế thoáng khí, các bức tường “biết thở”, các sản phẩm và vật liệu tự nhiên không độc hại…

Hiện các “vật liệu xanh” đã bắt đầu được sử dụng phổ biến trong ngành xây dựng thế giới phải kể đến sơn sinh thái thân thiện (với hàm lượng hợp chất hữu cơ bay hơi có hại thấp), vật liệu cách nhiệt thân thiện, ngói đất sét, tấm thu năng lượng Mặt trời, tấm lợp sản xuất từ sợi hữu cơ cellulose, đèn LED… 

Tấm thu năng lượng Mặt trời hiện đã được sử dụng phổ biến trong ngành xây dựng thế giới. Ảnh minh họa: pinsolar.net

Mới đây, các nhà nghiên cứu khoa học thuộc Đại học Papaloapan Mexico (Unpa) đã phát triển thành công một vật liệu xây dựng mới có tên gọi là PAS từ bột giấy thải và tro của cây mía có độ bền, chắc gấp ba lần so với bê tông thông thường.

Loại vật liệu sinh thái có hiệu quả kinh tế cao này, do Tiến sỹ Martha Poisot và Axel Villavicencio nghiên cứu thành công, dự kiến sẽ được sử dụng trong việc xây dựng các nhà ở xã hội. PAS có một ưu điểm rất vượt trội, đó là có khả năng chịu nhiệt tốt và ngăn chặn các ion tác động lên thép, do đó có tác dụng ngăn ngừa sự ăn mòn. 

Ngoài ra, vật liệu này còn khắc phục được nhược điểm suy yếu từ trong ra ngoài do có độ ẩm của vật liệu trong các cấu trúc bằng bê tông thông thường.

Theo nghiên cứu, PAS có thể chịu lực tới 750 kg/cm2, gấp ba lần so với bê tông. Sản xuất PAS tiết kiệm tới 80% lượng nước trong sản xuất bê tông và giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính so với sản xuất xi măng thông thường.

>> Hà Lan hỗ trợ Việt Nam phát triển nông nghiệp thông minh

>> Đưa vào hoạt động Trung tâm Logistics Transimex Đà Nẵng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục